Sáng 3/1, tại họp báo triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2024, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, năm 2023 diễn ra với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, lạm phát cao, thương mại toàn cầu sụt giảm, giá cả hàng hóa cơ bản biến động mạnh, xung đột địa chính trị; ngân hàng trung ương nhiều nước tiếp tục neo giữ lãi suất điều hành ở mức cao. Trong nước, các động lực tăng trưởng xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng đều gặp thách thức do cầu thế giới thấp; doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do đơn hàng, thị trường sụt giảm...
NHNN đã nghiêm túc quán triệt chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chủ động bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ để kịp thời điều chỉnh chính sách, ban hành và triển khai thực hiện đồng bộ, tối ưu các công cụ, giải pháp điều hành, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế và đảm bảo sự phát triển an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết đến cuối năm 2023, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 13,5%. |
Cụ thể, NHNN liên tục 4 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, với mức giảm 0,5-2,0%/năm trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao, tạo điều kiện để giảm mặt bằng lãi suất cho vay của thị trường. Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) tiết giảm chi phí và áp dụng đồng bộ các biện pháp giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Đến nay, lãi suất tiền gửi và cho vay mới của các ngân hàng thương mại (NHTM) đã giảm khoảng hơn 2,0%/năm so với cuối năm 2022.
Đồng thời, tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về cho vay, đơn giản hóa thủ tục, giảm bớt hồ sơ vay, đẩy mạnh kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên toàn quốc; gia tăng các chương trình, sản phẩm tín dụng đặc thù, ưu đãi..., tạo điều kiện thuận lợi hơn để người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng ngân hàng.
Nhiều chương trình tín dụng được triển khai nhằm thực hiện tốt chính sách xã hội, góp phần thực hiện thành công 3 chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
“Với hệ thống các chỉ đạo và giải pháp đồng bộ của NHNN, đến cuối năm 2023, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 13,5%, thấp hơn dự kiến đầu năm là 14-15%. Tuy nhiên, đây là con số tăng trưởng tích cực nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và sự nỗ lực của ngành ngân hàng, đặc biệt trong thời điểm cuối năm”, Phó Thống đốc cho hay.
Về kế hoạch triển khai và định hướng hoạt động của NHNN trong năm 2024, ông Tú nhận định năm 2024, triển vọng kinh tế toàn cầu và thị trường quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong nước, nền kinh tế dự kiến vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, ngành ngân hàng sẽ hành động quyết liệt hơn.
“Có thể nói, lãi suất hiện nay thấp nhất trong 20 năm qua, đâu đó vẫn còn một số ngân hàng có lãi suất cao do huy động từ nền lãi suất cao thời điểm đầu năm. Tuy nhiên, trong năm nay sẽ không còn lãi suất cao. Trong điều kiện cho phép sẽ tiếp tục giảm lãi suất”, ông Tú khẳng định.
Đối với tăng trưởng tín dụng, định hướng trong năm nay khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. “Nếu nền kinh tế tăng trưởng tốt hơn có thể điều chỉnh lên 16%. Trên nền của năm 2023, năm nay dự kiến sẽ cung ứng thêm cho nền kinh tế khoảng 1,5 triệu tỷ đồng”, ông Tú nói, đồng thời thông tin thêm: “Ngay ngày hôm qua, Vụ Chính sách tiền tệ ký thông báo về hạn mức tín dụng cho tất cả các ngân hàng ngay từ đầu năm, và đưa ra chỉ đạo các ngân hàng phải phấn đấu đạt được chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đã cấp”.
NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các TCTD hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Đồng thời, Phó Thống đốc NHNN cho biết, từ nay đến Tết Nguyên đán, NHNN sẽ tổ chức sơ kết gói hỗ trợ 20.000 tỷ đồng cho công nhân vay vốn, hiện dư nợ đã đạt hơn 9.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, trong năm 2024, NHNN đặt mục tiêu tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025; tập trung thực hiện có hiệu quả phương án xử lý các TCTD yếu kém. Chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh công tác xử lý, thu hồi nợ xấu; phấn đấu năm 2024, tỷ lệ nợ xấu nội bảng (không bao gồm các NHTM yếu kém) dưới 3%.
Hiện nay, nợ xấu nội bảng đã đạt 4,95%, nợ xấu bán cho VAMC và nợ xấu có nguy cơ trở thành nợ xấu là rất lớn. Ông Tú cho biết, NHNN đang nghiên cứu, xem xét về gia hạn Thông tư 02/2023, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.
"Nếu như đến thời điểm 30/6, nền kinh tế vẫn cần thông tư này, doanh nghiệp vẫn cần thông tư này thì chúng tôi sẽ nghiên cứu để tiếp tục kéo dài thêm", ông Tú nói.
Tuy nhiên, ông Tú khẳng định bản chất vẫn phải kiểm soát được nợ, nhằm đạt mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng (không bao gồm các NHTM yếu kém) dưới 3%.
Thanh Hoa