Thống kê mới công bố từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong tháng 5, tiền gửi của người dân tại ngân hàng tăng ròng khoảng 14.700 tỷ đồng, thấp hơn hẳn mức tăng bình quân trên 110.000 tỷ đồng mỗi tháng giai đoạn 4 tháng đầu năm. Đồng thời cũng là mức tăng theo tháng thấp nhất kể từ tháng 10 năm ngoái. Tuy nhiên, trong tháng 5, tiền gửi của nhóm khách hàng dân cư đã tăng thêm 89.000 tỷ đồng, lên hơn 6,347 triệu tỷ đồng, vượt xa số dư tiền gửi của các tổ chức kinh tế tại hệ thống ngân hàng, tăng 8,21% so với cuối năm 2022.
Tính chung 5 tháng đầu năm, tiền gửi của dân cư vào hệ thống ngân hàng đã tăng thêm gần 400.000 tỷ đồng. Nếu tính chung 5 tháng, tiền gửi dân cư tại hệ thống ngân hàng đạt hơn 6,3 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 8,2% so với đầu năm. Đây là mức tăng mạnh nhất so với cùng kỳ vài năm trở lại đây, xét cả về giá trị tuyệt đối và tương đối.
Mức tăng cao này diễn ra trong bối cảnh lãi suất huy động tăng cao kể từ tháng 10 năm ngoái. Ngoài ra, người dân cũng tìm đến tiết kiệm như một nơi "trú ẩn an toàn" khi mà thị trường bất động sản lao dốc, còn chứng khoán có nhiều biến động.
Tính chung 5 tháng, tiền gửi dân cư tại hệ thống ngân hàng đạt hơn 6,3 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 8,2% so với đầu năm. |
Điển hình, trong tháng 1/2023, số tiền người dân gửi vào ngân hàng tăng đến 178.000 tỷ đồng so với cuối năm 2022. Hay như trong tháng 2/2023, số tiền gửi tăng đến 136.000 tỷ đồng…
Tuy nhiên, từ tháng 4 đến nay, lãi suất tiết kiệm giảm nhanh và mạnh hơn, khiến kênh tiền gửi trở nên bớt hấp dẫn hơn. Vào cuối tháng 5, hầu hết nhà băng đều điều chỉnh lãi suất đưa mức niêm yết cao nhất về 8,5% một năm, sau động thái hạ lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, tiền gửi vào ngân hàng của người dân có xu hướng giảm dần.
Ghi nhận trên thị trường xu hướng giảm lãi suất đang diễn ra mạnh mẽ. Báo cáo mới đây từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến cuối tháng 6/2023, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng VND của các ngân hàng thương mại giảm khoảng 1%/năm so với cuối năm 2022.
Giới phân tích cho rằng, chứng khoán sẽ hấp dẫn nhà đầu tư hơn trong thời gian tới khi lãi suất tiền gửi xuống thấp hơn hiện nay. Lãi suất tiền gửi tiết kiệm sẽ kém hấp dẫn hơn trong nửa sau của năm 2023.
Theo đó, lãi suất huy động (bình quân) kỳ hạn 12 tháng có thể về mức 6,5-6,7%/năm vào cuối năm 2023 và xuống thấp hơn nữa trong năm 2024.
Vì thế, khó tránh được việc dòng tiền của nhà đầu tư có thể dịch chuyển một phần sang các kênh đầu tư khác để hưởng mức lợi suất cao hơn và xu hướng này sẽ rõ nét hơn trong giai đoạn cuối năm 2023 và sang đầu năm 2024 nếu tình hình kinh tế khả quan hơn.
Còn đối với các tổ chức kinh tế, tiền gửi vào ngân hàng tại thời điểm cuối tháng 5 có tăng trở lại so với tháng 4 khoảng 94.000 tỷ đồng, đạt 5,748 triệu tỷ đồng, nhưng vẫn giảm 3,45% so với cuối năm 2022.
Điều này diễn ra trong bối cảnh doanh nghiệp bất động sản khó khăn về thanh khoản còn nhóm doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thiếu đơn hàng, thu hẹp quy mô.Các doanh nghiệp phải rút tiền gửi tại ngân hàng để xử lý những khó khăn.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê, bình quân trong 6 tháng đầu năm 2023 có 16.700 doanh nghiệp đóng cửa mỗi tháng. Cụ thể tính chung 6 tháng đầu năm 2023, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn 60.200 doanh nghiệp (tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước); 31.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể (tăng 28,9%); 8.800 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (tăng 2,8%).
Thanh Hoa