Sau vài tháng gần như giữ nguyên, lãi suất cho vay bắt đầu tăng. Ngay từ thời điểm giữa tháng 12/2018, một số ngân hàng đã điều chỉnh tăng thêm 0,2 – 1% tùy thuộc vào một số kỳ hạn, theo đó đưa lãi suất ngắn hạn dao động 7 – 9%/năm, lãi suất trung dài hạn 9 – 12,5%/năm.
Một số doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu cho biết, trong giai đoạn cuối năm, DN gấp rút hoàn thành kế hoạch kinh doanh nên rất cần vốn, vì vậy lãi suất huy động tăng chắc chắn sẽ đẩy mặt bằng lãi suất cho vay tăng theo, đặc biệt là tại các kỳ hạn trung và dài hạn.
Mối lo dần hiện hữu
Theo khảo sát của Thời báo Kinh Doanh, mối lo tăng lãi suất cho vay dần hiện hữu. Chị Nguyễn Thị Thanh, giám đốc một công ty kinh doanh thức ăn chăn nuôi, cho biết dù cơ quan quản lý nhà nước đưa ra các giải pháp nhằm tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, ngân hàng cam kết không tăng lãi suất để hỗ trợ DN… nhưng thị trường dường như đang đi ngược lại ý chí này.
"Nhiều ngân hàng chào mức lãi suất cho vay 6,5 – 7%/năm, song rất ít DN được hưởng mức ưu đãi này. Mức lãi suất vay mà nhiều DN đang phải trả dao động 8 – 11%/năm, thậm chí cao hơn. Tuy nhiên, do cần vốn để đáp ứng nhu cầu kinh doanh mùa vụ cuối năm, nên dù lãi suất cao, DN vẫn phải vay", chị Thanh nói.
Hầu hết các DN lo lắng xu hướng gia tăng lãi suất của các ngân hàng là điều bất lợi cho DN, bởi chi phí lãi vay tăng sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh.
Theo tính toán của một DN xuất nhập khẩu, chi phí lãi vay trung bình của DN này khoảng 1 tỷ đồng/tháng, nhưng trong các tháng cuối năm đã "đội thêm" khoảng 10%. Vì nhu cầu sử dụng vốn nhiều nên DN vẫn phải duy trì, thậm chí bổ sung khoản vay.
"Để chuẩn bị đủ nguồn hàng cung ứng trong dịp Tết, DN cần có thêm khoảng 800 triệu đồng, nhưng do lãi suất đã tăng nên chúng tôi chỉ dám vay thêm 400 triệu đồng. Trong khi đó, trước áp lực cạnh tranh, chúng tôi không thể tăng giá bán các sản phẩm và chấp nhận giảm lợi nhuận để giữ khách hàng", đại diện DN cho hay.
Nhiều chuyên gia cùng có chung nhận định lãi suất cho vay năm nay khó giảm, thậm chí dự báo sẽ tăng hơn so với năm ngoái. CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tăng thêm 0,25% – 0,5% trong năm 2019.
Lãi suất cho vay năm 2019 dự báo khó giảm, thậm chí sẽ tăng hơn |
Lãi vay khó "nằm im"
Một chuyên gia cho hay, chủ trương của ngành ngân hàng là cắt giảm các chi phí, qua đó tạo cơ hội giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ gánh nặng với các DN. Tuy nhiên, ngoài ý muốn chủ quan còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố của nền kinh tế chứ không phải cứ muốn giảm lãi suất là làm được.
Vị chuyên gia này nêu ba nguyên nhân khiến mặt bằng lãi suất khó có thể "nằm im". Thứ nhất, để ngân hàng có thể cho vay với lãi suất thấp, đầu tiên phải có nguồn đầu vào thấp, tức giá vốn thấp, nhưng giá vốn thấp hiện nay đang là điều khó khăn với các nhà băng.
"Chưa kể việc khan vốn theo xu hướng thị trường cuối năm, việc quy định giảm hệ số sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của các ngân hàng từ mức 60% xuống 50%, cũng khiến các nhà băng phải cơ cấu lại nguồn vốn, thậm chí phải tăng lãi suất huy động vốn trung dài hạn như thời gian gần đây. Dự kiến tình trạng tăng lãi suất huy động sẽ còn kéo dài đến hết quý 1/2019", chuyên gia này đánh giá.
Thứ hai, nhiều yếu tố tác động đến mục tiêu kiềm chế lạm phát trong năm nay như: một số địa phương tiếp tục tăng giá dịch vụ y tế và giáo dục theo lộ trình; thuế xăng dầu tăng kịch trần. Đặc biệt, diễn biến giá xăng dầu từ cuối năm 2018 đến đầu năm nay giảm mạnh nhưng mặt bằng giá, đặc biệt là giá cước taxi cũng như giá dịch vụ vận tải không hề giảm, khiến giá các mặt hàng vẫn đứng im tại chỗ… Điều này sẽ là cơ sở để tăng lãi suất.
Thứ ba, những yếu tố khách quan từ bên ngoài cũng đang tác động đến mục tiêu của ngành ngân hàng. Đó là việc biến động của tỷ giá VND/ USD vẫn còn tăng do chiến tranh thương mại Mỹ – Trung vẫn chưa bớt căng thẳng. Do đó, nếu đồng Nhân dân tệ tiếp tục mất giá, đồng USD tăng giá sẽ gây sức ép nhất định lên tỷ giá VND và gián tiếp gây sức ép lên lãi suất.
Từ những phân tích trên, chuyên gia này cho rằng, việc giảm lãi suất cho vay trong năm nay thực sự là khó, nếu có giảm được cũng không nhiều và chỉ có thể tập trung cho một vài đối tượng khách hàng ưu tiên hoặc nhóm ngành nào đó, chứ khó giảm đồng loạt.
Huyền Anh