Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa công bố diễn biến lãi suất của các tổ chức tín dụng đối với khách hàng trong tháng 8/2024. Theo đó, lãi suất huy động tiếp tục xu hướng tăng so với tháng trước ở kỳ hạn ngắn, tuy nhiên lại có xu hướng giảm đối với tiền gửi trung hạn.
Cụ thể, dữ liệu của NHNN cho thấy, lãi suất tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng đứng im tại mức 0,2%/năm.
Trong khi đó, mức lãi suất cho tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng ở mức 2,6-3,6%/năm, tăng bình quân 0,2%/năm so với tháng trước.
Tương tự, lãi suất đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng cũng nhích nhẹ khoảng 0,1%/năm, lên mức 4,4-4,9%/năm.
Tuy nhiên, tại các kỳ hạn từ trên 12 tháng, lãi suất lại vẫn tiếp tục có xu hướng giảm nhẹ. Cụ thể, đối với kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng, các tổ chức tín dụng đang áp dụng lãi suất cho khách hàng là 5,3-6,1%/năm, thấp hơn 0,1 – 0,2% so với kỳ thống kê ở tháng trước. Trong tháng 7/2024, lãi suất kỳ hạn này dao động trong khoảng 5,5 – 6,2%/năm.
Mặt bằng lãi suất cho vay vẫn được các ngân hàng duy trì ở mức thấp. |
Đáng nói, đây là tháng giảm thứ hai liên tiếp đối với kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng, trong tháng 7, các ngân hàng đã giảm khoảng 0,2%/năm đối với kỳ hạn này, còn nếu so với đầu năm, mức giảm đã lên tới 1,5 – 1,7%/năm.
Trong khi đó, tiền gửi dài hạn (từ trên 24 tháng) có xu hướng đứng im từ đầu năm ở mức khoảng 6,9-7,4%/năm.
Theo khảo sát của VnBusiness, hiện xu hướng tăng lãi suất vẫn chủ yếu đến từ nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân, trong khi nhóm 4 ngân hàng do nhà nước chi phối là Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank vẫn áp dụng biểu lãi suất huy động ở mức thấp lịch sử ở mức từ 4,6 - 4,7%/năm.
Trong khi đó, mức lãi suất huy động 6,1%/năm cũng là lãi suất cao nhất thị trường được niêm yết tại 5 ngân hàng, gồm: NCB và OceanBank (kỳ hạn tiền gửi từ 18 - 36 tháng); HDBank (kỳ hạn 18 tháng); Saigonbank và SHB (kỳ hạn gửi tiền từ 36 tháng).
Như vậy, có thể thấy dù tín dụng phục hồi khá mạnh mẽ những tháng gần đây, nhưng thanh khoản các ngân hàng không quá căng thẳng. Ngân hàng chỉ kích cầu tiền gửi ở những kỳ hạn ngắn.
Với nguồn vốn trung và dài hạn, thời gian gần đây, nhiều nhà băng đã chọn lựa kênh trái phiếu doanh nghiệp. Theo thống kê của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, từ đầu năm đến ngày 20/9, tổng giá trị phát hành TPDN được ghi nhận là 271.832 tỷ đồng, trong đó, riêng các ngân hàng đã chiếm tới 72,4% khối lượng phát hành.
Về mặt bằng lãi suất cho vay vẫn được các ngân hàng duy trì ở mức thấp. NHNN cho biết, lãi suất cho vay bình quân của NHTM trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 6,8-9,2%/năm, giảm 0,1% so với dữ liệu tháng trước. Mức lãi suất này cũng đã giảm mạnh gần 1%/năm so với đầu năm (7,8-10,1%/năm).
Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 3,7%/năm, tăng nhẹ so với tháng 7 (0,6%/năm) nhưng thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của NHNN (4%/năm).
Đặc biệt, hiện nay để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sau bão lũ, hàng chục ngân hàng - dẫn đầu là nhóm Big 4 đã giảm 0,5-2% lãi suất với khoản vay hiện hữu, tung ra các gói tín dụng ưu đãi mới dành cho khách hàng vùng bão lũ, tiến hành cơ cấu nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão lũ.
Thanh Hoa