Khảo sát của VnBusiness với 34 ngân hàng trong nước cho thấy, làn sóng giảm lãi suất tiết kiệm vẫn chưa dừng lại trong nửa đầu tháng 1/2024. Một số ít đơn vị điều chỉnh tăng, song xu hướng giảm lãi suất là chủ đạo và diễn ra trên diện rộng.
Lãi suất huy động liên tục giảm
Mới đây, các ngân hàng ngân hàng thương mại có vốn nhà nước đã tiếp tục giảm lãi suất huy động, với mức thấp nhất chỉ còn 1,7%/năm cho kỳ hạn 1 tháng.
Cụ thể, tại Vietcombank, lãi suất 1 tháng còn 1,7%/năm, kỳ hạn 3 tháng là 2%/năm. Tại Agribank, kỳ hạn 1 tháng là 1,8%/năm và 2 tháng là 2,1%/năm. Tại BIDV, lãi suất kỳ hạn 1 - 2 tháng là 2%/năm; kỳ hạn 3 - 5 tháng chỉ còn 2,3%/năm và kỳ hạn 6 - 11 tháng còn 3,3%/năm. Tại VietinBank, lãi suất huy động trực tuyến kỳ hạn 1 - 2 tháng chỉ còn 1,9%/năm, các kỳ hạn 3 - 5 tháng còn 2,2%/năm; kỳ hạn 6 - 9 tháng niêm yết ở mức 3,2%/năm.
Thời gian qua, Techcombank điều chỉnh giảm lãi suất huy động từ 0,5-1% cho kỳ hạn gửi ngắn. |
Việc các ngân hàng Big 4 tiếp tục giảm lãi suất huy động được kỳ vọng sẽ lan tỏa tới các ngân hàng thương mại cổ phần, từ đó tạo tiền đề để mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục giảm trong thời gian tới.
Nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần như Techcombank, MSB, SeABank, OCB, LPBank, Oceanbank... là nhóm ngân hàng điều chỉnh lãi mạnh nhất, từ 0,5-1% cho kỳ hạn gửi ngắn.
Đáng chú ý, trong nửa đầu tháng 1, một số ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất huy động tới 3 lần như NCB, Viet A Bank…
Hiện, hầu hết ngân hàng niêm yết lãi suất 5-5,7% cho khoản tiền gửi dưới 1 tỷ đồng, kỳ hạn 12 tháng. Khoảng 10 đơn vị niêm yết lãi suất dưới 5% cho cùng kỳ hạn, gồm nhóm quốc doanh và một số nhà băng tư nhân như MB, ACB, TPBank, MSB, OCB, Techcombank, SCB, VIB, ABBank.
Theo đánh giá của các công ty chứng khoán, năm nay, ngân hàng còn ít dư địa giảm lãi huy động khi mặt bằng đã về thấp hơn giai đoạn dịch Covid-19. Do đó, tháng đầu năm, nhiều ngân hàng giảm lãi suất huy động, song lãi suất huy động sẽ ổn định, thậm chí là tăng trở lại trong nửa cuối năm khi cầu vốn tín dụng tăng.
Trong khi đó, với lãi suất cho vay, các chuyên gia đánh giá vẫn còn nhiều dư địa giảm trong năm nay.
Trao đổi với VnBusiness, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng dự báo mặt bằng chung lãi suất huy động vẫn sẽ ổn định trong năm 2024 do trong quá trình phục hồi kinh tế, việc duy trì mặt bằng lãi suất thấp sẽ là mục tiêu được ưu tiên. Hơn nữa, việc duy trì mặt bằng lãi suất huy động thấp trong thời gian đủ lâu là cần thiết để kéo giảm mặt bằng lãi suất cho vay vốn chưa giảm đủ nhiều đối với các hoạt động của nền kinh tế.
Lãi suất cho vay dự báo tiếp tục giảm
Nhiều chuyên gia nhận định, điều hành chính sách tiền tệ trong năm nay tiếp tục được duy trì theo chiều hướng hỗ trợ phục hồi kinh tế, đồng thời ổn định tỷ giá.
Những yếu tố hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước để duy trì chính sách tiền tệ như hiện tại là dự báo lãi suất điều hành của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ hạ xuống mức xấp xỉ 4%/năm vào cuối năm 2024 và áp lực lên tỷ giá không lớn. Lạm phát năm nay cũng được dự báo có xu hướng giảm.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, hiện mặt bằng lãi suất tiền gửi, cho vay đã giảm hơn 2,5% so với cuối năm 2022. Với tác động có độ trễ của chính sách sau những lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành và các biện pháp đồng bộ khác của Ngân hàng Nhà nước, các chuyên gia cũng dự đoán mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.
Các chuyên gia cho rằng để tăng trưởng tín dụng hiệu quả và đi vào thực chất, bài toán đặt ra hiện nay vẫn là đẩy mạnh chính sách tài khóa và giảm hơn nữa lãi suất cho vay. Được xem là "đòn bẩy" nhỏ nhưng có thể tạo ra tác động tích cực lớn cho nền kinh tế trong giai đoạn sắp tới, các chính sách thuế hỗ trợ đóng vai trò quan trọng.
Agribank cho biết ngay từ đầu năm nay, ngân hàng đã điều chỉnh chính sách lãi suất cho các khoản vay phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, với mức lãi suất cố định chỉ từ 7,0%/năm, thời gian áp dụng được nới rộng từ 12 tháng lên 24 tháng. Mức lãi suất này sẽ hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.
Theo ông Nguyễn Minh Hoàng, Giám đốc Phân tích, Công ty Cổ phần Chứng khoán Nhất Việt: "Tôi đánh giá mức lãi suất cho vay ở các ngân hàng thương mại vẫn tiếp tục có thể giảm thêm. Vì lãi suất tiết kiệm vẫn đang ở mức thấp, lãi suất tiết kiệm thường hạ trước và nhanh hơn, nên lãi suất cho vay thường sẽ hạ chậm hơn thường là 6 tháng, như vậy lãi suất cho vay vẫn còn dư địa hạ xuống thêm 0,5 - 1% nữa".
Bên cạnh việc giảm lãi suất huy động, các ngân hàng cũng thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tiết giảm chi phí như ứng dụng công nghệ thông tin, hay cắt giảm các loại phí để tạo thêm dư địa hạ mặt bằng lãi suất.
Công ty Cổ phần Cơ khí Chính xác HBT Việt Nam cho biết, doanh nghiệp này đã tiết kiệm được hàng tỷ đồng trong năm vừa qua, khi mức lãi suất cho các khoản vay đã giảm từ 3 - 4% so với cuối năm 2022. Do mặt bằng lãi suất đã hạ nhiệt giúp doanh nghiệp tự tin vay thêm vốn để phục vụ kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh trong năm nay.
Huyền Anh