Những ngân hàng đang cần tăng vốn điều lệ đáp ứng hệ số an toàn vốn theo quy định của Basel II sẽ chia cổ tức bằng cổ phiếu, thay vì tiền mặt (Ảnh: Internet) |
Báo cáo tài chính năm vừa qua của hầu hết các ngân hàng đều ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng dương. Thậm chí, có khoảng 10 ngân hàng đạt lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng. Nhờ đó, nhiều ngân hàng hứa hẹn sẽ chia cổ tức cho cổ đông ở mức cao, lên tới 30% nhưng chủ yếu là bằng cổ phiếu.
Nhà băng muốn chia cổ phiếu
Cổ tức là một phần lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp được chia cho các cổ đông. Vì vậy, khi doanh nghiệp càng "ăn nên làm ra" thì cổ tức chia cho cổ đông sẽ tăng theo.
Chẳng hạn, những năm trước, ACB thường chia cổ tức trên 20%, nhưng lợi nhuận năm 2019 tăng hơn 3% so với mục tiêu đầu năm nên nhà băng này quyết định chia cổ tức tỷ lệ 30%, trong đó 20% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt.
Nhiều nhà băng khác như HDBank, VPBank... cũng có kế hoạch chia cổ tức 30%.
Không chỉ quan tâm đến tỷ lệ chia cổ tức, cổ đông của các ngân hàng mong muốn cổ tức được quy đổi sang tiền mặt thay vì nhận cổ phiếu.
Trên thực tế những năm gần đây, dù gặt hái lợi nhuận khủng, song nhiều ngân hàng vẫn trả cổ tức bằng cổ phiếu là chủ yếu.
Chẳng hạn, SHB lên kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 12.036 tỷ đồng lên hơn 14.550 tỷ đồng dưới hình thức chia cổ tức năm 2017 và 2018 bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận để lại tính đến 31/12/2018.
Theo đó, SHB sẽ phát hành hơn 251,4 triệu cổ phiếu (tương đương hơn 2.514 tỷ đồng theo mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu) để chia cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ lên tới 20,9%.
Mục đích tăng vốn là nhằm đạt chuẩn Basel II vào năm 2020, đẩy mạnh việc đầu tư vào công nghệ thông tin, cũng như nâng cao năng lực quản trị, khả năng cạnh tranh của SHB trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Tương tự là VietinBank, theo phương án tăng vốn điều lệ giai đoạn 2019-2020, nhà băng này mong muốn tăng vốn thông qua chia cổ phiếu tỷ lệ 40%. Trong khi đó, Chủ tịch Vietcombank Nghiêm Xuân Thành đề xuất giữ lại lợi nhuận và chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ tối thiểu 70% trong 3 năm. Cụ thể, Vietcombank đề xuất giữ lại lợi nhuận và chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ tối thiểu 70% trong giai đoạn từ 2018 – 2020. Qua đó, vốn điều lệ của Vietcombank sẽ tăng ít nhất 25.900 tỷ đồng.
Lo mục tiêu tăng vốn
Theo giới phân tích, sau một năm kinh doanh, nhà đầu tư sẽ muốn thu lợi bằng tiền mặt hơn là nhận cổ tức bằng cổ phiếu. Bởi điều này mang lại cảm giác chắc chắn cho cổ đông khi tìm kiếm lợi nhuận trong đầu tư cổ phiếu. Đối với những nhà đầu tư phòng thủ thì việc nhận tiền mặt từ doanh nghiệp mang tính đảm bảo hơn nhiều so với việc công ty giữ lại tiền và chạy theo những cơ hội “hào nhoáng” nhưng không chắc chắn.
Ngoài ra, việc trả cổ tức bằng tiền mặt sẽ chứng minh là doanh nghiệp có dòng tiền vững mạnh, an toàn khi đầu tư.
Tuy nhiên, trong bối cảnh đang cần tăng vốn điều lệ đáp ứng hệ số an toàn vốn (CAR) theo quy định của Basel II, nếu trả cổ tức bằng tiền mặt sẽ làm giảm lượng tiền của ngân hàng khiến không đạt được mục tiêu tăng vốn, ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng và phát triển của ngân hàng.
Đáng chú ý, thời gian qua, việc tăng vốn ở hầu hết các ngân hàng trở nên khó khăn, thậm chí có ngân hàng nhiều năm không tăng được vốn, nên việc chia cổ tức bằng cổ phiếu sẽ giúp ngân hàng giảm bớt áp lực về tăng vốn.
“Việc các ngân hàng mạnh tay chia cổ tức cho cổ đông sẽ là một kênh để hoàn thành mục tiêu tăng vốn. Đồng thời, việc chi trả cổ tức bằng cổ phiếu ở mức cao sẽ giúp ngân hàng giữ lại tiền mặt để xử lý những khó khăn hiện hữu, hoặc mở rộng kinh doanh, đầu tư vào các dự án mang lại lợi nhuận lâu dài và tăng tiềm lực cạnh tranh”, một chuyên gia chứng khoán nhận định.
Ví dụ như trường hợp Techcombank, cổ đông của nhà băng này 8 năm qua phải "nhịn" cổ tức dù lợi nhuận liên tục tăng. Lý do được HĐQT Techcombank đưa ra là nhằm gia tăng điểm hấp dẫn cho cổ phiếu khi chuẩn bị lên sàn HoSE và phục vụ cho hoạt động kinh doanh.
Sacombank đang trong quá trình tái cơ cấu nên vẫn nói không với cổ tức, dù tiếp tục bị cổ đông bức xúc, chất vấn. Nguyên nhân đưa ra là ngân hàng cần giữ lại thặng dư vốn để bổ sung vốn tự có, tăng vốn điều lệ. Theo dự kiến trước đó, tại đại hội cổ đông sắp tới, Sacombank tiếp tục trình kế hoạch không chia cổ tức cho năm 2019.
Thanh Hoa