![]() |
Các chuyên gia đánh giá, lạm phát và tăng trưởng tín dụng khả quan sẽ tạo áp lực lên lãi suất huy động. (Ảnh minh hoạ: Int) |
Theo quan sát của Công ty chứng khoán VnDirect, mối lo về lạm phát gia tăng và tăng trưởng tín dụng khả quan đã khiến lãi suất huy động tăng tại một số ngân hàng trong tháng 5/2021.
Đồng thời, dư địa cho cắt giảm lãi suất là tương đối hạn chế bởi áp lực lạm phát cao hơn trong 6 tháng cuối năm 2021 do giá dầu thô thế giới tăng; cơn sốt giá bất động sản tại một số tỉnh, thành phố tăng mạnh trong những tháng đầu năm sẽ khiến Ngân hàng Nhà nước thận trọng hơn trong việc tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ.
Các chuyên gia VnDirect đánh giá, áp lực lạm phát cao hơn vào nửa cuối năm so với 6 tháng đầu năm và các ngân hàng thương mại cần duy trì mặt bằng lãi suất huy động hấp dẫn nhằm huy động vốn trong bối cảnh cạnh tranh cao hơn từ các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán.
Đồng thời, VnDirect kỳ vọng lãi suất cho vay sẽ duy trì ở mức ổn định đến hết năm 2021. Với tỷ suất lợi nhuận của các ngân hàng thương mại ở mức tốt, các ngân hàng sẽ tiếp tục ổn định lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi.
Trong khi đó, Bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán SSI (SSI Research) vừa có báo cáo về thị trường tiền tệ tuần từ 7-11/6/2021, ghi nhận lãi suất tiền gửi trong tuần tiếp tục ổn định ở mức 2,9-4%/năm với kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng; 3,5-5,3%/năm với kỳ hạn 6 tháng đến dưới 12 tháng; 4,6- 6,5%/năm với kỳ hạn 12-13 tháng nhưng mức độ chênh lệch lãi suất giữa các nhóm ngân hàng đang có xu hướng tăng khi một số ngân hàng thương mại cổ phần tăng nhẹ (10-30 điểm cơ bản) với các khoản tiền gửi khách hàng cá nhân.
SSI cho rằng, trong bối cảnh tỷ giá USD/VND có xu hướng giảm, xác suất các ngân hàng thương mại hủy ngang các giao dịch bán kỳ hạn USD đã ký kết vào tháng 1 và 2/2021 là rất thấp. Bởi vậy, trong tháng 7 và 8 tới, một lượng tiền đồng lớn sẽ được bơm ra thị trường, lãi suất sẽ vẫn duy trì ổn định trong ngắn hạn.
T. Hoa