Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có công văn số 5747/NHNN-PC gửi Văn phòng Chính phủ trả lời về vấn đề Bitcoin, Litecoin với nội dung xác định các loại tiền ảo như trên không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định chung của pháp luật Việt Nam.
“Việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo nói chung cùng Bitcoin, Litecoin nói riêng làm tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm”, NHNN cho biết.
Tuổi thọ của máy chỉ 2 – 3 tháng
Cơn sốt tiền ảo Bitcoin đã khiến thị trường máy “đào” Bitcoin ngày càng trở nên hấp dẫn, nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh nhập khẩu để bán lại máy “đào” với mục tiêu kiếm lời là chính.
Theo một số nhà đầu tư, một chiếc máy đào Bitcoin hiện nay có giá trung bình khoảng 60 – 70 triệu đồng, chưa kể chi phí mua sắm phần mềm và thuê “công nhân” đào tiền, khiến chi phí đầu tư ban đầu khá cao song khả năng xử lý dữ liệu rất thấp, tiêu tốn nhiều năng lượng.
Đáng nói, tuổi thọ trung bình của hầu hết các loại máy “đào” được nhập khẩu về Việt Nam chỉ khoảng 2 – 3 tháng, sau đó phải mua sắm lại toàn bộ. Nếu không thay mới, tốc độ xử lý không cao, khả năng đào được Bitcoin rất thấp.
Không chỉ chi phí cao do dàn máy đào không đạt chuẩn, số tiền thu được hầu như đều phụ thuộc vào máy đào. Ngay cả khi đào được tiền cũng chưa chắc sẽ bảo toàn được nguồn vốn đầu tư đã bỏ ra.
Do đó, nhiều chuyên gia cảnh báo, trước đây, có nhiều doanh nghiệp đã bỏ ra lượng tiền rất lớn để nhập khẩu ồ ạt các loại máy tính để “đào Bitcoin và một số loại tiền ảo khác” nhưng do Việt Nam hiện nay chưa làm chủ được công nghệ khai thác tiền ảo nên hầu hết doanh nghiệp và cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh tiền ảo đều bị thua lỗ trầm trọng.
Ngoài ra, các chuyên gia an ninh mạng cũng cảnh báo, hiện nay xuất hiện rất nhiều mã độc đánh cắp dữ liệu để tống tiền hoặc chiếm quyền điều hành của máy tính hoặc điện thoại nhằm dễ dàng truy cập vào tài khoản cá nhân của nạn nhân để lấy tiền.
Đối với những loại máy tính chuyên dụng để “đào” Bitcoin, khả năng bị cài mã độc là rủi ro khó tránh khỏi, thậm chí có thể bị cài đặt sẵn một số lệnh kinh doanh cơ bản với những ý đồ khác nhau.
Khi máy “đào” bị cài mã độc, các nhà đầu tư sẽ khó phát hiện cho nên, vô tình đã bị các mã độc này điều khiển mà không biết rằng càng chơi, nhà đầu tư càng mất tiền.
Những nhà đầu tư có trình độ chuyên môn cũng sẽ chỉ hòa vốn, hoặc lãi một chút để an ủi, và tiếp tục mua sắm máy móc để tham gia “đào” Bitcoin.
Thống kê của Tổng cục hải quan (Bộ Tài chính) cho biết, thời gian gần đây, các loại máy “đào” Bitcoin nhập về trong nước số lượng ngày tăng. Tuy nhiên, các loại máy xử lý dữ liệu tự động giải mã Bitcoin, Litecoin hiện chưa được định danh cụ thể nhưng cũng không nằm trong danh mục cấm nhập khẩu.
Hoạt động kinh doanh tiền ảo và nền tảng công nghệ tại Việt Nam trong thời gian qua ẩn chứa nhiều rủi ro, các nhà đầu tư cần tránh bị “cám dỗ” của Bitcoin và những loại tiền ảo khác để không bị rơi vào tình cảnh khốn quẫn.
Ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ
NHNN cho biết, Bitcoin là đồng tiền chưa được pháp luật Việt Nam công nhận, bởi vì nếu chấp nhận Bitcoin là tiền tệ, là phương tiện thanh toán hợp pháp, chủ quyền quốc gia về phát hành tiền tệ sẽ bị xâm phạm, ảnh hưởng đến hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ.
Ngoài ra, tiền ảo được chấp nhận sẽ tạo điều kiện để trốn thuế, chuyển tiền bất hợp pháp, thanh toán, tài trợ cho các giao dịch bất hợp pháp do các giao dịch thanh toán bằng tiền ảo là ẩn danh, không có dấu vết.
Thực tế, tại nhiều nước trên thế giới cũng chỉ mới theo dõi và đưa ra một vài cảnh báo, chưa đưa ra được cách thức cụ thể để quản lý hoạt động kinh doanh tiền ảo do đây là một loại hình kinh doanh mới xuất hiện và phát triển quá nhanh.
Trong khi đó, cũng có vài nước đánh giá kinh doanh tiền ảo được hình thành trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại với một số ưu điểm vượt trội, nên cũng đang xem xét có thể công nhận đây là loại hình kinh doanh mới.
Tuy nhiên, đại diện NHNN cho biết, hoạt động kinh doanh tiền ảo và nền tảng công nghệ tại Việt Nam trong thời gian qua ẩn chứa nhiều rủi ro, các nhà đầu tư cần tránh bị “cám dỗ” của Bitcoin và những loại tiền ảo khác để không bị rơi vào tình cảnh khốn quẫn.
Một chuyên gia kinh tế cảnh báo, hiện nay Trung Quốc siết chặt quản lý ICO (hoạt động tài chính về huy động vốn đầu tư bằng tiền ảo bị xem là bất hợp pháp và không được chấp nhận tại Trung Quốc) nên giá máy “đào” Bitcoin nhập khẩu có thể giảm sâu.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư cần tỉnh táo không nên đầu tư mua máy “đào” Bitcoin để kinh doanh do loại hình kinh doanh này chưa được NHNN công nhận. Hơn nữa, việc kinh doanh tiền ảo cũng không hề dễ dàng, nếu không cẩn thận sẽ thua lỗ.
Mới đây, ngày 21/8/2017, Chính phủ ra Quyết định 1255 phê duyệt Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo.
Trên cơ sở đó, NHNN đã hoàn thiện khuôn khổ pháp lý điều chỉnh tiền ảo với tư cách là tiền tệ, phương tiện thanh toán. Cụ thể, cơ quan này đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 80 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 101 về thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó đã bổ sung quy định về phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam (không bao gồm Bitcoin và các loại tiền ảo) và bổ sung quy định cấm phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp (như Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự).
Huyền Anh