Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV năm 2023, nợ cho vay của KienlongBank đạt 51.783 tỷ đồng, trong đó nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng mạnh từ mức 75.282 triệu đồng (cuối năm 2022) lên mức 229.607 triệu đồng (31/12/2023); nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) cũng tăng hơn gấp đôi từ mức 121.967 triệu đồng lên 320.567 triệu đồng. Trong khi đó, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) ở mức 451.397 triệu đồng.
Tại đại hội, cổ đông băn khoăn về câu chuyện nợ xấu, đặc biệt là nợ xấu tiềm ẩn của ngân hàng, Tổng Giám đốc Trần Ngọc Minh cho rằng tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng là 1,42%, thấp hơn trung bình thị trường. Chính sách về cơ cấu nợ, không chuyển nhóm nợ là chính sách được khách hàng và người dân đón nhận trong và hậu COVID. Bản thân khách hàng của KienlongBank cũng được hưởng lợi từ chính sách này. Khách hàng được cơ cấu nợ đều đã thực hiện cơ bản nghĩa vụ, hoàn thành 100%.
Trong năm 2024, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 800 tỷ, tăng 11,32% so với cùng kỳ năm trước. |
“Hiện chỉ còn 5 tỷ đồng nợ trong diện theo dõi và thực hiện thu nợ. Gần như không có áp lực nợ tiềm ẩn từ cơ cấu nợ. Đối với nợ xấu nằm trong con số 1,42%, các khách hàng nợ xấu là khách hàng nhỏ lẻ, do đó khả năng khắc phục, thu hồi nợ gần như chắc chắn”, ông Minh nói.
Về kế hoạch quản lý rủi ro của ngân hàng trong năm 2024, Trưởng Ban kiểm soát Đỗ Thị Tuyết Trinh cho hay, KienlongBank sẽ kiểm soát rủi ro trên quan điểm thận trọng phát triển tín dụng có trọng tâm và kiểm soát chặt chẽ. Theo đó, tăng trưởng tín dụng dựa trên đảm bảo thanh khoản, huy động từ thị trường. Tín dụng ưu tiên sản xuất, tạo động lực cho nền kinh tế. Ưu tiên cấp tín dụng xanh, cho vay nông lâm thủy sản, mua nhà, tiêu dùng …
Ngân hàng cũng sẽ đẩy mạnh triển khai ngân hàng số, tăng cường giám sát tuân thủ quy định của pháp luật, tiến tới áp dụng triển khai theo chuẩn mực Basel III trong năm 2024 nhằm nâng cao năng lực.
Chia sẻ mục tiêu tăng trưởng quy mô vốn điều lệ năm 2024 – 2025, Tổng Giám đốc Trần Ngọc Minh, cho biết đến năm 2025, cơ bản các ngân hàng đều phải nâng vốn điều lệ. Dự kiến, trong năm 2024, ngân hàng có thể đáp ứng mục tiêu tăng trưởng vốn điều lệ.
"Vốn điều lệ sẽ có lộ trình để chuyển tiếp, nâng cấp để đáp ứng yêu cầu, hướng đến mục tiêu tăng trưởng bền vững. KienlongBank cũng đang có một số nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước đang trong đàm phán. Nội dung chưa thể chia sẻ, khi thích hợp sẽ thực hiện công bố thông tin", lãnh đạo ngân hàng cho hay.
Trong năm 2024, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 800 tỷ, tăng 11,32% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, tín dụng mục tiêu tăng hơn 14%, tổng huy động tăng 3,22%, tổng tài sản tăng 3,5% lần lượt đạt 60.000 tỷ, 81.000 tỷ và 90.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, cổ đông cũng đánh giá lợi nhuận của KienlongBank khá khiêm tốn nhưng trong những năm gần đây đã có tăng trưởng đột phá, ngân hàng có chiến lược gì để đạt mục tiêu lợi nhuận có thể lên tới 1.000 tỷ đồng?
Bà Trần Thị Thu Hằng, Chủ tịch HĐQT KienlongBank trả lời rằng con số 1.000 tỷ đồng lợi nhuận không phải là kết quả của chỉ trong 3 năm gần đây mà là sản phẩm của một quá trình phát triển dài hạn, của nhiều thế hệ trước đã tạo ra nền tảng vững chắc cho thành tựu này.
Bà Hằng nhấn mạnh: “Chặng đường phía trước còn dài. KienlongBank sẽ nỗ lực để đạt được kết quả tốt hơn nữa trong tương lai theo tôn chỉ thượng tôn pháp luật, hoạt động an toàn bền vững và kết quả kinh doanh là tiêu chí đánh giá hiệu suất của ngân hàng.”
Đáng chú ý, KienlongBank dự kiến sẽ không chia cổ tức trong năm 2024. Đồng thời, Ngân hàng cũng chưa công bố thêm thông tin về kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 10% đã trình Đại hội đồng cổ đông năm ngoái.
Thanh Hoa