Theo PGS-TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính (Trường đại học Kinh tế TP.HCM), chỉ khi 3 động lực là tiêu dùng nội địa, xuất khẩu và đầu tư công tăng mạnh thì tình trạng ngân hàng thừa tiền mới có thể được giải quyết.
Ngân hàng đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng
Tháng đầu năm 2024 cũng là thời điểm bước vào mùa sản xuất tiêu dùng sôi động nhất chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Đây cũng là khoảng thời gian được cho là cần tăng tốc để đưa vốn tín dụng đến các địa chỉ cần hấp thụ hiệu quả nhất.
Có thể thấy, hầu hết các ngân hàng đã chủ động cân đối nguồn vốn, đẩy mạnh đa dạng chương trình, sản phẩm tín dụng phù hợp với nhu cầu của từng nhóm đối tượng, phân khúc khách hàng, đặc biệt là nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp phục vụ đời sống, tiêu dùng của người dân.
Điển hình như SHB, BIDV, Vietcombank, ACB, TPBank, Sacombank… tung ra các gói tín dụng hàng trăm nghìn tỷ đồng ưu đãi dành cho khách hàng cá nhân. Trong khi đó, các công ty tài chính tiêu dùng cũng ra sức tận dụng cơ hội để phục hồi cho vay.
Cận Tết là thời điểm nhiều ngân hàng thúc đẩy tín dụng ưu đãi dành cho lĩnh vực tiêu dùng, phục vụ đời sống. |
Ông Nguyễn Việt Cường, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết, năm 2024, Vietcombank định hướng thúc đẩy tăng trưởng tín dụng của mảng bán lẻ, trong đó sẽ dẫn đầu về cho vay tiêu dùng mua nhà ở; cùng với đó là mở rộng tín dụng xanh, xuất nhập khẩu và các lĩnh vực khác.
Về sức cầu vốn, nhất là đối với phân khúc bán lẻ trong năm nay, ông Nguyễn Văn Hương, Phó tổng giám đốc phụ trách Khối Bán lẻ của OCB nhận định, năm 2024 sẽ có nhiều điểm sáng kích cầu tín dụng, từ đó tạo lực đẩy tăng trưởng tín dụng nói chung. Đặc biệt, lãi suất cho vay đang rất thấp là một trong những nhân tố kéo cầu tín dụng trong thời gian tới.
“Dư nợ cho vay bán lẻ của OCB năm 2023 tăng trưởng gần 6% so với năm 2022, phân bổ ở các danh mục cho vay mua bất động sản, sản xuất - kinh doanh và tiêu dùng. Trong năm 2024, khi lãi suất cho vay liên tục được điều chỉnh giảm, thị trường bất động sản dần hồi phục, nhu cầu mua nhà ở, đầu tư tài sản sẽ tăng trở lại. Khi đó, cho vay bất động sản sẽ trở lại mạnh mẽ, đặc biệt tập trung vào phân khúc cho vay bất động sản bình dân phục vụ nhu cầu ở thực của khách hàng”, ông Hương nói.
Hầu hết các ngân hàng đã chủ động cân đối nguồn vốn, đẩy mạnh đa dạng chương trình, sản phẩm tín dụng phù hợp với nhu cầu của từng nhóm đối tượng, phân khúc khách hàng, đặc biệt là nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp phục vụ đời sống, tiêu dùng của người dân.
Cuối năm ngoái, khi các nhà băng đồng loạt tung gói tín dụng lãi suất ưu đãi, cùng với việc giải ngân vốn thuận lợi, tín dụng đã tăng trưởng rất mạnh. Chỉ tính riêng tháng 12/2023, đã có khoảng 250.000 tỷ đồng tín dụng được giải ngân ra nền kinh tế - một con số giải ngân kỷ lục trong thời gian ngắn cho thấy nhu cầu hấp thụ vốn để phục hồi của các thành phần trong nền kinh tế đã tăng mạnh. Đồng thời cũng cho thấy hiệu quả của các chủ trương, chính sách tiền tệ và nỗ lực chủ động thúc đẩy tín dụng của các ngân hàng thương mại, với giá vốn rẻ hơn, đã phát huy cao độ.
Nhiều yếu tố kỳ vọng
Theo đó, các chuyên gia và ngân hàng kỳ vọng chính sách này tiếp tục được duy trì trong năm 2024 sẽ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Kết quả điều tra xu hướng tín dụng năm 2024 do Ngân hàng Nhà nước công bố cho thấy, các tổ chức tín dụng dự báo nhu cầu tín dụng tổng thể của khách hàng tiếp tục cải thiện chậm trong 6 tháng đầu năm 2024 ở hầu hết các lĩnh vực, nhưng kỳ vọng cả năm 2024 sẽ cải thiện tốt hơn.
Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng, 70,3-73,3% tổ chức tín dụng dự kiến tiếp tục giữ nguyên hoặc nới lỏng nhẹ tiêu chuẩn tín dụng tổng thể của đơn vị mình.
Trong đó, các tổ chức tín dụng dự kiến nới lỏng nhẹ tiêu chuẩn tín dụng đối với tất cả các lĩnh vực ưu tiên và “Công nghiệp chế biến chế tạo”, “Cho vay đầu tư ngành dịch vụ logistics”, “Cho vay mua nhà để ở”.
Các ngân hàng nới lỏng tiêu chuẩn tín dụng của đơn vị nhờ kỳ vọng các nhân tố “Triển vọng kinh tế vĩ mô khả quan” cùng với “Chính sách định hướng, quản lý phát triển các ngành kinh tế của Chính phủ” và “Chính sách định hướng, quản lý tín dụng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước”.
Ông Lương Văn Tuấn, Giám đốc Sacombank Chi nhánh Thủ đô cho biết: "Thực tế, khách hàng chỉ cần mang theo giấy tờ tùy thân cơ bản, tùy vào mục đích vay, nhân viên sẽ tư vấn cụ thể. Người dân có thể vay 100% nhu cầu vốn, bao gồm cả mục đích tiêu dùng cũng như sản xuất kinh doanh để phục vụ cho nhu cầu cá nhân cũng như nhu cầu kinh doanh của mình".
Các chuyên gia kỳ vọng, năm 2024, cầu nội địa sẽ phục hồi dần, kéo theo vay tiêu dùng tăng trưởng trở lại. Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng, cho vay tiêu dùng của nhóm ngân hàng, đặc biệt là sản phẩm cho vay mua nhà - sửa nhà, sẽ hồi phục tốt nhờ thị trường bất động sản đang đi lên từ đáy.
Tuy vậy, để kích cầu tín dụng tiêu dùng tăng trưởng mạnh mẽ hơn, các chuyên gia cho rằng Chính phủ cần có những chính sách mạnh tay hơn với bất động sản, đặc biệt cần có giải pháp cụ thể hơn trong khuyến khích phân khúc nhà ở hợp túi tiền người dân.
Huyền Anh