Hầu hết người dân mua vàng thời điểm sau Tết Nguyên đán thường có tâm lý “rước lộc về nhà” và để “phòng thân”, nên mỗi người mua từ 1 đến 5 chỉ để cất giữ.
Điều này càng khiến mục tiêu huy động khoảng 500 tấn vàng trong dân để đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển kinh tế, xã hội của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) càng xa vời.
Tấp nập mua vàng đầu năm
Cũng như mọi năm, ngày Vía Thần tài năm nay, chị Thùy Linh (Hoàn Kiếm, Hà Nội) lại đến “phố vàng” Trần Nhân Tông mua 1 lượng vàng để mong việc làm ăn phát đạt và cũng là cách tích lũy cho mình khi về già. “Gia đình tôi kinh doanh buôn bán tại nhà. Hàng năm cứ đến ngày Vía Thần tài, tôi lại mua 1 lượng vàng để cầu may và cũng là cách để tích lũy một khoản để khi về già không phải nương dựa kinh tế vào con cái”, chị Linh cho hay.
Với nhiều người dân hiện nay, việc giữ vàng vẫn là kênh đầu tư yên tâm hơn cả. Chị Mai Phương (Đống Đa, Hà Nội) cho rằng mấy năm gần đây, giá vàng luôn ổn định và NHNN khẳng định sẽ điều hành thị trường vàng một cách ổn định, sẽ không còn những cú “sốc” về giá vàng so với những năm trước.
Do vậy, với những công chức không có nhiều tiền để có thể đầu tư vào chứng khoán cũng như bất động sản thì chọn phương án mua vàng để tích trữ về lâu dài là hợp lý.
“Thực tế mấy năm nay, giá vàng ít biến động. Hơn nữa, việc Nhà nước chỉ giữ hộ vàng chứ không trả lãi suất nhiều năm nay cũng khiến chúng tôi mang về két sắt để trữ vàng. Biết là làm thế thì tài sản chỉ “nằm im” không sinh sôi, nhưng mỗi năm tích lũy một ít, trong khoảng 15 năm nữa sẽ có một khoản kha khá để chăm lo thêm cho cuộc sống”, chị Phương nói.
Theo các chuyên gia, để sớm huy động vốn vàng nhàn rỗi trong dân, NHNN cần có thông tin cụ thể hơn cho người dân, DN về phương án huy động.
Theo con số thống kê của các DN kinh doanh vàng bạc như: Doji, Phú Quý, Bảo Tín Minh Châu…, thời điểm từ mùng 8 Tết Nguyên đán đến hết mùng 10, nhu cầu mua vàng của người dân tăng cao, trung bình mỗi ngày doanh số tăng 20 – 30% so với cùng kỳ năm trước.
Dự kiến, sau ngày Vía Thần tài, nhu cầu này vẫn còn và kéo dài đến hết tháng Giêng, tuy nhiên doanh số tăng trung bình có thể giảm xuống còn 10 – 20% so với những ngày khác.
Như vậy, có thể thấy nhu cầu vàng trong dân vẫn còn rất lớn và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, chắc chắn số lượng vàng còn ở trong dân lớn hơn nhiều so với con số khoảng 500 tấn mà cơ quan chức năng thống kê.
Chưa tìm được lời giải
Câu chuyện huy động vàng trong dân được nhắc đi nhắc lại nhiều năm nay và ngày càng nóng trong rất nhiều cuộc họp, hội thảo. Thậm chí tại một số kỳ họp Quốc hội, vấn đề này cũng được đưa ra chất vấn người đứng đầu NHNN, song đến nay vẫn chưa có lời giải.
Thực tế, thời gian qua có nhiều giải pháp được đưa ra bàn luận, tranh cãi nảy lửa, nhưng vẫn chưa đi đến thống nhất và chưa có một giải pháp nào được phê duyệt.
Tuy nhiên, đứng dưới góc độ của người dân, Ts. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển, Bộ KH&ĐT, cho rằng: “Nếu không làm rõ được hiệu quả kinh doanh vốn của người dân thì khó huy động được vàng của dân để làm động lực phát triển kinh tế”.
Bà Hoàng Thị Thanh (Linh Đàm, Hà Nội) cho biết bên cạnh việc gửi tiết kiệm bằng VND, gia đình bà lâu nay vẫn giữ thói quen tích cóp một ít vốn vàng vào đầu năm mới. Từ cuối năm 2012 đến nay, khi các ngân hàng không còn huy động vốn vàng mà chỉ giữ hộ có thu phí, gia đình bà đã cất vàng ở nhà.
Nhiều người dân cũng đã nắm bắt được thông tin về những đề xuất huy động vàng trong dân để đầu tư sản xuất phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, khi được hỏi, đa số đều thắc mắc: nếu gửi vàng cho Nhà nước thì có được tính lãi giống như gửi tiết kiệm bằng VND hay không, cách thức huy động như thế nào, đơn vị nào sẽ huy động?
Bà Thanh khẳng định: “Nếu vừa đảm bảo an toàn, vừa có lãi, khi cần vẫn có thể rút vốn được thì có thể chúng tôi sẽ gửi”.
Theo các chuyên gia, để sớm huy động vốn vàng nhàn rỗi trong dân, NHNN cần có thông tin cụ thể hơn cho người dân, DN về phương án huy động. Trong đó, cần phải tính toán yếu tố trả lãi suất huy động cho người gửi và phương án tất toán khi người dân có nhu cầu.
Ngoài ra, sau khi huy động xong, vàng đó kinh doanh thế nào, quản trị rủi ro ra sao. Nếu có lãi sẽ đưa vào đâu và lỗ sẽ lấy gì bù. Có như vậy mới tạo được niềm tin để người dân sẵn sàng “mở kho vàng”.
Huyền Anh