Theo Quyết định số 2345/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, từ ngày 1/7/2024, tất cả các giao dịch trên 10 triệu đồng/lần hoặc trên 20 triệu đồng/ngày được yêu cầu phải thực hiện xác thực bằng sinh trắc học nhằm mục đích tăng cường an ninh và bảo vệ người tiêu dùng trước các rủi ro gian lận.
Sau khoảng 1 tháng kể từ ngày quy định được chính thức áp dụng, theo báo cáo “Người dùng thích ứng ra sao đối với xác thực sinh trắc học trong giao dịch chuyển tiền trực tuyến?” do trình duyệt Cốc Cốc vừa công bố, tỷ lệ người dùng được tiếp cận các thông tin về xác thực sinh trắc học vẫn duy trì hơn 90%.
Có 76% người dùng được khảo sát đã thực hiện cài đặt xác thực sinh trắc học, bao gồm cả thực hiện thành công và chưa thành công. Trong đó cứ 2 người thì có 1 người đã cài đặt thành công sinh trắc học trên tất cả các ứng dụng ngân hàng đang sử dụng.
Đặc biệt, tỷ lệ người dùng đã thực hiện thành công tất cả ngân hàng đang sử dụng đã tăng 8% so với thời điểm trước đó (khoảng một tuần kể từ ngày 1/7). Tỷ lệ này hiện đang cao nhất ở nhóm 35 - 44 tuổi với 56%.
Theo đó, Hà Nội và TP.HCM vẫn là 2 khu vực có tỷ lệ cài đặt thành công tất cả các ngân hàng đang sử dụng cao nhất. Khu vực miền Trung cũng nhanh chóng bắt kịp với tỷ lệ xác thực thành công tăng cao nhất so với cả nước, với mức tăng 11% so với thời điểm sau gần 1 tuần áp dụng quy định.
Kết quả khảo sát cho thấy trải nghiệm xác thực ngày càng dễ dàng hơn với phần lớn người dùng. Cụ thể có tới 45% người dùng đánh giá quá trình thu thập là dễ dàng/rất dễ dàng, tăng thêm 7% so với khảo sát trước đó. Đồng thời, tỷ lệ người dùng cảm thấy khó khăn giảm từ 31% còn 22%.
Người dùng dưới 45 tuổi cho thấy họ đang có tốc độ thích ứng nhanh hơn với quy định mới, khi có 48% cảm thấy việc thực hiện cập nhật sinh trắc học dễ dàng/rất dễ dàng, trong khi tỷ lệ này ở người dùng 45+ là 38%.
Tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số khó khăn trong quá trình thực hiện. Đối với khảo sát diện rộng ở thời điểm hiện tại, “Khó nhận diện khuôn mặt”, “Thiết bị không tương thích” là những vấn đề gây ảnh hưởng đến trải nghiệm xác thực của người dùng với tỷ lệ gia tăng.
“Không đọc được NFC”, “Khó chụp CCCD/đọc mã QR”, “Bắt buộc cập nhật thông tin CCCD ở ngân hàng” là những vấn đề có vẻ đã dần được khắc phục khi có tỷ lệ giảm hơn so với thời điểm trước đó.
Quan điểm của người dùng cũng đã thay đổi trong quá trình sử dụng. Kết quả có 72% người dùng đồng ý xác thực sinh trắc học giúp họ an toàn hơn khi giao dịch trực tuyến, tăng 4% so với thời điểm khảo sát trước đó.
Tuy nhiên vẫn có 41% người dùng cho biết họ lo ngại về vấn đề bảo mật thông tin cá nhân khi thực hiện sinh trắc học, tăng 5% so với thời điểm khảo sát trước đó.
Khi được hỏi về những lo ngại gặp phải rủi ro trong quá trình thực hiện sinh trắc học, người dùng tương đối lo lắng về những rủi ro có thể xảy đến khi cung cấp thông tin cá nhân cho ngân hàng, với tỷ lệ xấp xỉ 30-50% đối với mỗi vấn ngại. Trong đó, vấn đề liên quan đến chiếm đoạt/mất tiền trong tài khoản được đặt lên hàng đầu với 49%.
Người dùng trẻ tuổi và phụ nữ đặc biệt lo lắng về những bẫy lừa đảo có thể xảy đến trong quá trình thực hiện giao dịch trực tuyến.
Cụ thể, trong khi chỉ có 22% người trên 45 tuổi lo ngại thì có đến 40% người dùng trẻ lo ngại về vấn đề này. Tỷ lệ này ở nữ giới cao hơn 10% so với nam giới.
Theo cảm nhận chung của người dùng, an toàn và tiện lợi là những ưu điểm lớn nhất của xác thực sinh trắc học khi giao dịch trực tuyến. Nhưng vẫn có 17% người dùng không tìm thấy ưu điểm nào ở biện pháp bảo mật này.
Phần lớn người dùng đánh giá những hạn chế của biện pháp này chủ yếu đến từ trải nghiệm như: khó thực hiện khi ánh sáng yếu, ngón tay ướt hay tốn thời gian và thao tác khó khăn.
Đáng chú ý, theo thống kê từ khảo sát, có 51% người dùng xác thực thành công tất cả những lần giao dịch thực hiện từ 10 triệu/lần hoặc 20 triệu/ngày trở lên.
Bên cạnh đó, cứ 3 người dùng có 1 người gặp một, hai lần xác thực thất bại.
Qua khảo sát cho thấy, người dùng dần quen với biện pháp bảo mật mới. Tuy vậy, trong bối cảnh các vụ lừa đảo trực tuyến diễn ra ngày một tinh vi, người dùng vẫn còn lo lắng trước những rủi ro có thể gặp phải.
Thanh Hoa