Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ cuối tuần qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tính toán khả năng nâng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm lên 21 – 22%. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại với mức lãi suất cho vay đang áp dụng hiện nay, liệu có thể đẩy tăng trưởng tín dụng lên 20% được hay không?
Nền kinh tế có hấp thụ nổi?
Chia sẻ với báo chí, chuyên gia kinh tế – Ts. Lê Xuân Nghĩa cho rằng lạm phát ba năm liên tục ở mức thấp dưới 2%, lạm phát CPI hằng năm trong năm nay chỉ 3%, trong khi lãi suất điều chỉnh của NHNN vẫn ở tái cấp vốn 5%, lãi suất trái phiếu Chính phủ do Bộ Tài chính phát hành khoảng 5%, lãi suất trần ngắn hạn tiền gửi khoảng 5%.
Tất cả những điều này cho thấy đây là thời điểm thuận lợi để NHNN xem xét nới lỏng hơn về tín dụng, tăng cung tiền tệ, trên cơ sở đó giảm lãi suất cho doanh nghiệp. “Nếu làm được như vậy, tức là lãi suất giảm, tạo điều kiện mở rộng tín dụng đến 20%”, ông Nghĩa nói.
Theo ông Nghĩa, quan trọng là phải xét đến yếu tố nền kinh tế có hấp thụ được tăng trưởng tín dụng 20% hay không. Lãi suất cao sẽ không hấp thụ được nhưng khi hạ lãi suất, tăng trưởng tín dụng sẽ vào được lĩnh vực sản xuất – kinh doanh, công nghiệp, chế biến, dịch vụ… Nếu để lãi suất cao, tiền sẽ vào những lĩnh vực không mong muốn như chứng khoán, bất động sản, các phân khúc có khả năng rủi ro cao như cho vay tiêu dùng.
Đưa tăng trưởng tín dụng lên 20% có thể tạo ra hai khả năng: một là lãi suất thấp sẽ tăng đường tổng cầu, tăng GDP; hai là, nếu lãi suất cao, không tạo được tăng tổng cầu an toàn, dẫn đến lạm phát cao hơn trong những năm tiếp theo.
Đưa tăng trưởng tín dụng lên 20%, ông Nghĩa cho rằng có thể tạo ra hai khả năng: một là lãi suất thấp sẽ tăng đường tổng cầu, tăng GDP; hai là, nếu lãi suất cao, không tạo được tăng tổng cầu an toàn, dẫn đến lạm phát cao hơn trong những năm tiếp theo. Do đó, NHNN nên cân nhắc cẩn trọng.
Nhìn rộng ra thế giới có thể thấy, ngay như ở Mỹ, lúc đầu đưa ra tốc độ tăng lãi suất nhanh, dự kiến 1 quý/lần, nhưng thực tế không được như vậy. Xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ toàn cầu vẫn là xu thế chính mà không phải là việc thắt chặt.
Vốn vẫn chảy nhiều vào bất động sản
So với một số nước trong khu vực ASEAN, mặt bằng lãi suất ở Việt Nam hiện nay đang ở ngưỡng cao, làm tăng gánh nặng chi phí tài chính của doanh nghiệp.
Ông Nghĩa cho biết, trong bối cảnh các doanh nghiệp Việt Nam làm việc hầu hết bằng vốn đi vay, tỷ lệ đòn bẩy tài chính cao, trong tổng vốn 100 tỷ đồng, doanh nghiệp chỉ có 10 tỷ đồng, còn lại vay 90 tỷ đồng. Vì vậy, nếu doanh nghiệp cần vay 160 tỷ đồng/năm, lãi vay sẽ là 6 tỷ đồng/năm. Con số này vượt qua cả chi phí chiết khấu, điều này sẽ tạo ra áp lực lãi vay cho doanh nghiệp.
Ví dụ, trong công nghiệp chế biến, chế tạo, ngành bao bì, vốn lưu động lớn nên nếu doanh thu 100 tỷ đồng, tiền nguyên liệu trong đó đã chiếm 75 – 80%, và tất cả chi phí này phải đi vay ngân hàng.
Chi phí trả lãi vay ngân hàng trong giá thành sản phẩm rất lớn, ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của doanh nghiệp. “Có những doanh nghiệp doanh thu tăng lên gấp đôi nhưng lợi nhuận giảm vì phải trả lãi vay ngân hàng”, ông Nghĩa nói.
Do vậy, ông Nghĩa khẳng định rằng tỷ lệ tăng trưởng tín dụng 20% không phải là nguy cơ gì lớn trong thị trường tài chính Việt Nam và thế giới nhưng phải đặt trong điều kiện lãi suất giảm mới tăng được sức hấp thụ vốn, nâng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Về việc dư luận lo ngại nếu không giảm lãi suất cho vay, nguồn vốn sẽ đẩy mạnh vào lĩnh vực bất động sản, ông Nghĩa cho biết, hiện nay nguồn vốn chảy vào lĩnh vực bất động sản ngày càng tinh vi, một số ngân hàng không cho các doanh nghiệp bất động sản vay trực tiếp, thay vào đó là cho các doanh nghiệp vật liệu xây dựng vay. Sau đó, buộc doanh nghiệp bất động sản mua vật liệu xây dựng cho một doanh nghiệp vật liệu xây dựng được chỉ định.
Như vậy, có thể thấy tín dụng bất động sản đang được chia nhỏ dưới hình thức vừa cho vay mua nhà, vừa tài trợ vật liệu xây dựng. Nhưng dù có theo bất cứ hình thức nào, việc nguồn vốn đang chảy mạnh vào lĩnh vực này sẽ tạo bất ổn cho nền kinh tế.
Theo ông Nghĩa, cách khắc phục là NHNN phải tăng cường thanh tra giám sát, bóc tách rõ ràng, tức là thanh tra nội bộ của ngân hàng thương mại và thanh tra NHNN làm trên sổ sách của ngân hàng thương mại.
Huyền Anh