Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, sẽ không tạo ra sự bùng nổ nào đó trên thị trường. Việc nới room tín dụng chỉ là điều kiện cần chứ chưa phải điều kiện đủ để các doanh nghiệp tiếp cận vốn vay.
Cần giải ngân nhanh dòng vốn
Thanh khoản của nền kinh tế là vấn đề được quan tâm thời gian gần đây, trong đó kênh tín dụng ngân hàng là một nút thắt khiến các nhà băng phải hạn chế, dừng nhận hồ sơ cho vay, dừng giải ngân. Vấn đề này đã ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp, tiêu dùng, đầu tư của khách hàng cá nhân bị ảnh hưởng...
Trong số những giải pháp để tháo gỡ nút thắt này, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp đã đề xuất việc nới room tín dụng để tạo dư địa cho các nhà băng mở rộng việc cho vay.
Room được nới thêm sẽ đưa tổng hạn mức tín dụng cho tháng 12 vào khoảng hơn 400 nghìn tỷ đồng. (Ảnh minh hoạ: Int) |
Ngày 5/12, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định nới chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5 - 2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, trong bối cảnh tác động từ bên ngoài dịu bớt và thanh khoản hệ thống cải thiện hơn. Như vậy, thay vì định hướng ở mức 14% đề ra hồi đầu năm, tăng trưởng tín dụng năm nay có thể lên tới 16%.
Theo chuyên gia kinh tế, TS Lê Xuân Nghĩa, việc điều hành tín dụng trên quan điểm cởi mở của NHNN cho thấy sự cầu thị và biết lắng nghe phản hồi từ thị trường. “Tăng room cũng không làm gia tăng lạm phát, không phải "bung" tín dụng là sẽ gây ra lạm phát, quan trọng là tín dụng rót vào lĩnh vực nào. Nếu sử dụng vào các lĩnh vực hiệu quả, tăng tín dụng sẽ không "kích" lạm phát lên”, ông Nghĩa nói.
Ghi nhận một số doanh nghiệp cho thấy, “room” tín dụng cho các ngân hàng đã được mở nhưng doanh nghiệp cần được giải ngân nhanh dòng vốn để tăng tốc cho mùa vụ cuối năm. Đồng thời, nới room tín dụng để giảm bớt gánh nặng lãi vay cho người dân.
Giám đốc một doanh nghiệp bất động sản tại Hà Nội cho biết, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp ngành bất động sản phải tìm mọi cách xoay xở để lo nguồn vốn, thậm chí phải vay vốn lãi suất cao bên ngoài để duy trì hoạt động. Do đó, việc điều chỉnh room tín dụng của NHNN là thông tin được mong chờ nhất lúc này đối với doanh nghiệp. Quan trọng là tín dụng nhanh chóng được giải ngân cho vay.
Theo tính toán của Bộ phận nghiên cứu Chứng khoán SSI, room được nới thêm sẽ đưa tổng hạn mức tín dụng cho tháng 12 vào khoảng hơn 400 nghìn tỷ đồng.
Cùng với việc được nới room, hiện nay đã có thêm 6 ngân hàng công bố giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Đây là tín hiệu tích cực với người vay vốn, bởi giảm lãi vay sẽ ngay lập tức giúp giảm bớt gánh nặng chi phí hàng tháng. Động thái này cũng mở ra kỳ vọng sẽ có thêm nhiều ngân hàng hơn cùng vào cuộc giảm lãi suất cho vay, để tăng sức cạnh tranh.
Mặc dù tỷ lệ phân bổ về từng ngân hàng chưa được công bố, tuy nhiên, NHNN đã nêu nguyên tắc điều chỉnh tăng chỉ tiêu tín dụng cho các tổ chức tín dụng theo hướng các tổ chức tín dụng có thanh khoản tốt hơn, lãi suất thấp hơn sẽ được tăng trưởng tín dụng cao hơn. Điều này đồng nghĩa với việc nhóm các ngân hàng thương mại mới thực hiện việc cắt giảm lãi suất cho vay sẽ có lợi thế hơn.
Nới room để xử lý vấn đề thanh khoản trong ngắn hạn
Thực tế, giám đốc một ngân hàng thương mại vừa điều chỉnh giảm lãi suất cho vay chia sẻ: “Ngay khi hạn mức tín dụng được cấp thêm, chúng tôi sẽ triển khai cung ứng vốn đến nhóm khách hàng có hồ sơ vay vốn đã được thẩm định từ trước nhưng đang “nằm chờ”. Đó là các hợp đồng xuất nhập khẩu, người có nhu cầu mua nhà ở thực, nhà ở xã hội và các khoản nợ đến hạn…”.
Dù vậy, các chuyên gia và lãnh đạo ngân hàng cũng khẳng định, nới thêm room không đồng nghĩa với việc tín dụng sẽ chảy ồ ạt vào nền kinh tế. Ông Đỗ Bảo Ngọc Phó Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) cho rằng: “Nới room tín dụng chỉ giúp giải quyết nhu cầu vốn cho lĩnh vực ưu tiên liên quan đến nông nghiệp, thương mại, sản xuất dịch vụ, hàng hóa, không phải hướng tới các lĩnh vực không ưu tiên như chứng khoán, bất động sản”.
Ngoài ra, cũng có ý kiến đánh giá, áp lực cho việc cân đối vốn từ phía các ngân hàng thương mại là rất lớn, trong bối cảnh thanh khoản trên hệ thống về trung hạn vẫn chưa được cải thiện nhiều do chênh lệch huy động vốn – tín dụng ở mức âm. Vì vậy, nới room tín dụng sẽ giống như mồi lửa làm bùng lên cuộc đua tăng lãi suất huy động, từ đó làm tăng lãi suất cho vay.
Ông Ngọc cho rằng, câu chuyện nới room chỉ để xử lý vấn đề thanh khoản trong ngắn hạn. Ví dụ như khách hàng hiện tại nằm trong mục tiêu cấp tín dụng của ngân hàng nhưng vì hạn chế về room nên thời gian qua, ngân hàng không thực hiện cho vay được. “Việc nới 1,5% - 2% room tín dụng cuối năm này chỉ giải quyết thanh khoản cho một số đối tượng doanh nghiệp nên khó tạo sức bật đáng kể nào trong giai đoạn cuối năm nay”, ông Ngọc nói.
Thực tế, cùng với việc nới room tín dụng, NHNN cũng được chỉ đạo là đảm bảo thanh khoản trong mọi điều kiện, kể cả kéo dài các khoản tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại hơn, thậm chí qua Tết âm lịch. Như vậy, thị trường sẽ không còn quá lo lắng về vấn đề thanh khoản của hệ thống, của nền kinh tế từ nay tới cuối năm.
Đối với việc các ngân hàng đua lãi suất, Phó Tổng Giám đốc CSI cho rằng đã diễn ra rất rõ nét từ trước, không phải đến bây giờ, các ngân hàng mới đua lãi suất. Kể cả không tăng trưởng tín dụng, hầu hết các ngân hàng vẫn đẩy lãi suất lên cao để hút tiền vào, đảm bảo thanh khoản cuối năm khi nhu cầu rút tiền mặt của người dân, doanh nghiệp tăng lên.
Huyền Anh