TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV đánh giá, thời gian qua, Quốc hội và Chính phủ đã bàn rất kỹ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong 2 năm tới, theo đó sẽ có các gói hỗ trợ kinh tế như: gói 800.000 nghìn tỷ đồng, nhưng thực chi khoảng 450.000 nghìn tỷ đồng. Hay như gói cấp bù lãi suất 4% có quy mô 40.000 tỷ đồng. Các gói hỗ trợ này không phải là quá lớn, nhưng quan trọng hơn, đó là lựa chọn được đối tượng để “bơm tiền” và cơ chế để triển khai.
Cần lực đẩy cho “cỗ xe” kinh tế trong năm 2022
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh hiện nay, các “tế bào”của nền kinh tế đang rất yếu cần lực đẩy lớn để “cỗ xe” kinh tế năm 2022 bắt nhịp với xu hướng phát triển của thế giới.
![]() |
Các doanh nghiệp mong chờ gói cấp bù lãi suất có quy mô 40.000 tỷ đồng sớm dược phê duyệt. (Ảnh minh hoạ: Int) |
Vừa hoạt động trở lại được gần 2 tháng, ông N.H - Giám đốc một doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sắt thép cho biết, cuối tuần qua, doanh nghiệp của ông vừa nhận được đơn hàng và bắt đầu cung cấp sản phẩm cho khách hàng từ đầu tháng 1/2022 nhưng chưa dám "bung" vì thiếu nguồn vốn để mua nguyên liệu.
“Nghe nói sắp có gói cấp bù lãi suất, chúng tôi chờ chính sách sớm được ban hành mới dám vay vốn tuyển thêm lao động, nhập nguyên vật liệu, bởi lãi suất cho vay hiện nay còn khá cao, có khoản lên đến 10,3%/năm”, ông H nói.
Nhận xét về lãi suất cho vay hiện nay, theo PGS. TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, lãi suất ở Việt Nam cao hơn gấp 2 - 4 lần các nước khác, ở mức 9 - 10%/năm, bình quân khoảng 8%/năm. Trong khi các nước khác chỉ 1%, cao lắm khoảng 4 - 5%/năm. “Thời gian qua, các ngân hàng đã nỗ lực để giảm lãi suất bằng nguồn lực của mình như giảm lợi nhuận, tiết giảm chi phí đầu vào. Tuy nhiên, lãi vay dù có giảm nhưng vẫn chưa vực dậy được doanh nghiệp”, ông Thiên nói.
Chuyên gia này nhận định, với nguồn lực hỗ trợ từ Chính phủ, lãi vay sẽ giảm mạnh xuống 4%, tương đương dư nợ khoảng 1 triệu tỷ đồng đưa vào nền kinh tế sẽ hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực hơn.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cách thức triển khai, giám sát để đảm bảo đúng đối tượng là yếu tố then chốt quyết định thành công của gói hỗ trợ này. PGS-TS Phạm Thế Anh - Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô, trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định: “Gói hỗ trợ lãi suất vừa đảm bảo đủ hấp dẫn, nhưng phải hạn chế kẽ hở lợi dụng. Muốn vậy phải tăng cường giám sát để tránh những sai lầm như gói hỗ trợ năm 2009, là thách thức không nhỏ”.
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước, luỹ kế từ ngày 23/1/2020 đến cuối tháng 11/2021, tổng số tiền lãi được các tổ chức tín dụng đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 32.600 tỷ đồng. Các tổ chức tín dụng đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 1,94 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ hơn 3,81 triệu tỷ đồng.
Bày tỏ lo ngại với dư nợ 1 triệu tỷ đồng sẽ đẩy tín dụng ra nhiều mà không đúng mục đích, dòng tiền này sẽ chảy vào lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, làm cho tín dụng nền kinh tế tăng trưởng nóng, do đó, ông Thế Anh cho rằng, khi các công cụ thị trường không thể điều tiết thì các bộ ngành cần có sự phối hợp để đưa ra ngành nghề bị ảnh hưởng cụ thể, từ đó thực hiện chính sách có mục đích rõ ràng và giám sát.
Lo doanh nghiệp không thể tiếp cận khoản vay
Một vấn đề nữa cũng khiến các chuyên gia và lãnh đạo ngân hàng băn khoăn là cơ chế cho vay chưa rõ ràng, cộng với quan điểm của cả Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính là Ngân hàng Nhà nước là sẽ không hạ chuẩn tín dụng sẽ khiến doanh nghiệp không thể tiếp cận khoản vay.
Trao đổi với VnBusiness, đại diện nhiều ngân hàng TMCP cho hay, bản thân ngân hàng luôn xác định đồng hành với doanh nghiệp, vì "doanh nghiệp khỏe thì ngân hàng mới khỏe". Tuy nhiên, nếu như chính sách không rõ ràng, ngân hàng không dám cho vay, bởi sợ trách nhiệm sau này.
Ông Phan Đình Tuệ - Phó Tổng giám đốc Sacombank nêu quan điểm, trong bối cảnh bị tác động bởi dịch COVID-19, các nhà băng đã thực hiện phương án hỗ trợ doanh nghiệp bị thiệt hại theo đúng tinh thần Thông tư 01/2020 của Ngân hàng Nhà nước. “Tuy vậy, cho dù doanh nghiệp có bị ảnh hưởng hay không bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 thì ngân hàng khi phê duyệt khoản vay vẫn phải đáp ứng đúng quy định của pháp luật. Nếu việc nới lỏng các quy định cho vay mà biết trước sẽ gây ra rủi ro tiềm ẩn thì tôi xin khẳng định là không ngân hàng nào dám cho vay”, lãnh đạo Sacombank nói thẳng.
Ủng hộ gói hỗ trợ trên, ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cho biết chính sách hợp lý sẽ tạo ra tiền, khơi thông dòng vốn, còn chính sách không hợp lý thì tiền có nhiều đến mấy cũng không đi vào cuộc sống. Vì vậy, đối tượng chính sách này nên hướng đến tất cả doanh nghiệp chịu ảnh hưởng COVID-19. Tuy nhiên, cần phải có cơ chế chính sách rõ ràng vì các ngân hàng sẽ không dám cho vay dưới chuẩn nếu không có quy định pháp lý cụ thể.
“Không hạ chuẩn cho vay thì doanh nghiệp làm sao vay được? Còn với ngân hàng, nếu như bây giờ cho vay, vài năm sau nợ xấu xảy ra thì ai chịu trách nhiệm? Xử lý trích lập dự phòng rủi ro sẽ ảnh hưởng như thế nào đến an toàn, đến hệ số tín nhiệm?... Đó là các vấn đề mà ngân hàng tâm tư nhất”, ông Hùng nói.
Huyền Anh