Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), riêng quý I/2022, tín dụng cũng đã tăng 5,04%, mức tăng trưởng cao vượt trội so với tốc độ tăng trưởng cùng kỳ năm ngoái, cụ thể tốc độ tăng trưởng tín dụng chỉ đạt khoảng 1,26%.
Tín dụng ngân hàng quốc doanh tăng cao chưa từng có
Theo báo cáo tài chính trong quý I/2022 các ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ và duy trì được xu hướng tăng trưởng lợi nhuận ổn định (ngoại trừ Vietinbank và OCB).
Cụ thể, tại ngày 31/3/2022, dư nợ cho vay khách hàng của MB tăng 14,3% lên 415.549 tỷ đồng. Tại VPBank, tăng trưởng tín dụng chất lượng tại ngân hàng riêng lẻ đạt 10,3%. Còn Tổng dư nợ tín dụng của khách hàng trên báo cáo riêng lẻ cuối quý I/2022 của Techcombank đạt 418.900 tỷ đồng, tăng 7,9% so với cuối năm 2020.
![]() |
Nhiều ngân hàng đã gần chạm mức tín dụng tạm cấp trong quý I/2022 và đang chờ đợi phê duyệt hạn mức tín dụng mới. |
Tương tự nhiều ngân hàng khác cũng ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận khá cao tính đến cuối tháng 3/2022 như: VIB đạt mức mức 6,1%, dư nợ gần 217.000 tỷ đồng; TPBank tăng 29% so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 178.000 tỷ đồng; SHB có dư nợ cấp tín dụng đạt 388,196 tỷ đồng, tăng 5,3%, MB đạt ...
Theo nhận định của các chuyên gia Trung tâm phân tích và tư vấn đầu tư Chứng khoán SSI (SSI Reseach) trong báo cáo cập nhật ngành ngân hàng vừa phát hành cũng cho rằng, trong quý I/2022 các ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ.
Cụ thể, tăng trưởng tín dụng ở mức 7% so với đầu năm, so với mức 3,4% cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, các ngân hàng quốc doanh có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao chưa từng có (tăng 6,4% so với đầu năm), với động lực là các khoản cho vay ngắn hạn. Vietinbank đã gần đạt hạn mức tín dụng được cấp ban đầu vào cuối tháng 3 (tăng 9% so với đầu năm) với việc đẩy mạnh giải ngân cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Trong khi đó, các ngân hàng tư nhân có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao (ngoại trừ HDBank) có số dư trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục mở rộng. Tại thời điểm cuối quý I, số dư trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất là ở các ngân hàng Techcombank, MB, VPBank, TPBank và SHB.
Điểm đáng chú ý nhất trong mùa Đại hội đồng cổ đông năm nay là tờ trình về việc nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng của MB và Vietcombank. Theo đó hai ngân hàng này cũng sẽ có một số các lợi ích nhất định ví dụ như tăng trưởng tín dụng cao hơn.
VPBank và HDBank cũng có tờ trình ủy quyền cho HĐQT xem xét tham gia chương trình tái cơ cấu ngân hàng thương mại theo chủ trương của NHNN. Tuy nhiên, thông tin chi tiết vẫn chưa được công bố.
“Do hầu hết các ngân hàng đã gần chạm hạn mức tín dụng được NHNN cấp ban đầu vào cuối quý I/2022, Vietcombank và MB có thể sẽ có một số lợi thế về tăng trưởng tín dụng so với các ngân hàng khác trong vài tháng tới”, SSI Reseach nhận định.
Ngân hàng cho vay những gì mà cạn room?
Chia sẻ về tăng trưởng tín dụng tăng trong 3 tháng đầu năm, lãnh đạo các ngân hàng cho biết dòng tiền vẫn "chảy" vào sản xuất, kinh doanh, vào lĩnh vực ưu tiên.
Tại ĐHĐCĐ mới đây, lãnh đạo MB cho biết, nguồn vốn trong 3 tháng đầu năm được giải ngân mạnh cho lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy... Tương tự, BIDV cho biết, trong quý đầu năm, dư nợ tín dụng tăng trưởng khá, tuân thủ giới hạn tín dụng Ngân hàng Nhà nước giao, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên.
Còn theo Ngân hàng Nhà nước, tín dụng tăng mạnh nhất vào khu vực doanh nghiệp trong khu công nghiệp - khu chế xuất khi mà đến hết quý I/2022 dư nợ cho vay đối với các doanh nghiệp trong khu vực này tăng 23,4%.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là sẽ hướng tín dụng các vào lĩnh vực ưu tiên, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, phục hồi kinh tế.
“Trong điều hành hoạt động tín dụng, các ngân hàng thương mại sẽ tiếp tục tập trung vốn cho doanh nghiệp, đặc biệt là hỗ trợ cho những doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 và hướng các dòng tiền vào các lĩnh vực ưu tiên tập trung theo chỉ đạo của Chính phủ”, ông Tú cho biết.
Theo số liệu từ các ngân hàng thương mại, nhìn chung doanh nghiệp trong khu công nghiệp - khu chế xuất lâu nay sử dụng vốn hiệu quả hơn các lĩnh vực kinh doanh bên ngoài.
Số liệu thống kê của các cơ quan hữu quan ở TP.HCM cũng cho thấy, khối doanh nghiệp FDI trong khu công nghiệp - khu chế xuất vẫn giữ được ổn định sản xuất trong suốt giai đoạn giãn cách xã hội và những tháng hậu dịch bệnh, khu vực này có tốc độ phục hồi rất nhanh.
Như vậy, đến thời điểm này, nhiều ngân hàng đã gần chạm mức tín dụng tạm cấp trong quý I/2022 và đang chờ đợi phê duyệt hạn mức tín dụng mới.
Chuyên gia BVSC cho rằng, với việc MB tham gia hỗ trợ khách hàng trong đại dịch cũng như việc tiếp nhận bắt buộc TCTD thì nhiều khả năng MB sẽ được cấp hạn mức tín dụng cao với mức room tín dụng ước tính khoảng 30-35%.
Huyền Anh