Theo tài liệu xin ý kiến cổ đông của Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM – HDBank (mã chứng khoán: HDB) chưa công bố chi tiết đó là ngân hàng nào. Tuy nhiên, theo đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” hiện đang có 3 ngân hàng 0 đồng là: Ngân hàng Xây Dựng (CBBank), Ngân Hàng Đaị Dương (OceanBank), Ngân hàng Dầu Khí Toàn Cầu (PGBank) và Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank) ở diện kiểm soát đặc biệt.
Trong báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 ngày 10/5, Chính phủ cho biết thời gian qua đã chủ động, tích cực triển khai nhiều giải pháp để xử lý 3 ngân hàng mua bắt buộc và DongABank. Đáng lưu ý, báo cáo cho biết, đã có phương án xử lý đối với CBBank và OceanBank.
![]() |
Dự kiến, DongA Bank sẽ "về chung nhà" với HDBank. |
Trước đó, tại đại hội đồng cổ đông năm nay, Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đều đã thông qua phương án nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng yếu kém. Trong khi thông tin MB nhận chuyển giao bắt buộc OceanBank đã được hé lộ trước đó, thì gần như chắc chắn khả năng Vietcombank sẽ nhận chuyển giao bắt buộc CBBank.
Chỉ còn 2 ngân hàng là PGBank và DongABank. Vậy, ngân hàng nào sẽ "về tay" HDBank trong thời gian tới?
Trên thực tế, trước đây HDBank đã từng định nhận sáp nhập Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank). Đề án sáp nhập đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận về nguyên tắc, 100% cổ đông thông qua, hai ngân hàng cũng đã hoàn thành hồ sơ và đang thực hiện công tác chuẩn bị. Sau đó, HDBank đã trình tiếp hồ sơ xin chấp thuận chính thức. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, việc sáp nhập này không thành.
Sau đó một cái tên được đồn đoán khác là DongABank. Tại thời điểm này, kế hoạch sáp nhập một ngân hàng thương mại yếu kém rõ ràng hơn bao giờ hết và đã được đưa vào Dự thảo Nghị quyết ĐHĐCĐ của HDBank thì “ứng cử viên sáng giá” nhất là DongABank.
Về tình hình hoạt động của DongABank, kể từ khi bị Ngân hàng Nhà nước đưa vào diện kiểm soát đặc biệt (tháng 8/2015), cổ đông của ngân hàng không được chuyển nhượng cổ phần. Hiện, các lãnh đạo chủ chốt của ngân hàng này từ chủ tịch hội đồng quản trị đến tổng giám đốc hầu hết là nhân sự mới.
Về kết quả kinh doanh năm 2021, DongABank lỗ trước thuế 1.611 tỷ đồng, khiến cho lỗ lũy kế của DongABank cũng vì thế tăng từ hơn 10.000 tỷ cuối năm 2020 lên tới 12.465 tỷ đồng, kéo theo đó vốn chủ âm 6.855 tỷ đồng tính đến hết tháng 12/2021.
Tổng tài sản tại ngày 31/12/2021 của ngân hàng đạt 62.262 tỷ đồng. Về nợ xấu, theo số liệu từng được công bố trước đó, DongABank đã thu hồi 17.036 tỷ đồng nợ xấu tính từ khi bị kiểm soát đặc biệt đến ngày 31/8/2019, số còn lại khoảng 24.000 tỷ đồng.
Như vậy, thách thức mà HDBank phải vượt qua sẽ rất lớn khi DongA Bank vẫn đang gánh lỗ lũy kế và khoản nợ xấu “cao chót vót”. Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng, việc nhận chuyển giao bắt buộc DongABank vẫn giúp cho HDBank có những lợi thế. Trước tiên, có thể thấy đó chính là lợi thế địa lý và mạng lưới mà DongA Bank đã gây dựng được trong 30 năm qua.
Tính đến nay, DongA Bank đã mở rộng cơ cấu tổ chức với 9 Khối, 1 văn phòng thuộc Hội sở chính, 212 chi nhánh, phòng giao dịch trải dài 44 tỉnh thành; và 2 công ty thành viên, đội ngũ cán bộ - nhân viên gần 4.000 người.
Hơn nữa, với tiềm lực mạnh về tài chính như hiện nay và kinh nghiệm mua bán, sáp nhập thành công một công ty tài chính và ngân hàng Đại Á trước đó, đồng thời kèm thèm hàng loạt ưu đãi từ cơ quan quản lý, giới phân tích kỳ vọng HDBank sẽ vực được DongABank.
Huyền Anh