Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành nhiều công văn, chỉ thị, văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tích cực triển khai cho vay.
Kết quả, hiện nay có 28 địa phương công bố danh mục 68 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với nhu cầu vay vốn hơn 30.000 tỷ đồng.
Lãi suất của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng đã giảm 0,7% so với thời điểm triển khai Chương trình nhưng mới chỉ giải ngân được hơn 500 tỷ đồng. |
Về lãi suất, theo quy định tại Nghị quyết 33/NQ-CP, mức lãi suất áp dụng đối với Chương trình 120.000 tỷ đồng thấp hơn từ 1,5% - 2% so với mức lãi suất cho vay trung và dài hạn của các ngân hàng thương mại nhà nước trên thị trường trong từng thời kỳ.
Trên cơ sở đó, NHNN đã công bố lãi suất cho vay kể từ khi triển khai Chương trình cho đến hết ngày 30/6/2023 là 8,5%/năm đối với chủ đầu tư và 8,2% đối người mua nhà. Kể từ ngày 1/7 đến hết 31/12/2023, lãi suất cho vay theo Chương trình đã giảm 0,5% so với thời kỳ trước (8,2%/năm đối với chủ đầu tư và 7,7% đối với người mua nhà). Đến ngày 25/12/2023, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục công bố mức lãi suất cho vay theo Chương trình áp dụng từ 1/1/2024 đến 30/6/2024 là 8%/năm đối với chủ đầu tư và 7,5% đối với người mua nhà.
Như vậy, so với thời điểm triển khai gói tín dụng này, lãi suất đã giảm tổng cộng 0,7%.
Dù vậy, tỷ lệ giải ngân của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng vẫn còn thấp. Cụ thể, đến nay, các ngân hàng thương mại đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền cam kết là khoảng 7.000 tỷ đồng, trong đó đã có 7 dự án có nhu cầu giải ngân, số tiền cam kết cấp tín dụng hơn 1.800 tỷ đồng. Tổng số tiền giải ngân đến nay đạt hơn 500 tỷ đồng.
Ngoài ra, các ngân hàng thương mại cũng đã giải ngân cho người mua nhà tại 2 dự án với số tiền giải ngân là 542 triệu đồng.
Theo lãnh đạo NHNN, nguyên nhân khiến gói tín dụng có kết quả giải ngân thấp là do phần lớn các dự án được công bố mới đang ở giai đoạn hoàn thiện thủ tục, bắt đầu triển khai, nhiều dự án đang thi công phần móng hoặc đang trong giai đoạn lựa chọn nhà thầu, chưa khởi công, đang giải phóng mặt bằng... vì vậy chưa đủ điều kiện mở bán sản phẩm, nên số lượng khách hàng vay vốn mua nhà chưa nhiều.
Không chỉ vậy, người dân bị ảnh hưởng do tình hình kinh tế, sản xuất kinh doanh khó khăn, do đó hiện nay ưu tiên cho việc duy trì nhu cầu cuộc sống, chưa xem xét việc mua nhà trong thời điểm này.
Bên cạnh đó, nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế, do UBND một số tỉnh, thành phố còn chưa công bố danh mục dự án đủ điều kiện vay vốn Chương trình; một số dự án thuộc danh mục được công bố nhưng chủ đầu tư không có nhu cầu vay vốn (do đã hoàn thành hoặc đã vay vốn từ các nguồn khác);
Ngoài ra, một số dự án còn gặp vướng mắc về giải phóng mặt bằng, về thủ tục tính tiền sử dụng đất, về chuyển mục đích sử dụng đất...
Song song với đó còn tồn tại các khó khăn, vướng mắc như: khách hàng không đáp ứng tiêu chuẩn đối tượng được hỗ trợ lãi suất; tâm lý e ngại công tác thanh, kiểm tra, cân nhắc giữa lợi ích từ hỗ trợ lãi suất 2% và chi phí bỏ ra khi nhận hỗ trợ lãi suất như theo dõi hồ sơ, chứng từ, tuân thủ các thủ tục hậu kiểm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền... Đồng thời, bối cảnh kinh tế - xã hội đã thay đổi so với thời điểm ban hành chính sách nên doanh nghiệp không có nhu cầu.
Thanh Hoa