Hàng loạt chính sách mới đang được Chính phủ, các bộ ngành triển khai nhằm chấm dứt tình trạng tiền tỷ kho bạc ứ tại ngân hàng như: giảm quy mô gọi thầu, sửa Luật Đầu tư công…
Tiền tỷ “ngâm” trong ngân hàng
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tăng trưởng vốn đầu tư khu vực nhà nước trong 6 tháng năm 2019 chỉ đạt 2,1% so với cuối năm trước, mức thấp nhất trong các năm trở lại đây.
Vốn đầu tư từ nguồn trái phiếu chính phủ (TPCP) giảm 14% so với cuối năm 2018, trong khi nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước chiếm tỷ trọng cao nhất cũng chỉ tăng 3,7%.
Thời gian qua, KBNN liên tục gọi vốn từ TPCP, song số tiền đó lại không tiêu được và bị “ứ” tại ngân hàng, là do tốc độ giải ngân đầu tư công “rùa bò”. Điều này vô hình trung gây tốn kém cho ngân sách khi trả lãi khoản tiền huy động xong “ngâm” để đó.
Đến hết quý I/2019, tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vẫn có tới hơn 74.600 tỷ đồng tiền gửi của KBNN, trong đó có tới 53.000 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn, còn lại là tiền gửi không kỳ hạn.
Tương tự, tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng có hơn 21.000 tỷ đồng tiền gửi thanh toán và tới 49.000 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn của KBNN.
Như vậy, chỉ tính riêng hai ngân hàng có vốn nhà nước này, con số tiền gửi có kỳ hạn của KBNN đã lên tới hơn 100.000 tỷ đồng.
Dù tình trạng “ứ đọng” vốn tại các ngân hàng ngày càng tăng, nhưng theo kế hoạch, KBNN vẫn phải thực hiện phát hành trái phiếu, trung bình mỗi năm khoảng trên dưới 200.000 tỷ đồng, dự kiến năm 2019 khoảng 260.000 tỷ đồng.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, điều cần làm là sự nỗ lực vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương ngay từ những ngày, tháng đầu năm để tránh tình trạng “có tiền mà không tiêu được”.
Còn Ts. kinh tế Phan Minh Ngọc từng nhận xét: “Việc KBNN huy động TPCP để gọi vốn xong lại gửi vào ngân hàng hưởng lãi cũng tương tự như một con rắn tự ăn đuôi mình”.
Trong các cuộc hội thảo, làm việc giữa các bộ ngành, hầu hết các ý kiến cho rằng giải pháp trước mắt để chấm dứt điệp khúc “ứ” tiền kho bạc tại ngân hàng và sự “luẩn quẩn” trong phát hành trái phiếu đang kéo dài là giảm gọi vốn TPCP.
Năm 2019, KBNN dự kiến phát hành trái phiếu khoảng 260.000 tỷ đồng |
Giảm quy mô gọi thầu
Trong báo cáo mới đây, CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết quý II/2019, KBNN huy động thành công 35,6 nghìn tỷ đồng, rất thấp so với kế hoạch phát hành 80.000 tỷ đồng đặt ra trước đó. Tính chung 6 tháng đầu năm, KBNN huy động được 105.000 tỷ đồng, tương đương 70% kế hoạch.
VDSC nhận định: “Đây là “dấu hiệu lạ” khi giá trị gọi thầu giảm mạnh và đi ngược so với kế hoạch phát hành”.
Tuy vậy, nhóm nghiên cứu cũng giải thích kết quả trúng thầu thấp là do chịu ảnh hưởng bởi việc KBNN chủ động giảm quy mô gọi thầu trong suốt quý vừa qua.
Tỷ lệ giá trị gọi thầu/ kế hoạch phát hành chỉ đạt 0,6 lần, mức thấp nhất trong 3 năm trở lại đây. Lần gần nhất, tỷ lệ này giảm xuống dưới ngưỡng 1 là thời điểm quý III/2017, đạt 0,8 lần.
“Chúng tôi cho rằng tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm chạp dẫn đến ứ đọng vốn TPCP trong hệ thống ngân hàng thương mại đóng vai trò trọng yếu”, nhóm phân tích của VDSC nhận định.
Quốc hội vừa qua đã thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi) nhằm giải quyết những điểm nghẽn trong quá trình thực thi và kỳ vọng sẽ thúc đẩy các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng trọng điểm.
Ngoài ra, trong quý III/2019, 3/11 đoạn trong Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam sẽ được khởi công. Do vậy, VDSC kỳ vọng giải ngân vốn đầu tư công sẽ tích cực hơn kể từ năm 2020.
Bên cạnh đó, tình hình thu chi ngân sách nhà nước trong 6 tháng đầu năm 2019 cũng giảm sức ép vay nợ thông qua phát hành TPCP. Trong 6 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 660,6 nghìn tỷ đồng trong khi tổng chi chỉ ở mức 612,5 nghìn tỷ đồng. Các khoản thu từ thuế thu nhập và thuế nhập khẩu đóng góp chính, trong khi chi đầu tư phát triển chỉ đạt 26,1% dự toán năm.
“Trong bối cảnh nguồn vốn trái phiếu ứ đọng còn nhiều và kết quả thặng dư ngân sách trong 6 tháng 2019, việc chủ động giảm phát hành mới sẽ giúp hạn chế sức ép tăng lãi suất TPCP”, nhóm phân tích VDSC nhìn nhận.
Ngoài ra, việc giảm phát hành TPCP cũng hạn chế sự phân tán dòng vốn trong bối cảnh nguồn huy động từ phía ngân hàng thương mại, nhà đầu tư lớn đối với sản phẩm TPCP đang tăng chậm hơn so với cùng kỳ.
Tính đến 18/6, tăng trưởng huy động chỉ đạt 6,1%, thấp hơn mức 7,8% của cùng kỳ năm trước, còn tăng trưởng cung tiền ở mức 6,1% (cùng kỳ năm 2018 là 8,0%). Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng đạt 6,2%, cao hơn mức 6,1% của cùng kỳ năm 2018.
Hoàng Hà