Đề án phục hồi kinh tế vừa được Chính phủ báo cáo trước Quốc hội đã đưa ra nhiều chính sách lớn, hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó, Chính phủ sẽ hỗ trợ lãi suất cho vay 2%/năm thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại là 40.000 tỉ đồng tập trung vào một số ngành, lĩnh vực quan trọng, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ hoặc có khả năng phục hồi, các lĩnh vực bị thiệt hại nặng hoặc những lĩnh vực ưu tiên.
Lãi suất sẽ giữ ở mức thấp kỷ lục
TS Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng BIDV và nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho rằng bước qua năm 2022, lãi suất huy động có thể tăng nhẹ do áp lực lạm phát khi nhu cầu vốn tăng sau khi nền kinh tế phục hồi. Thế nhưng lãi suất cho vay cơ bản ổn định theo định hướng chung của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy phục hồi kinh tế - xã hội.
Chính phủ sẽ hỗ trợ lãi suất cho vay 2%/năm thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại là 40.000 tỉ đồng tập trung vào các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ hoặc có khả năng phục hồi. |
Thực tế, trong Chương trình phục hồi kinh tế đã định hướng: Chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí quản lý để phấn đấu giảm lãi suất cho vay tối thiểu 0,5-1% trong hai năm. Trường hợp rủi ro lạm phát tăng cao có sự điều chỉnh linh hoạt.
Tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Điều hành tín dụng hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát. Điều tiết thanh khoản phù hợp, tạo điều kiện để tổ chức tín dụng đẩy nhanh tốc độ giải ngân cho các đối tượng thụ hưởng gói hỗ trợ lãi suất từ chương trình.
Dự báo lãi suất năm 2022, một chuyên gia ngân hàng cho rằng: “Lãi suất sẽ giữ ở mức thấp kỷ lục”, NHNN có khả năng sẽ giữ ổn định chính sách của mình để hỗ trợ các nỗ lực phục hồi, nên cả lãi suất tái cấp vốn ở mức 4% và lãi suất tái chiết khấu ở mức 2,5% sẽ vẫn giữ ở mức thấp kỷ lục ở thời điểm hiện tại.
Ông Phạm Thanh Hà - Phó thống đốc NHNN cho biết, NHNN sẽ tiếp tục duy trì thanh khoản cho hệ thống, ổn định mặt bằng lãi suất để hỗ trợ đà phục hồi kinh tế nhưng cũng không chủ quan đối với lạm phát.
Khi nguồn vốn “đổ mạnh” ra thị trường nguy cơ lạm phát sẽ tăng cao. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng giải pháp quan trọng nhất hiện nay là ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát trong thời gian tới.
Trao đổi với VnBusiness, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định, khi kinh tế phục hồi trong năm 2022, dưới tác động của các gói hỗ trợ và phát triển kinh tế khiến nhu cầu tiêu dùng, đầu tư và giá cả hàng hoá gia tăng sẽ gây sức ép không nhỏ lên giá cả. Theo đó, việc kiểm soát lạm phát năm 2022 vẫn sẽ không dễ dàng, CPI có thể tăng khá cao và tăng ngay từ đầu năm.
Gói hỗ trợ lãi suất cần tránh dàn trải
Liên quan đến gói tín dụng bù lãi suất có quy mô 40.000 tỉ đồng, TS Hồ Quốc Tuấn - Giảng viên cao cấp, kế toán và tài chính tại Đại học Bristol (Anh) cho rằng gói hỗ trợ lãi suất khả năng sẽ hướng đến những lĩnh vực khôi phục lại được, những doanh nghiệp còn hoạt động, từ đó kéo hoạt động sản xuất trở lại, tăng trưởng kinh tế dù dịch có quay trở lại hay không. Nếu lạm phát trong nước dưới 5% thì không áp lực quá lớn để thay đổi lãi suất (mức đề xuất trước đây là 4%). Lãi suất vay sẽ được cố giữ ở mức hiện tại hoặc có thể điều chỉnh giảm đôi chút vì nền kinh tế vẫn đang cần được hỗ trợ.
Trong khi đó, ông Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng với mức hỗ trợ lãi suất 2%, các doanh nghiệp vẫn phải trả ra mức lãi suất sau hỗ trợ từ 6-7%, nên rất khó khả thi với nhiều lĩnh vực đang rất khó (như du lịch, phục hồi kinh tế…). Từ thực tế này, ông đề nghị cần tính lại gói hỗ trợ lãi suất nền kinh tế, với mức từ 4-5% tương đương mức lạm phát, sẽ giúp các doanh nghiệp tiếp cận được gói hỗ trợ và sức lan tỏa cũng mạnh mẽ sau hai năm.
Bên cạnh đó, ông Cường cho rằng chương trình cần tập trung, tránh dàn trải và chỉ đầu tư cho những lĩnh vực chịu tác động của đại dịch COVID-19. "Gói hỗ trợ chỉ dùng vào việc hỗ trợ chống đứt gãy, đảm bảo phát triển kinh tế, nhưng phải tránh nguy cơ như trước đây và đặc biệt là việc lợi dụng để trục lợi. Do đó, cần rà soát khâu nào chịu ảnh hưởng của đại dịch để hỗ trợ", ông nói.
Đồng tình, ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Agribank đề nghị: "Để khắc phục những bất cập như gói hỗ trợ lãi suất giai đoạn 2008 - 2009, kính đề nghị Thủ tướng, NHNN chỉ đạo rõ đối tượng, phạm vi hỗ trợ, tránh dàn trải và chỉ áp dụng cho những doanh nghiệp có dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi, có khả năng trả nợ ngân hàng, tránh áp lực tổ chức tín dụng buộc phải cho vay khi doanh nghiệp có nhu cầu vay".
Trước những băn khoăn trên, TS Cấn Văn Lực cho rằng, các gói hỗ trợ, chương trình hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hiện nay đều có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, thậm chí có địa chỉ, có dự án cụ thể. Các tính toán tác động của chương trình phục hồi cũng rất rõ ràng, không còn chung chung như giai đoạn trước. Hơn nữa, với năng lực của nền kinh tế hiện nay, khả năng hấp thụ khoảng 300.000 tỉ đồng trong hai năm không phải là nhiều.
Ông Lực tin và kỳ vọng kinh nghiệm quản trị điều hành, năng lực hệ thống tài chính, ngân hàng cũng vững mạnh hơn.
Thanh Hoa