Cụ thể, doanh số hỗ trợ lãi suất đạt gần 140.000 tỷ đồng, dư nợ hỗ trợ lãi suất đạt hơn 56.000 tỷ đồng cho gần 2.100 khách hàng. Ngân hàng Nhà nước ước tính đến hết năm nay, số tiền hỗ trợ lãi suất 2%/năm từ ngân sách nhà nước với 40.000 tỷ đồng dự kiến chỉ đạt khoảng 2.570 tỷ đồng.
Như vậy, thực hiện nghị định 31 về gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm từ nguồn ngân sách nhà nước với 40.000 tỷ đồng được áp dụng từ năm 2022 chưa đạt được như kỳ vọng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nguyên nhân khiến gói hỗ trợ này giải ngân chậm chủ yếu là do tâm lý e ngại công tác thanh, kiểm tra, cân nhắc giữa lợi ích từ hỗ trợ lãi suất 2% và chi phí bỏ ra khi nhận hỗ trợ lãi suất như theo dõi hồ sơ, chứng từ, tuân thủ các thủ tục thanh, kiểm tra; khó đánh giá về khả năng “phục hồi” trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều yếu tố rủi ro, bất định; tình hình kinh tế - xã hội đã thay đổi so với thời điểm ban hành chính sách nên nhu cầu hỗ trợ của doanh nghiệp thay đổi…
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về kết quả triển khai chương trình này để có cơ sở xây dựng phương án đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh nhiệm vụ chi hỗ trợ lãi suất không sử dụng hết sang hình thức, chính sách hỗ trợ khác có khả năng triển khai, còn dư địa.
Gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng mới giải ngân được khoảng 1,7% tổng quy mô. |
Trong khi gói tín dụng chính sách giải ngân chậm thì gói tín dụng thương mại 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội triển khai tốt hơn. Hiện đã có 12 địa phương công bố danh mục 25 dự án đủ điều kiện với nhu cầu vay hơn 13.000 tỷ đồng. Trong đó, Bình Dương có 4 dự án với nhu cầu vay vốn là 1.181 tỷ đồng, Bắc Ninh có 6 dự án với nhu cầu vay vốn là 3.381,33 tỷ đồng, Bắc Giang có 1 dự án với nhu cầu vay vốn là 1.838,6 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Sở Xây dựng của các địa phương đã rà soát hồ sơ, trình UBND cấp tỉnh xem xét như TP.HCM (6 dự án, nhu cầu vay vốn khoảng 2.776,6 tỷ đồng, Bình Định (6 dự án, nhu cầu vay vốn là 1.832 tỷ đồng)…
Ngoài ra, gói tín dụng 15.000 tỷ đồng cho vay lâm sản, thủy sản cũng được giải ngân tích cực. Đến ngày 10/8, sau 20 ngày triển khai, các ngân hàng đã giải ngân gần 800 tỷ đồng gói tín dụng này.
Tại nhiều tỉnh, thành phố phía Nam, hoạt động cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và cho vay nuôi trồng, chế biến xuất khẩu thủy sản đang được các TCTD thúc đẩy khá mạnh.
Ông Vương Trí Phong, Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Đồng Tháp cho biết, tính đến cuối tháng 7/2023, hệ thống ngân hàng tại địa phương này đã cho vay khoảng 65.800 tỷ đồng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, riêng lĩnh vực thủy sản, do Đồng Tháp là khu vực nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu lớn nhất cả nước nên nguồn tín dụng được các ngân hàng tập trung rất mạnh.
“Ước tính đến cuối tháng 8/2023 đã có khoảng 12.800 tỷ đồng được các ngân hàng cho vay vào lĩnh vực này với mức lãi suất ưu đãi theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP. Hiện nay, có khoảng gần 50 doanh nghiệp và 5.900 hộ nuôi, hợp tác xã tiếp cận được nguồn vốn vay lãi suất thấp, trong đó có 10 doanh nghiệp thủy sản được hưởng hỗ trợ lãi suất 2%/năm theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP”, ông Phong cho biết.
Theo Văn phòng Agribank Tây Nam bộ, hiện nay dư nợ cho vay lĩnh vực thủy sản tại hệ thống ngân hàng này đạt khoảng 59.000 tỷ đồng với gần 142.900 khách hàng - chủ yếu là doanh nghiệp chế biến xuất khẩu.
Các ngân hàng đang tích cực triển khai gói tín dụng 15.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi lãi suất đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản, cũng như ưu tiên giải ngân vốn phục vụ chế biến xuất khẩu. Điều đó đang được nhiều doanh nghiệp, địa phương đánh giá cao và kỳ vọng tạo đà bứt phá cho xuất khẩu những tháng cuối năm.
TH