Dự thảo sửa đổi Thông tư 36 lần thứ hai (thông tư này đã được sửa đổi trước đó bởi Thông tư 06/2016), một lần nữa NHNN đã thay đổi lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn xuống 40% có thể được giãn ra trong hai năm nữa.
Chưa bị “siết”
Mấy năm trước, do lo ngại rủi ro hệ thống cùng nợ xấu bất động sản tăng cao nên NHNN đã ban hành Thông tư 36 quy định giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn.
Tuy nhiên, đầu năm 2017, Chính phủ thấy nền kinh tế cần thêm nguồn vốn để tăng trưởng trong khi các vấn đề tín dụng trong hệ thống ngân hàng cũng đã được xử lý tương đối ổn nên muốn chuyển sang phục vụ kinh tế trong giai đoạn này.
Do vậy, NHNN đã sửa đổi Thông tư 36 yêu cầu các tổ chức tín dụng phải giảm tỷ lệ tối đa sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn từ 60% xuống 50% từ đầu năm 2017. Từ 1/1/2018, các tổ chức tín dụng phải giảm tỷ lệ tối đa sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn xuống còn 40%.
Cũng tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2017, Thủ tướng đã ra Nghị quyết yêu cầu NHNN phấn đấu tăng trưởng tín dụng cả năm 2017 vượt mức kế hoạch 18% lên trên 20%. Đồng thời, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng liên tục ở mức cao trong vòng 7 tháng đầu năm (đạt 9,3%, tăng cao so với mức 8,54% cùng kỳ năm ngoái), Thủ tướng giao NHNN xem xét, điều chỉnh mở rộng hạn mức tín dụng cho vay trung và dài hạn của tổ chức tín dụng.
Vốn trung dài hạn chỉ chiếm 13%-15% tổng huy động trong khi cho vay trung dài hạn lại chiếm tới 53%-55% tổng cho vay.
Theo các chuyên gia tài chính - ngân hàng, đây là lý do khiến NHNN phải điều chỉnh cơ cấu tín dụng. Do đó, tại dự thảo sửa đổi lần này, lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn một lần nữa được điều chỉnh. Theo đó, tỷ lệ này sẽ ở mức 45% vào năm 2018 và xuống mục tiêu 40% vào năm 2019 đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Như vậy, với lộ trình dự kiến trên, các đối tượng có nhu cầu vay vốn trung dài hạn đặc thù như ở lĩnh vực bất động sản, tín dụng tiêu dùng, mua ô tô… sẽ chưa bị “siết” gấp.
Cơ cấu nguồn vốn
Dưới góc độ là cơ quan ban hành Dự thảo, NHNN cho biết, việc giãn lộ trình trên được thực hiện dựa trên cơ sở đánh giá tác động số liệu giám sát của NHNN và số liệu kinh tế vĩ mô, tình hình kinh tế các tháng đầu năm 2017, cũng như định hướng điều hành chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ trong những tháng cuối năm.
Dự thảo này đang trong quá trình lấy ý kiến, nhưng đã tạo được sự đồng thuận của nhiều chuyên gia. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng nếu dự thảo này được thông qua, các NHTM sẽ có thêm điều kiện để phát triển tín dụng mà chưa phải lo lắng nhiều về khả năng đụng “trần” các tỷ lệ giới hạn như quy định ban đầu của Thông tư 36.
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển đánh giá, việc giãn lộ trình sẽ giúp cho các ngân hàng có thời gian chuẩn bị tốt hơn. Thời gian này, thanh khoản ngân hàng đang dồi dào, lãi suất liên ngân hàng ở mức thấp, lãi suất cho vay ổn định nên việc giãn lộ trình là một điều hợp lý.
Ngoài ra, chuyên gia này cho biết, điều này sẽ giúp các nhà băng có thêm thời gian để cơ cấu lại nguồn vốn huy động cũng như nắn dòng vốn đi vào các lĩnh vực sản xuất mang tính trung và dài hạn cũng là mục tiêu mà NHNN hướng đến cho hệ thống ngân hàng.
Đồng tình với ý kiến của ông Hiển, Ts. Cấn Văn Lực cho rằng trong bối cảnh tín dụng chịu nhiều áp lực tăng trưởng như hiện nay, cộng với nợ xấu vẫn chưa được giải quyết, việc giãn thời hạn siết sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn là cần thiết, giúp ngân hàng giảm bớt áp lực.
Thậm chí, Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA) kiến nghị để hỗ trợ các tổ chức tín dụng, NHNN nên giữ nguyên tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn ở mức tối đa 50% như hiện nay đến hết năm 2018 sẽ là nguồn lực hỗ trợ hiệu quả cho sự tăng trưởng của nền kinh tế, cũng như của thị trường bất động sản.
“Thị trường bất động sản là một trong những hộ tiêu dùng lớn nhất của nền kinh tế, sử dụng hàng ngàn sản phẩm của hơn 90 ngành sản xuất, kinh doanh. Bất động sản cũng là ngành sản xuất và tạo nhiều việc làm cho người lao động”, HoREA lý giải.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng việc “gia hạn” giãn tỷ lệ này cần được NHNN theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường trong thời gian tới, bởi việc đổ nhiều vốn vào lĩnh vực bất động sản thời gian này vẫn là cách làm mạo hiểm, tạo nguy cơ bất ổn cho thị trường, có thể sẽ gặp khó khăn về thanh khoản.
“Rủi ro sẽ xuất hiện bất cứ lúc nào bởi hiện vốn trung dài hạn chỉ chiếm 13%-15% tổng huy động trong khi cho vay trung dài hạn lại chiếm tới 53%-55% tổng cho vay”, một chuyên gia cho hay.
Huyền Anh