![]() |
Giảm lãi suất trả cho tiền gửi dự trữ bắt buộc của các ngân hàng thương mại không phải là động thái thể hiện nới lỏng thêm tiền tệ. |
Mới đây, ngày 6/8/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã bất ngờ thông báo về việc giảm một loạt lãi suất điều hành.
Động thái trái kỳ vọng
Đại dịch Covid-19 quay lại khiến áp lực với các doanh nghiệp trở nên nặng nề hơn, giải pháp tín dụng được nhiều doanh nghiệp tính đến. Thời gian qua, hàng loạt doanh nghiệp ngành hàng không đã phải cầu viện Chính phủ các gói vay hàng chục nghìn tỷ đồng với lãi suất 0%/năm.
Hàng loạt doanh nghiệp du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng, khách sạn… và nhiều hiệp hội cũng nhiều lần đề nghị ngành ngân hàng giảm 30 - 50% lãi suất cho vay hiện tại, nhưng chưa được chấp thuận.
Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ diễn ra vào đầu tuần trước, Thủ tướng yêu cầu chính sách tài chính và tiền tệ phải kết hợp đồng bộ, hiệu quả để kích thích tổng cầu, lưu ý quy mô, phạm vi đủ lớn, phương thức hỗ trợ phù hợp, hiệu quả để tạo ngay động lực tăng trưởng.
Trước đó, Thủ tướng cũng 3 lần yêu cầu xem xét lại chính sách tài khóa và tiền tệ theo hướng nới lỏng có kiểm soát trong bối cảnh nhiều nước bơm tiền, tăng thâm hụt ngân sách để kích thích tăng trưởng.
Vậy, động thái giảm lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc mới đây của NHNN có phải là động thái nới lỏng tiền tệ của NHNN theo chỉ đạo của Chính phủ?
Hiện, lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng VND là 0,5%/năm, giảm 0,5% so với mức lãi suất trước. Lãi suất đối với tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng VND duy trì 0%/năm. Lãi suất tiền gửi bằng VND của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô tại NHNN cũng giảm 0,2% xuống 0,8%/năm.
Ngoài ra, mức lãi suất tiền gửi của Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tại NHNN giảm 0,2% xuống còn 0,8%/năm.
Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), việc giảm lãi suất cho tiền gửi dự trữ bắt buộc không giống như việc cắt giảm các loại lãi suất điều hành khác như lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu... (giúp giảm chi phí đi vay của ngân hàng thương mại, qua đó giúp giảm mặt bằng lãi suất trên thị trường).
Do đó, việc NHNN giảm lãi suất trả cho tiền gửi dự trữ bắt buộc của các ngân hàng thương mại không phải là động thái thể hiện nới lỏng thêm tiền tệ.
"Các quyết định này nhằm mục tiêu chủ yếu là giảm chi phí hoạt động cho NHNN. Điều này đồng nghĩa thu nhập của các ngân hàng thương mại từ tiền gửi dự trữ bắt buộc gửi tại NHNN theo đó sẽ bị giảm theo", BVSC cho hay.
Tập trung tháo rào cản tiếp cận vốn
Dưới góc nhìn từ thị trường, các chuyên gia phân tích thuộc Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cũng đưa ra nhận định: tác động của động thái giảm lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc tới các tổ chức tín dụng là hạn chế và chủ yếu là giảm áp lực chi ngân sách trong năm nay đang được dự kiến ở mức cao do các chính sach hỗ trợ kinh tế của Chính phủ trong năm nay dưới tác động của Covid-19 (bao gồm các gói giảm thuế thu nhập doanh nghiệp vừa và nhỏ, tăng chi đầu tư công...).
Việc giảm lãi suất dự trữ bắt buộc mặc dù có ảnh hưởng tới nguồn lợi nhuận của các tổ chức tín dụng nhưng không đáng kể. Nguyên nhân là mức dự trữ bắt buộc của các ngân hàng hiện nay ở mức thấp, chỉ khoảng 3% đối với khoản tiền gửi không kỳ hạn và dưới 1 năm và 1% đối với khoản tiền gửi trên 1 năm.
“Mức tác động của việc giảm lãi suất này tới tổng hệ thống ngân hàng là vào khoảng 600 tỷ đồng, trong đó khối ngân hàng thương mại nhà nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất, khoảng trên dưới 60 tỷ đồng/ngân hàng”, KBSV ước tính.
Vậy, các ngân hàng thương mại sẽ phải làm gì để hỗ trợ nền kinh tế và doanh nghiệp vượt qua dịch Covid-19 đang quay trở lại Việt Nam?
Có thể thấy, tăng trưởng tín dụng cho đến nay vẫn ở mức rất thấp. Theo số liệu cập nhật tính đến ngày 28/7, tín dụng toàn hệ thống tăng 3,45% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ tăng 7,13%). Trong gần 7 tháng đầu năm, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho hơn 272.000 khách hàng, với dư nợ hơn 210.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 435.000 khách hàng với dư nợ hơn 1,27 triệu tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ ngày 23/1/2020 đến nay đạt 1,17 triệu tỷ đồng cho hơn 247.000 khách hàng…
Điều này cho thấy tín dụng vẫn đang ách tắc trong hệ thống bất chấp mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm khá sâu. Thêm vào đó, việc dịch Covid-19 quay trở lại tại Việt Nam càng khiến cho triển vọng tăng trưởng tín dụng trong quý III/2020 càng trở nên kém lạc quan.
Do vậy, BVSC duy trì quan điểm cho rằng chính sách tiền tệ của NHNN trong 2 quý cuối năm sẽ tập trung vào việc tháo dỡ các rào cản tiếp cận vốn, nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng thay vì chỉ cố gắng giảm lãi suất điều hành như trong 6 tháng đầu năm.
Hiện, NHNN đang nghiên cứu sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN theo hướng kéo dài thời gian hỗ trợ có thể đến hết năm 2020 hoặc lâu hơn nữa tùy theo diễn biến và ảnh hưởng của dịch bệnh.
Huyền Anh