Mấy ngày qua, thị trường liên tục đón nhận thông tin rất nhiều ngân hàng thương mại đã có động thái giảm lãi suất cho vay trên thị trường đối với các lĩnh vực ưu tiên 0,5 – 1%, tùy từng lĩnh vực, ngành nghề của doanh nghiệp.
Ngày 7/7, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành quyết định điều chỉnh giảm 0,5%/năm lãi suất (từ 7%/năm về 6,5%/năm) cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng (TCTD) đối với 5 lĩnh vực, ngành kinh tế ưu tiên của Chính phủ.
Rầm rộ giảm lãi vay
Một tuần sau quyết định giảm lãi suất điều hành của NHNN, nhiều ngân hàng thương mại đã thông báo giảm lãi suất cho vay ở hầu hết hạn mức.
Cụ thể, LienVietPostBank đã điều chỉnh giảm 0,25% lãi suất cho vay đối với tất cả các kỳ hạn. Đặc biệt, lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên được ngân hàng này điều chỉnh còn 6%/năm, thấp hơn 0,5%/năm so với mức trần tối đa NHNN mới quy định.
Các ngân hàng thương mại như: SHB, BIDV, Vietinbank, Vietcombank, Agribank, VPBank hay Eximbank đều điều chỉnh giảm lãi suất cho vay 0,5%, về mức tối đa 6,5%/năm theo quy định của NHNN đối với nhu cầu vốn thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ.
Quyết định này của các ngân hàng thương mại được giới tài chính – ngân hàng đánh giá không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, mà còn giúp bản thân các ngân hàng khơi thông nguồn vốn tốt hơn do 6 tháng đầu năm nay.
Không chỉ giảm lãi vay ở lĩnh vực ưu tiên, một số ngân hàng còn giảm lãi vay hỗ trợ các doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lịch sử tín dụng tốt và xếp hạng khách hàng cao tại các ngân hàng… và cả những cá nhân, hộ gia đình chịu ảnh hưởng lũ lụt tại các tỉnh miền Trung.
Chẳng hạn, ngân hàng BIDV áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa 5,5%/năm đối với các cá nhân, hộ gia đình chịu ảnh hưởng lũ lụt tại các tỉnh miền Trung. Riêng gói tín dụng 10.000 tỷ đồng ngắn hạn dành cho khách hàng mới thuộc đối tượng là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (vay VND), doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp siêu nhỏ cũng được áp dụng mức vay 5,5%/năm.
Các chuyển động trên cho thấy, khách hàng có thể dễ dàng hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn giá rẻ để biến những dự án đang còn nằm trên giấy thành cơ hội tăng trưởng lợi nhuận trong thời gian tới.
Lý giải động thái giảm lãi suất cho vay, hầu hết ngân hàng thương mại đều cho rằng thời điểm này, thanh khoản toàn bộ hệ thống được đảm bảo, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng giảm mạnh kể từ đầu quý II/2017. Bên cạnh đó, theo yêu cầu NHNN đưa tăng trưởng tín dụng cả năm 2017 đạt trên 18% thay vì dưới 18% cũng tạo áp lực để các ngân hàng đẩy mạnh vốn ra thị trường.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến lo ngại rằng từ nay đến cuối năm, nhu cầu vốn tăng cao, cùng với lãi suất cho vay có xu hướng giảm, sẽ dẫn đến nguy cơ thiếu thanh khoản.
![]() |
Ngân hàng SHB điều chỉnh giảm lãi suất cho vay 0,5% ở 5 lĩnh vực ưu tiên
Báo hiệu tín hiệu tốt
Về phía cơ quan quản lý, ông Nguyễn Đức Long, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ NHNN, cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, điều hành linh hoạt lượng tiền cung ứng, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các TCTD; Tăng cường thanh tra, giám sát việc chấp hành và xử lý nghiêm các vi phạm quy định của NHNN về lãi suất.
Trên thực tế, lạm phát hiện có xu hướng tăng thấp, CPI tính đến hết tháng Sáu chỉ tăng 0,2% so với cuối năm 2016, 2,54% so với cùng kỳ năm 2016, bình quân 6 tháng đầu năm 2017 tăng 4,15% so với cùng kỳ, đây là những yếu tố thuận lợi để điều tiết tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống khoảng 18%, có điều chỉnh linh hoạt theo diễn biến thực tế của kinh tế vĩ mô và hoạt động ngân hàng.
Vì vậy, việc điều chỉnh trần lãi suất huy động giảm xuống mức 6,5% và điều chỉnh giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành của NHNN sẽ giúp các TCTD giảm chi phí tiếp cận vốn vay từ NHNN khi có nhu cầu.
Từ đó, chủ động các biện pháp đảm bảo thanh khoản, thực hiện các giải pháp tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động, áp dụng mức phí cho vay hợp lý đối với những khoản phí được thu theo quy định của pháp luật.
Một số chuyên gia tài chính – ngân hàng cho rằng mức giảm 0,5% chưa phải cao nhưng phù hợp với tình hình kinh tế hiện nay vì khi nền kinh tế chưa thực sự hồi phục, nếu giảm sâu sẽ có những tác động khác, mà điều đầu tiên chính là ngân hàng không dám cho vay trong các lĩnh vực ưu tiên vì lãi suất quá thấp.
Bên cạnh đó, nếu chênh lệch giữa lãi suất cho vay và huy động, trong đó lãi suất huy động không giảm, lãi suất cho vay giảm sâu sẽ tác động lớn đến thanh khoản ngân hàng. Dòng tiền sẽ chảy sang các kênh khác, có thể là vàng, chứng khoán hay bất động sản.
Hiện nay, sau khi trừ chi phí của hệ thống ngân hàng 2%, trong bối cảnh nợ xấu còn cao, việc giảm sâu gây áp lực cho các ngân hàng.
Theo các chuyên gia, mặc dù giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế nhưng cũng phải đảm bảo được lợi ích của các TCTD trong bối cảnh các ngân hàng đang đẩy mạnh tái cơ cấu, xử lý nợ xấu.
Huyền Anh