Tại Hội thảo tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp, được tổ chức ngày 25/7, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng, hơn bao giờ hết, bối cảnh kinh tế khó khăn như thế này, ngân hàng và doanh nghiệp nên ngồi lại với nhau. Bởi hiện nay cả ngân hàng và doanh nghiệp đang tồn kho, doanh nghiệp tồn kho hàng hoá, ngân hàng thì vay vào mà không cho vay ra được.
Nhiều hỗ trợ nhưng doanh nghiệp vẫn không vay được vốn
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm lãi suất điều hành 4 lần, phân bổ hết room tín dụng, ban hành Thông tư cơ cấu nợ, tung ra các gói tín dụng ưu đãi, kết nối ngân hàng - doanh nghiệp… Bất chấp những nỗ lực này, tín dụng tính tới cuối tháng 6/2023 chỉ tăng 4,73%, thấp nhất trong vòng 13 năm qua.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, hiện nay, không chỉ doanh nghiệp mà các ngân hàng cũng rất khó khăn, phải đối diện với nhiều rủi ro lớn: nợ xấu gia tăng, biên lợi nhuận giảm, áp lực tăng vốn lớn. Việc tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế không chỉ “cứu” doanh nghiệp mà cũng chính là cứu ngân hàng.
Lãi suất không còn là rào cản lớn nhất của doanh nghiệp, song vẫn có tới 25% doanh nghiệp vừa và nhỏ than khó tiếp cận vốn. |
Nói về thực trạng doanh nghiệp không vay được vốn tín dụng, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa cho biết, hiện có khoảng 25% doanh nghiệp nhỏ và vừa không vay được vốn tín dụng. Theo ông, ngoài những tác động khách quan từ thị trường thì các chính sách của Nhà nước vẫn chưa phát huy được tính đồng bộ, trong khi đó bản thân các doanh nghiệp cũng chưa chứng minh được năng lực hoàn vốn cũng như năng lực quản lý, kế hoạch sản xuất kinh doanh và minh bạch tài chính…
“Do vậy, để tăng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp thì chính sách giảm lãi suất chỉ là một trong các giải pháp cần được tiếp tục triển khai”.
Đồng tình, Tổng Thư kí Hiệp hội Ngân hàng, ông Nguyễn Quốc Hùng đánh giá “Việc giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp cũng không phải là vấn đề cốt lõi giúp cho các doanh nghiệp phục hồi. Giảm lãi suất nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng đủ điều kiện vay ngân hàng như tài sản đảm bảo không đủ, kinh doanh thua lỗ, cơ cấu nợ, điều chỉnh trả nợ để được vay tiếp hoặc không quản lý được dòng tiền. Ngân hàng không có đủ cơ sở đảm bảo để cho vay tiếp”.
Trong bối cảnh đó, Phó Thống đốc NHNN nói rằng, giảm lãi suất nhưng ngành ngân hàng vẫn phải đảm bảo hài hòa với tỷ giá. Bởi, nếu hạ lãi suất quá đà sẽ dẫn tới ảnh hưởng tỷ giá, ảnh hưởng niềm tin người gửi tiền, ảnh hưởng nợ quốc gia,… Ông Tú diễn giải: Chưa bao giờ điều hành khó như 6 tháng đầu năm vừa qua. Vẫn cơ chế điều hành tiền tệ đó, vẫn con người, bộ máy làm tín dụng như thế, việc huy động vốn vẫn đặt ra thường xuyên,… các điều kiện về phía chủ quan ngành ngân hàng cơ bản không có thay đổi gây khó khăn cho việc tiếp cận tín dụng. Vì sao tín dụng vẫn tăng chậm?
Với kiến nghị nới điều kiện vay vốn, đại diện NHNN nhìn nhận: “Sự an toàn, lành mạnh của hệ thống các tổ chức tín dụng sẽ quyết định sự an toàn, lành mạnh của nền tài chính quốc gia trong cả ngắn hạn, trung và dài hạn. Đây là nhiệm vụ rất khó của NHNN. Nếu như mở điều kiện thì tín dụng có thể tăng ồ ạt sẽ để lại sự mất an toàn hệ thống tổ chức tín dụng ngay trong ngắn hạn. Khi đó, câu chuyện nợ xấu và sự suy giảm sẽ ngay lập tức bị ảnh hưởng, chưa kể đến lãi suất và cung tiền, thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát...”.
Ngân hàng và doanh nghiệp cần đặt vào vị trí của nhau
Về giải pháp tăng cơ hội tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, ông Thân nói: Đứng ở cả góc độ của ngân hàng và doanh nghiệp, có thể nói vấn đề cho vay hiện nay không thể bằng ý chí của một bên mà hai bên cùng phải lắng nghe, đứng ở vị trí của nhau và cùng nghiên cứu, giải quyết các khó khăn, vướng mắc để tìm ra hướng đi chung.
Về phía doanh nghiệp cần phải nâng tầm trình độ về quản lý, kế hoạch sản xuất kinh doanh và minh bạch tài chính… Khi các ngân hàng yên tâm về sức khoẻ của doanh nghiệp thì chắc chắn các ngân hàng sẽ không từ chối cho vay. Còn về phía ngân hàng cần phải có giải pháp để tăng cường bảo lãnh tín chấp, nâng cao năng lực doanh nghiệp. "Đây là điểm mấu chốt để người cho vay và người đi vay xích lại gần nhau hơn", ông Nguyễn Văn Thân nhấn mạnh.
Ông Tú cũng cho rằng, hơn bao giờ hết, bối cảnh kinh tế khó khăn như thế này, ngân hàng và doanh nghiệp nên ngồi lại với nhau. "Ngân hàng cũng là doanh nghiệp, cũng đang tồn kho. Ngân hàng cũng gặp khó khăn khi vay vào mà không cho vay ra được. Do đó, quan điểm chia sẻ giữa hai bên là ngân hàng thương mại cần đặt mình vào doanh nghiệp để thấy doanh nghiệp khó khăn ra sao và ngược lại", ông chia sẻ.
Về phía người cho vay, ông Tú cho hay, ngân hàng cần mạnh dạn cho vay. Thẩm quyền cho vay là của ngân hàng thương mại. Hình thức tín chấp hay thế chấp, quản lý dòng tiền… hoàn toàn do ngân hàng thương mại quyết định. Nếu thấy doanh nghiệp làm ăn công khai, minh bạch thì mạnh dạn có quyết định cho vay.
Còn đối với phía doanh nghiệp, Phó Thống đốc cũng lưu ý nên xem xét lại thay vì vay mấy ngân hàng. Khi có tiền vay được của ngân hàng này lại đem trả cho ngân hàng khác là không nên. Mặt khác, thiếu vốn phải vay thì đúng nhưng báo cáo dòng tiền phải rõ ràng, minh bạch.
Thực tế, lãnh đạo các ngân hàng thương mại như VietinBank, Agribank, SHB… cho biết thời gian qua đã triển khai rất nhiều giải pháp như hạ lãi suất cho vay, tung ra các gói vay lãi suất ưu đãi, giảm thủ tục giải ngân… song vốn vẫn “ế”. Do đó, việc tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế không chỉ “cứu” doanh nghiệp mà cũng chính là cứu ngân hàng.
Thanh Hoa