Ngày 26/4 vừa qua, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) Eximbank đổ vỡ, cho thấy sự bế tắc chưa có điểm dừng của ngân hàng này. Lần họp thứ hai (26/5) có thành công hay không vẫn là câu hỏi khiến nhiều cổ đông lo lắng, bởi câu trả lời đang phụ thuộc vào việc sắp xếp nhân sự cấp cao.
Tổng tài sản, lợi nhuận tụt giảm
Kể từ ĐHĐCĐ 2015 của Eximbank (cuối tháng 7/2015) khi mà cựu Chủ tịch HĐQT Lê Hùng Dũng rút lui, vấn đề nhân sự cấp cao ở Eximbank luôn nóng bỏng. Đến nay, câu chuyện nhân sự cấp cao ở Eximbank vẫn là cuộc tranh giành chưa có hồi kết, mà rõ nhất là sự bất mãn của một số nhóm cổ đông với ban lãnh đạo và về tương lai của Eximbank.
Điều này đã đẩy Eximbank lún sâu vào khó khăn. Từng là gương mặt thường trực trong "câu lạc bộ ngàn tỷ lợi nhuận" của hệ thống ngân hàng, sau một thời gian, Eximbank "rớt đài".
Hiện nay, tài sản của nhà băng này tụt giảm và lợi nhuận lao dốc, thậm chí bị lỗ và cổ phiếu EIB bị đưa vào diện bị cảnh báo từ ngày 8/4/2016 do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của ngân hàng tại thời điểm cuối năm 2014 và 2015 đều là số âm và cho đến 30/6/2017 vẫn còn lỗ lũy kế gần 167 tỷ đồng. Cùng với đó, liên tiếp xảy ra các vụ mất tiền hàng trăm tỷ đồng trong tài khoản của khách hàng do chính nhân viên chiếm đoạt…
Tính đến cuối tháng 3/2019, tổng tài sản của Eximbank đạt 150.715 tỷ đồng, giảm 1,3% so với đầu năm. Huy động tiền gửi khách hàng tăng 2,8%, đạt 122.019 tỷ đồng, nhưng dư nợ cho vay khách hàng giảm 2,9% xuống mức 99.944 tỷ đồng. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh chỉ đạt 343 tỷ đồng, giảm 51,8%.
Trong công văn giải trình gửi Sở Giao dịch chứng khoán Tp.HCM (HoSE), Eximbank cho biết kết quả kinh doanh kém khả quan đến từ việc ghi nhận khoản thu nhập "bất thường" từ góp vốn, mua cổ phần.
Báo cáo tài chính cho thấy, quý I/2018, Eximbank có được khoản thu đột biến hơn 500 tỷ đồng từ việc thoái sạch vốn khỏi Sacombank, trong khi quý I năm nay, thu nhập từ góp vốn mua cổ phần chỉ đạt 1,5 tỷ đồng.
Ngoài ra, hoạt động kinh doanh ngoại hối cũng kém khả quan hơn, có lãi 23 tỷ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ. Lãi từ hoạt động khác giảm 19%, chỉ đạt 38 tỷ đồng.
Mặc dù được hoàn nhập dự phòng 7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ phải trích lập tới 152 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận trước thuế quý I/2019 của Eximbank vẫn thấp hơn cùng kỳ năm 2018. Lợi nhuận sau thuế đạt 281 tỷ đồng, giảm 36,7% so với cùng kỳ.
Nợ xấu của Eximbank đến cuối tháng 3/2019 là 1.895 tỷ đồng, giảm 25 tỷ đồng so với đầu năm. Tuy nhiên, do tổng dư nợ cho vay sụt giảm nên tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay của ngân hàng vẫn tăng từ mức 1,85% lên 1,88%.
Ngoài ra, Eximbank cũng còn 5.462 tỷ đồng nợ xấu tại VAMC, trong đó đã trích lập dự phòng 2.129 tỷ đồng.
Eximbank là ngân hàng duy nhất chưa ĐHĐCĐ thành công |
Dai dẳng "cuộc chiến" nhân sự
Những lùm xùm bủa vây Eximbank trong thời gian qua khiến phiên họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 của nhà băng này (ngày 26/4/2019) đã không đủ điều kiện tiến hành khi chỉ có 198 nhà đầu tư, với tỷ lệ cổ phiếu có quyền biểu quyết chiếm 57,62%, tương ứng 708,3 triệu cổ phiếu đến tham dự, thấp hơn 65% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết (theo danh sách cổ đông tham dự họp chốt ngày 28/1/2019), nên ban tổ chức đã phải tuyên bố hoãn.
Nguyên nhân, do nhóm cổ đông nắm tỷ lệ cổ phiếu lớn vừa nhận chuyển nhượng đến nhưng không làm thủ tục đăng ký tham gia đại hội. Ở lần đại hội này, tỷ lệ bắt buộc để được tiến hành đại hội chỉ còn 51%.
Trước khi ĐHĐCĐ lần 1, một số thành viên HĐQT Eximbank đã gửi yêu cầu Chủ tịch HĐQT triệu tập cuộc họp với nội dung thay đổi lãnh đạo, bãi nhiệm Chủ tịch HĐQT Lê Minh Quốc và bầu Chủ tịch HĐQT mới; xem xét thông qua các thủ tục pháp lý cho việc gia hạn chức danh Tổng Giám đốc đối với ông Lê Văn Quyết – Thành viên HĐQT (hiện hợp đồng với ông Quyết đã hết hạn đầu tháng 4, trong khi chưa có quyết định bổ nhiệm mới), xem xét Nghị quyết 112 bầu bà Lương Thị Cẩm Tú – Thành viên HĐQT vào ghế Chủ tịch HĐQT vào ngày 22/3…
Tuy nhiên, cuộc họp này đã không được triệu tập, nhóm cổ đông đề nghị họp vào ngày 6/5 nhưng cũng không thành và dự kiến nội dung này sẽ họp trước khi tiến hành ĐHĐCĐ lần 2.
Ngay sau khi Eximbank ra Nghị quyết 112, ông Lê Minh Quốc đã có đơn gửi TAND Tp.HCM ra biện pháp khẩn cấp tạm thời dừng việc thực hiện Nghị quyết 112 của HĐQT Eximbank. Do đó, ông Lê Minh Quốc vẫn ngồi ghế Chủ tịch HĐQT cho đến nay.
Đã gần hai tháng trôi qua kể từ ngày TAND Tp.HCM ra quyết định khẩn cấp dừng thực hiện Nghị quyết 112 nhưng chưa đưa ra xét xử, một số thành viên HĐQT Eximbank thực hiện các bước tổ chức cuộc họp bầu lại Chủ tịch HĐQT.
Tuy nhiên, trước khi có thông báo về ngày tổ chức ĐHĐCĐ lần 2, ông Lê Minh Quốc đã có ủy quyền cho ông Ngô Thanh Tùng – Thành viên HĐQT, đứng ra triệu tập và chủ tọa ĐHĐCĐ và thay mặt HĐQT ký các nghị quyết, quyết định…
Huyền Anh