Ngày 11/5, Cơ quan an ninh điều tra (Bộ Công an) đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh khám xét và bắt giam 2 cá nhân từng là cán bộ của Ngân hàng Eximbank – chi nhánh Sài Gòn, do vi phạm các quy định cho vay đối với Công ty TNHH Gia Phát Thành, gây thiệt hại cho ngân hàng 160 tỷ đồng.
Cho vay không có bảo đảm?
Danh tính hai cá nhân bị khởi tố, bắt giam là bà Huỳnh Thị Trinh, nguyên Giám đốc Eximbank Sài Gòn và ông Phạm Duy Hiển, nguyên Phó phòng khách hàng doanh nghiệp. Hai lãnh đạo này bị cáo cuộc "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng".
Trước đó, Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án hình sự tại Eximbank Sài Gòn về các hành vi gồm "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của tổ chức tín dụng", "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
Theo điều tra ban đầu, Công ty TNHH Gia Phát Thành đã có quan hệ tín dụng với Eximbank Sài Gòn để nhập khẩu, kinh doanh hàng hiệu từ Italy. Năm 2012, công ty này đã vay vốn của Eximbank Sài Gòn để nhập khẩu các lô hàng hiệu.
Thời điểm đó, ông Phạm Duy Hiển đã trình hồ sơ vay vốn của Công ty TNHH Gia Phát Thành cho Giám đốc Huỳnh Thị Trinh. Bà Trinh đã ký hợp đồng tín dụng hạn mức tới 150 tỷ đồng cho doanh nghiệp này mà không có tài sản đảm bảo (!?).
Đáng chú ý, quá trình thẩm định hồ sơ vay vốn đã có những vi phạm như: chấp nhận báo cáo tài chính chưa được kiểm toán, không kiểm tra hàng lưu kho, nhập khẩu… Cán bộ ngân hàng đã đánh giá không đúng năng lực tài chính của khách hàng.
Eximbank gặp "vận rủi" vì hàng hiệu Milano?
Theo nguồn tin riêng của Thời báo Kinh Doanh, một trong số các khoản nợ vay bị thiệt hại mất vốn của Công ty TNHH Gia Phát Thành là vay để nhập khẩu hàng hiệu cuối năm 2012.
Tuy nhiên, thương vụ làm ăn đã bị "đổ bể" khi cơ quan chức năng phát hiện nhiều lô hàng hiệu của công ty này là hàng nhập lậu. Đến khi bán thanh lý toàn bộ lô hàng hiệu bị bắt giữ với giá "bèo", tiền thu về chỉ còn một phần rất nhỏ so với số nợ phải trả.
Do vi phạm cho vay, dẫn tới thiệt hại vốn, "ngân hàng đã xử lý các cán bộ liên quan, trong đó, có bà Trinh bị kỷ luật, miễn nhiệm Giám đốc"- nguồn tin cho biết.
Được biết, ngoài danh tính 2 cán bộ bị bắt giam được công bố, hiện còn một số cán bộ khác của Eximbank cũng đang trong diện "phải phục vụ điều tra". Hiện, vụ án sai phạm cho vay xảy ra tại Eximbank đang được điều tra làm rõ và truy nã Việt kiều Trần Anh Tuấn (quốc tịch Mỹ) là ông chủ thực sự của doanh nghiệp này.
Tài sản "mù mờ"
Theo tìm hiểu, bà Huỳnh Thị Trinh, nguyên Giám đốc Eximbank Sài Gòn, được đánh giá là cán bộ có năng lực, rất giỏi về thanh toán quốc tế. Trong quan hệ tín dụng với Công ty TNHH Gia Phát Thành, bà Trinh đã duyệt cho vay theo hình thức tín chấp, không cần tài sản bảo đảm.
Trước thời điểm xảy ra vụ gian lận nhập khẩu hàng hiệu (tháng 11/2012), chuỗi cửa hàng kinh doanh của Gia Phát Thành rất nổi tiếng, doanh thu và lợi nhuận tốt. Nhưng sau tai tiếng "hàng hiệu Italy đội lốt hàng Trung Quốc", việc kinh doanh đã bị ảnh hưởng nặng nề.
Được biết, Công ty TNHH Gia Phát Thành (trụ sở tại 40/17/1 Nguyễn Văn Đậu, P6, Quận Bình Thạnh, Tp.HCM) thành lập từ năm 2009, được Tuấn giao cho Trương Hoàng Linh đứng tên làm Giám đốc - Người đại diện pháp luật.
Từ một cửa hàng nhỏ, công ty này đã mở được 3 cửa hàng Milano và Gucci tại khách sạn Sheraton (Quận 1, Tp.HCM), cửa hàng Milano tại 63 Lý Thái Tổ (Hà Nội).
Các cửa hàng chuyên bán hàng hiệu "xịn" nhập khẩu từ Italy, như: giầy dép, túi xách, mỹ phẩm, nước hoa, phụ kiện các loại của nhiều thương hiệu nổi tiếng Gucci, Milano, D&G, Roberto Cavalli… Việc kinh doanh hàng hiệu của Gia Phát Thành cũng rất "phát".
Để có tiền nhập hàng, Công ty TNHH Gia Phát Thành đã mở thư bảo lãnh tín dụng (L/C) tại ngân hàng để thanh toán cho đối tác nước ngoài. Thông thường, hình thức bảo lãnh L/C có thể tách rời hoặc đi kèm trong các hợp đồng hạn mức tín dụng mà ngân hàng cấp cho doanh nghiệp (có tài sản bảo đảm, hoặc tín chấp, giá trị khoản bảo lãnh không vượt quá hạn mức tín dụng).
Thế nhưng, cuối 2012, Công an Tp.HCM đã phát hiện, bắt giữ các lô hàng hiệu nhập lậu của cửa hàng Gucci, Milano tại khách sạn Sheraton với giá trị lên tới 32,7 tỷ đồng. Mặc dù là hàng mua từ Italy, Ấn Độ, Hy Lạp… nhưng được khai báo nhập từ HongKong, gắn mác Trung Quốc nhằm trốn thuế hơn 552 triệu đồng.
Còn lô hàng hiệu bị bắt ở Hà Nội có giá trị 29 tỷ đồng. Một số lô hàng hiệu đã được bán thanh lý để sung quỹ nhà nước, song số tiền thu hồi được rất thấp so với giá trị hàng hóa.
Từ "vận rủi" của doanh nghiệp, Eximbank Sài Gòn hiện đang phải chịu thiệt hại vốn tới 160 tỷ đồng. Hiện, chưa rõ ngân hàng sẽ xử lý trách nhiệm của cấp có thẩm quyền phê duyệt hạn mức tín dụng tới 150 tỷ đồng và thu hồi khối nợ xấu như thế nào?
Hải Hà