Mới đây, ngày 2/8, ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) đã gửi thông báo giữ lại tiền của khách sạn sử dụng dịch vụ MO KeyEnter.
Cụ thể, ngân hàng sẽ ghi nhận “báo Có sau 120 ngày kể từ ngày tổng kết thanh toán đối với các giao dịch thanh toán thẻ MO Key Enter. Không áp dụng cho các trường hợp có ký quỹ/cầm cố thực hiện giao dịch MO”.
Khách hàng chịu thiệt!
Quy định mới này khiến các khách sạn đang có liên kết bán sản phẩm dịch vụ thông qua Agoda và Expedia bất ngờ, không đồng tình. Chị K, chủ khách sạn Legenda Tây Hồ (quận Tây Hồ, Hà Nội), cho biết từ nhiều năm nay, khách sạn phải liên kết với đối tác Agoda để khai thác phòng khách sạn trực tuyến, tăng doanh thu…
“Agoda chỉ định chúng tôi phải mở tài khoản tại Eximbank để họ chuyển tiền đặt phòng. Mọi thủ tục giao dịch với đối tác rất nhanh chóng, không gặp vấn đề rắc rối nào. Ngân hàng cũng chưa từng có bất kỳ cảnh báo rủi ro nào, mà giờ đột nhiên lại đòi giữ tiền thanh toán tận 4 tháng là bất hợp lý”- chị K nói.
Trong khi đó, phía Eximbank lại giải thích rất sơ sài về nguyên nhân phải áp dụng biện pháp giữ tiền của khách sạn. Thông báo của Eximbank gửi khách hàng cho hay, gần đây hoạt động an ninh thẻ tại Việt Nam diễn biến phức tạp, nhiều đối tượng sử dụng, thanh toán thẻ giả mạo bị bắt giữ.
Tổ chức thẻ quốc tế đưa ra quy định:_“Khung thời gian để ngân hàng phát hành khiếu nại giao dịch thanh toán MO Key Enter là 120 ngày kể từ ngày tổng kết thanh toán”. Do đó, Eximbank tuân thủ theo quy định này và áp dụng biện pháp giữ lại tiền để nhằm giảm thiểu rủi ro cho hoạt động thẻ.
Theo chị K, với quy định mới này của Eximbank, đối tác Agoda đã chuyển tiền thanh toán tiền đặt phòng nhưng phải sau 120 ngày, tài khoản của khách sạn mới ghi nhận có tiền.
![]() |
Eximbank áp dụng biện pháp giữ tiền 120 ngày của khách sạn
Hiện nay, rất nhiều khách sạn lớn nhỏ tại Việt Nam đang có liên kết bán dịch vụ qua Agoda và Expedia nên số tiền bị ngân hàng “găm” lại không hề nhỏ. Chính sách giữ tiền thanh toán MO KeyEnter 120 ngày chẳng khác nào ngân hàng đang “chiếm dụng” tiền trên tài khoản của khách hàng mà không hề trả lãi suất.
“Chúng tôi kinh doanh dịch vụ đã rất khó khăn trong thời điểm này, dòng tiền rất cần luân chuyển để tăng hiệu quả. Thế mà ngân hàng tuyên bố giữ lại tới 4 tháng mới trả tiền về tài khoản của doanh nghiệp thì chắc chết!”- chủ khách sạn Legenda Tây Hồ ấm ức nói.
Chị K cũng cho rằng ngân hàng phải có trách nhiệm đảm bảo an toàn giao dịch, nâng cao bảo mật hệ thống chứ để phòng ngừa rủi ro tội phạm thẻ tấn công, chứ không thể giữ tiền, chờ xử lý khiếu nại xong mới trả tiền cho khách hàng.
Đã phát hiện gian lận thẻ?
Ngày 22/8, Eximbank đã có văn bản phản hồi, giải thích về chính sách giữ lại tiền đối với dịch vụ thanh toán MO KeyEnter tận 120 ngày nêu trên. Theo ngân hàng này, đây là quy định của Tổ chức thẻ quốc tế để chủ thẻ có thời gian khiếu nại và ngân hàng cũng chủ động xử lý nếu có xảy ra việc gian lận, giả mạo thẻ, đảm bảo an toàn hoạt động giao dịch thẻ.
Trước câu hỏi “Eximbank đã phát hiện vụ việc lừa đảo, gian lận thẻ thông qua các giao dịch đặt phòng trên Agoda, Expedia nào hay chưa?”, Eximbank xác nhận đã phát sinh trường hợp thanh toán thẻ giả mạo thông qua hình thức MO KeyEnter. Phía ngân hàng không tiết lộ chi tiết mà chỉ cho biết đã báo cáo sự việc với cơ quan công an.
Trong lúc này, để đảm bảo an toàn giao dịch thanh toán thẻ, Eximbank đã gửi công văn thông báo tới đơn vị chấp nhận thẻ của Eximbank về chính sách giữ lại tiền với dịch vụ thanh toán MO KeyEnter.
Thời gian áp dụng từ ngày 1/8/2016. Đồng thời, ngân hàng đề nghị khách hàng ký thêm phụ lục hợp đồng thanh toán thẻ để tiếp tục sử dụng dịch vụ”- thông báo nêu rõ.
Có thể hiểu, khách hàng muốn sử dụng tiếp dịch vụ thu hộ tiền thanh toán MO Key Enter sẽ phải thoả thuận lại, ký phụ lục hợp đồng với Eximbank về điều khoản chấp nhận chính sách giữ lại tiền 120 ngày.
Trường hợp khách hàng không đồng ý việc ngân hàng giữ lại tiền, phía cán bộ Eximbank cũng tư vấn “có xác nhận lại” và tìm ngân hàng khác có dịch vụ thu hộ tương tự để tiếp tục giao dịch. Quyết định áp dụng chính sách kiểm soát giao dịch thanh toán thẻ của Eximbank được đưa ra sau khi xảy ra hàng loạt vụ trộm tài khoản ngân hàng, thẻ visa.
Mới đây, chủ thẻ của Vietcombank đã bị rút trộm 500 triệu đồng trên tài khoản thẻ ATM, chuyển trót lọt ra nước ngoài 200 triệu đồng. Vụ việc này đã gây hoang mang, lo sợ cho hàng trăm nghìn người dùng thẻ vì sự cố mất tiền, trộm tiền trong các giao dịch trực tuyến ngày càng tinh vi, khó lường hơn, khó ngăn chặn… Những phi vụ phạm tội lừa đảo, gian lận thẻ gần đây cho thấy kẻ gian đã rút tiền từ tài khoản của chủ thẻ rồi chuyển tiền thanh toán trực tuyến cho các dịch vụ như: đặt phòng khách sạn, mua vé máy bay, mua hàng hiệu, cá độ bóng đá… sau đó, đã rút tiền trót lọt.
Do đó, không chỉ nâng cao bảo mật hệ thống, các ngân hàng cần có những giải pháp để phát hiện, cảnh báo và ngăn chặn kịp thời các giao dịch bất thường, phi pháp.
Hải Hà