![]() |
VnDirect dự báo lãi suất tiết kiệm sẽ tăng nhẹ 25-30 điểm cơ bản trong nửa cuối năm 2021. |
Theo phân tích của công ty chứng khoán VnDirect, trong tháng 5, lãi suất tiết kiệm của một số Ngân hàng thương mại cổ phần tăng 3-4 điểm phần trăm, trong khi lãi suất huy động ở nhà băng có quy mô lớn không đổi.
Chuẩn bị cho kinh tế phục hồi
Tuy nhiên, bước sang tháng 6, một số ngân hàng vốn giữ ổn định ở nhiều tháng trước thì trong tháng 6 lại bất ngờ tăng nhẹ lãi suất. Chẳng hạn, tại TPBank, trong tháng 6 ngân hàng này bổ sung thêm gói tài khoản Đắc Lộc với lãi suất cao nhất ở kỳ hạn 12 tháng là 6,5%/năm, cao hơn 0,5 điểm phần trăm so với lãi suất gửi tiết kiệm thông thường.
Đáng chú ý, trong tháng này VPBank đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động. Hiện ngân hàng đang có lãi suất cao nhất là 6,2%/năm cho gói tiết kiệm Phát lộc Thịnh vượng kỳ hạn 36 tháng và trên 50 tỷ đồng.
Nguyên nhân là kể từ tháng 6, các chương trình tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 được triển khai mạnh mẽ, thị trường dự báo tới đây hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ phục hồi bình thường, vì thế nhu cầu vốn sẽ nhiều lên.
Do vậy ngay từ bây giờ các ngân hàng đã tính toán tăng lãi suất huy động, vì nếu tăng sớm thì ngân hàng sẽ thu hút được dòng vốn nhàn rỗi trên thị trường và chi phí bỏ ra sẽ thấp hơn. Chưa kể khi đó có khả năng kênh bất động sản ấm lại, khi đó ngân hàng phải cạnh tranh thu hút vốn với kênh này và kênh chứng khoán.
Tuy nhiên, liệu đây có phải là dấu hiệu cho một cuộc đua tăng lãi suất trong thời gian tới?
Theo quan điểm của các chuyên gia đến từ công ty chứng khoán VnDirect, dư địa cho cắt giảm lãi suất trong thời gian tới là tương đối hạn chế bởi áp lực lạm phát cao hơn trong 6 tháng cuối năm 2021 do giá dầu thô thế giới tăng. Bên cạnh đó, cơn sốt giá bất động sản tại một số tỉnh, thành phố tăng mạnh trong những tháng đầu năm sẽ khiến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thận trọng hơn trong việc tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ.
Các nhà phân tích kỳ vọng, lãi suất tiết kiệm sẽ tăng nhẹ 25-30 điểm cơ bản trong nửa cuối năm 2021 do nhu cầu tín dụng tăng trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi và áp lực lạm phát cao hơn vào nửa cuối năm so với mức 6 tháng đầu năm, dự báo sẽ ở mức 3,5-4%.
Hơn nữa, các ngân hàng thương mại cần duy trì mặt bằng lãi suất huy động hấp dẫn nhằm huy động vốn trong bối cảnh cạnh tranh cao hơn từ các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán.
“Sóng” tăng lãi suất sẽ lan rộng?
Hầu hết các chuyên gia kinh tế cho rằng, NHNN đang thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt rất tốt, trong bối cảnh lạm phát có nguy cơ tăng, NHNN sẽ giám sát chặt chẽ để lạm phát đi đúng mục tiêu.
Theo bà Phạm Thị Hoàng Anh, Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học Ngân hàng, điều hành chính sách lãi suất hay tỷ giá của NHNN từ xưa đến nay đều được quyết định dựa trên nền tảng các yếu tố nội tại của nền kinh tế vĩ mô trong nước (trên 90%) và thông điệp điều hành của NHNN là "thận trọng và linh hoạt".
Tất nhiên trừ trường hợp có những cú sốc lớn ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế toàn cầu. Chẳng hạn như đại dịch Covid-19, trong bối cảnh đó tất cả các nước đều nới lỏng tiền tệ, hạ lãi suất và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ, thậm chí Việt Nam còn mạnh tay hơn trong việc giảm lãi suất.
Chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển cho rằng, hiện nay, nhiều DN vẫn đang rất khó khăn, không có khả năng trả nợ đúng hạn và đang được ngân hàng giãn nợ theo Thông tư 03/2021TT-NHNN.
Trong khi đó, quý I/2021, các ngân hàng báo lãi rất lạc quan, nhưng thực tế nhiều ngân hàng đang phải đối mặt với nợ xấu và không thu hồi được dòng tiền. Vì vậy, nhiều ngân hàng TMCP hạng trung và nhỏ phải tăng lãi suất để thu hút tiền gửi nếu không được hỗ trợ thanh khoản.
Tuy nhiên, 5 năm nay NHNN quản lý chặt về việc tăng lãi suất huy động vốn, nên sẽ không xảy ra tình trạng như năm 2012. Nhưng xu thế tăng lãi suất huy động lên 0,5% - 1% ở kỳ hạn 1 năm là có khả năng xảy ra
“Lãi suất có tăng hay không phụ thuộc vào chủ trương và biện pháp thực hiện NHNN hỗ trợ các ngân hàng thiếu thanh khoản. Nhưng lãi suất huy động năm nay sẽ không có đột biến. Riêng lãi suất cho vay sẽ có sự phân hóa. Doanh nghiệp tốt vẫn được hưởng lãi suất cho vay thấp, còn với các doanh nghiệp có độ rủi ro cao, ngân hàng sẽ phải tăng lãi suất để bù đắp rủi ro”, ông Hiển nói.
Nhận định về hướng đi lãi suất trong 6 tháng cuối năm, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) cho rằng, mặt bằng lãi suất trên thị trường có thể đi lên. Nhưng mức độ tăng của lãi suất như thế nào còn phụ thuộc nhiều yếu tố, nhất là liên quan đến bối cảnh phục hồi kinh tế và lạm phát cả trong nước và thế giới.
Theo đó, với tình hình trong nước, dù tiến trình phục hồi kinh tế chưa mạnh nhưng xu hướng chung là phục hồi, thậm chí có đà tăng so với nhiều quốc gia khác trong khu vực. Lạm phát cũng có xu hướng tăng nhưng không cao, nên lãi suất khó hạ, mà có thể tăng nhẹ.
Ngoài ra, tình hình lãi suất còn phụ thuộc vào chính sách điều hành của NHNN. Trong tình hình kinh tế còn khó khăn, chịu nhiều ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 thì NHNN sẽ không tăng lãi suất, mà sẽ duy trì chính sách lãi suất như hiện tại cho đến cuối năm. Hơn nữa, tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đã đạt mức khá cao so với cùng kỳ năm trước do kinh tế phục hồi, cầu tín dụng tăng trở lại, vì thế lãi suất sẽ càng ít có cơ hội giảm xuống.
Huyền Anh