Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, trong tháng 11 này, NHNN sẽ chính thức ban hành Thông tư về cho vay tài chính tiêu dùng và bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2017. Thông tin này được các chuyên gia tài chính đánh giá là cho vay tiêu dùng có rất nhiều dư địa để tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới.
Bước ngoặt cho thị trường
Trong dự thảo cho vay tiêu dùng công bố lần thứ hai, NHNN đã cho phép các bên tự thỏa thuận về lãi suất. Trên căn cứ này, dự thảo thông tư không quy định về mức trần lãi suất cho vay tiêu dùng. Như vậy, mức trần 20% mà BLDS 2015 đưa ra sẽ không áp dụng với các công ty tài chính (CTTC) cho vay tiêu dùng.
Tuy nhiên, trường hợp khách không trả đúng hạn phải trả cho các CTTC tiền lãi vay chậm theo mức lãi suất do công ty tài chính và khách hàng thỏa thuận, nhưng không vượt quá 10%/năm tính trên số lãi tiền vay chậm trả trong thời gian chậm trả.
Phát biểu về thông tin này, một số chuyên gia cho rằng sự ra đời của Thông tư này là rất cần thiết cho thị trường cho vay tiêu dùng trong bối cảnh bùng nổ các nhu cầu của người dân hiện nay.
Thực tế, thời gian qua, tín dụng tiêu dùng đang có sự tăng trưởng mạnh mẽ, năm 2014, dư nợ đạt 10,5 tỷ USD, đến cuối năm 2015 đã tăng lên 44%, đạt 15,12 tỷ USD. Đáng nói, vay tín dụng tiêu dùng đang phát triển tập trung chủ yếu vào nhu cầu sửa chữa nhà, mua nhà để ở (chiếm khoảng 49,7%), mua đồ dùng, trang thiết bị (23,1%) và phương tiện đi lại (9,4%).
![]() |
Cho vay tiêu dùng có rất nhiều dư địa để tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới
Theo đánh giá của các chuyên gia tài chính, đây sẽ là một kênh “kiếm lời lớn” cho các ngân hàng. Bởi vậy, thời gian tới, sẽ có thêm nhiều CTTC được thành lập là “sân sau” của các ngân hàng thương mại.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến lo ngại rằng nếu thả lỏng lãi suất sẽ nảy sinh các khoản “vay nặng lãi”. Trong một cuộc khảo sát gần đây, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) từng đưa ra con số lãi suất vay tiêu dùng gây giật mình, đến 60%-70%/năm. Cục này cũng từng cảnh báo người tiêu dùng cân nhắc kỹ trước khi vay.
Liên quan đến câu chuyện lãi suất này, một số chuyên gia cho rằng thực tế, hầu hết người vay tiêu dùng là khách hàng có thu nhập trung bình hoặc thấp, không ổn định, có nhu cầu các khoản vay trị giá nhỏ, thời gian ngắn, nên độ rủi ro cao. Ts Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng: “Để bù trừ được rủi ro tín dụng khi cho vay tiêu dùng, khi tính rủi ro càng cao thì lãi suất sẽ càng cao”.
Nên tách bạch hoạt động TCTD
Một số quan điểm cho rằng hoạt động tín dụng tiêu dùng chủ yếu được cung cấp bởi ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng. Vì vậy cần có văn bản quy phạm pháp luật riêng để điều chỉnh hoạt động của hai tổ chức này.
Theo phân tích của các chuyên gia tài chính, có nhiều sự khác biệt trong nghiệp vụ cho vay tiêu dùng của công ty tài chính và của các ngân hàng thương mại. Nếu như các ngân hàng thương mại có thể cho vay tiêu dùng với số tiền lớn (chiếm đến 70-80% giá trị tài sản khoản vay) như mua nhà ở, mua ô tô… trong thời gian lên đến 20 năm, thì các công ty tài chính cho vay tiêu dùng với thời hạn tối đa là 5 năm với các khoản vay nhỏ như vay mua điện thoại, máy tính…
Điều kiện cho vay của công ty tài chính và ngân hàng thương mại cũng rất khác biệt nhau. Các ngân hàng thương mại thường có quy trình xét duyệt khoản vay kéo dài, thủ tục tương đối phức tạp (từ 7 ngày trở lên) thì ngược lại công ty tài chính lại chú trọng yếu tố thuận tiện, đơn giản, nhanh chóng, phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của khách hàng (khoảng 1 giờ).
Về quản trị rủi ro, các ngân hàng thương mại sử dụng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ để đánh giá khách hàng như các sản phẩm tín dụng khác. Trong khi đó, các tổ chức tín dụng lại sử dụng thẻ chấm điểm tín dụng để đánh giá khách hàng vay để áp một mức lãi suất phù hợp. Như vậy, rủi ro sẽ cao hơn nhiều.
Từ thực tế trên, nhiều chuyên gia kiến nghị cần có hành lang pháp lý riêng, quy định cụ thể hơn, phân định rõ hơn các loại hình cho vay tiêu dùng. Có như vậy mới tạo được sự cạnh tranh bình đẳng cho các tổ chức tín dụng, phù hợp với các thông lệ quốc tế, hơn cả là mang lại nhiều lợi ích cho chính người tiêu dùng Việt Nam.
Huyền Anh