Cho vay mua nhà ở và sửa chữa, cải tạo nhà chiếm 25% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản. |
Cùng với chứng khoán, bất động sản được xếp vào nhóm lĩnh vực cho vay tiềm ẩn nhiều rủi ro với các ngân hàng. Vì vậy, trong nhiều quyết sách, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước luôn yêu cầu kiểm soát chặt tín dụng cho vay trong những lĩnh vực này.
Theo đó, tỷ trọng dư nợ tín dụng bất động sản giảm dần trong 5 năm trở lại đây, từ 8,05% xuống còn 6,47% trong năm 2019, giảm còn 6,3% trong quý I/2020 và quý II/2020 tăng nhẹ lên 6,48%. Dự báo trong quý III/2020 dư nợ tín dụng bất động sản vẫn nằm trong ngưỡng an toàn theo thông lệ (khoảng 6,3% - 7%).
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến 30/6/2020 dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 580.168 tỷ đồng.
Trong đó, dư nợ tín dụng đối với các dự án khu đô thị, dự án phát triển nhà ở và sửa chữa, cải tạo nhà đạt 145.099 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 25% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản. Dư nợ tín dụng đối với các dự án văn phòng (cao ốc) cho thuê đạt 40.396 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 7% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.
Dư nợ tín dụng đối với các dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất đạt 21.177 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 3,7% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản. Dư nợ tín dụng đối với các dự án khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng đạt 21.436 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 3,7% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.
Dư nợ tín dụng đối với các dự án nhà hàng, khách sạn đạt 54.585 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 9,4% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản. Dư nợ tín dụng đối với cho vay xây dựng, sửa chữa nhà để bán đạt 84.720 tỷ đồng, chiếm 14,6% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.
Dư nợ tín dụng đối với cho vay mua quyền sử dụng đất đạt 65.420 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 11,3% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản. Dư nợ tín dụng đối với đầu tư kinh doanh bất động sản khác đạt 147.335 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 25,3% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.
Theo các chuyên gia, từ đầu năm đến nay các doanh nghiệp đã bị tác động bởi dịch Covid-19 khiến sản xuất kinh doanh đình trệ, kéo theo nhu cầu tín dụng giảm mạnh. Trong bối cảnh nhu cầu tín dụng thấp, nỗ lực đẩy mạnh tín dụng là không dễ dàng. Vì vậy, để hỗ trợ cho nền kinh tế nói chung và lĩnh vực bất động sản nói riêng các ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay để kích cầu.
Theo đó, từ đầu tháng 8, hàng loạt ngân hàng đã đồng loạt cắt giảm lãi suất cho vay trong lĩnh vực bất động sản xuống mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.
Chẳng hạn, đối với gói vay mua nhà, xây, sửa nhà, đang được các ngân hàng nước ngoài cho vay ở mức từ 6,5-8,8% áp dụng cố định cho khoản vay từ 1 - 3 năm. Trong khi đó dù các ngân hàng trong nước cho vay cao hơn, phổ biến dao động từ 7,7 - 10%/năm trong, nhưng so với đầu năm lãi suất cho vay đã giảm từ 1-2%/năm.
Trước đó, để hỗ trợ thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, trong điều hành tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện nhiều giải pháp kiểm soát tín dụng để hạn chế rủi ro đối với lĩnh vực này, nhất là kiểm soát tín dụng đối với các dự án phân khúc cao cấp, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, hướng dòng vốn vào nhu cầu thực.
Chỉ xem xét cấp tín dụng đối với các dự án, phương án vay vốn khả thi, bảo đảm tính pháp lý, khách hàng có khả năng trả nợ đầy đủ, đúng hạn.
TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia cũng cho rằng, để tránh bài học tín dụng bất động sản tăng cao như thời kỳ 2008-2009 để lại bài học nợ xấu mà ngành ngân hàng vẫn đang xử lý thì việc kiểm soát chặt tín dụng bất động sản là cần thiết.
“Tín dụng ngân hàng nên hướng vào nhu cầu thực là người vay mua nhà, thay vì tín dụng bất động sản đầu tư, kinh doanh hay đẩy mạnh vốn cho chủ đầu tư dự án”, ông cho hay.
Huyền Anh