Dư nợ lĩnh vực nông nghiệp nông thôn hiện chiếm gần 25% tổng dư nợ cả nước. |
Từ năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 bùng phát khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh nói chung bị ảnh hưởng nặng nề, lĩnh vực nông nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, sự hỗ trợ của đồng vốn ngân hàng trong việc duy trì chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản không chỉ giúp người nông dân tiêu thụ sản phẩm, mà còn giúp không ít doanh nghiệp duy trì, mở rộng sản xuất.
Ngân hàng luôn đồng hành
Diễn biến dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam phức tạp trở lại, khi có thêm nhiều ca nhiễm trong cộng đồng tại nhiều địa phương. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đã và đang chịu ảnh hưởng nhất định, nhất là khả năng tiếp cận với nguồn vốn.
Mặc dù các ngân hàng khẳng định luôn ưu tiên vốn vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao, song thực tế các doanh nghiệp và HTX vẫn gặp nhiều khó khăn trong quá trình tiếp cận nguồn vốn đầu tư.
Theo phản ánh của ông Nguyễn Thanh Tân, Giám đốc HTX nuôi lươn Thanh Tân (Nghệ An), nhu cầu thị trường rất lớn, nhưng HTX chỉ mới đáp ứng được 1%. HTX không thể mở rộng sản xuất bởi thiếu vốn. “Ngân hàng sẵn sàng cho vay nhưng vẫn đòi hỏi phải có tài sản thế chấp. Trong khi đó, tài sản đất đai của tôi hầu hết là đất thuê, nên khi thẩm định, giá trị tài sản để cho vay không lớn, số tiền vay được không đáp ứng được nhu cầu”, ông Tân nói.
Khó khăn của các doanh nghiệp, HTX, theo đó cũng tác động đến chất lượng tín dụng, khiến nợ xấu gia tăng.
Báo cáo tài chính quý I/2021 cho thấy, có đến 20/26 ngân hàng ghi nhận nợ xấu tăng. Trong đó BIDV, VietinBank, VPBank có số nợ xấu lớn nhất hệ thống, lần lượt là hơn 21.700 tỷ đồng, 8.900 tỷ đồng và 10.400 tỷ đồng.
Đáng lưu ý, nhiều ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh như ACB tăng 61%, Vietcombank tăng 47%, MB tăng 28,8%.
Hoạt động cho vay của các ngân hàng thương mại luôn tiềm ẩn rủi ro, cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp không ngoại lệ, bởi các yếu tố bất ổn như: thời tiết, thiên tai, giá cả thị trường...
Để hạn chế rủi ro đó, các ngân hàng thương mại đã không ngừng nâng cao chất lượng tín dụng bằng nhiều biện pháp như: Đa dạng hoá các dịch vụ tài chính để có thể tài trợ cho khách hàng từ đầu vào, lưu kho cho đến bán sản phẩm đầu ra và thu được tiền. Tuy nhiên, một trong những biện pháp để tài trợ và kiểm soát dòng tiền của khách hàng vay trong lĩnh vực nông nghiệp là cho vay theo chuỗi giá trị.
Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), tính đến ngày 16/4/2021, tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt hơn 2,3 triệu tỷ đồng, tăng 2,4% so với năm 2020 và chiếm tỷ trọng 24,6% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.
Riêng đối với các mô hình, dự án nông nghiệp lớn đầu tư theo dạng liên kết chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao của các doanh nghiệp, các ngân hàng hiện đang cho vay hàng trăm nghìn tỷ đồng.
Điển hình, Agribank hiện đang có dư nợ tại hơn 20 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và 29 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được các cơ quan nhà nước cấp phép đã đi vào hoạt động. Hàng trăm tập đoàn lớn và công ty liên kết với nông dân sản xuất hàng hóa trên diện tích hơn 400.000 ha. Để giúp các doanh nghiệp, tập đoàn, trang trại này tổ chức sản xuất theo chuỗi và hợp tác liên kết quy mô lớn, Agribank đã đổ vào đây hàng nghìn tỷ đồng với hàng loạt chương trình, chính sách cho vay ưu đãi.
Hay như Vietcombank tài trợ 550 tỷ đồng cho dự án sản xuất thức ăn chăn nuôi của CTCP Tập đoàn Dabaco; Dự án chăn nuôi bò, lợn, gà công nghệ cao của nhóm các công ty nông nghiệp của Tập đoàn Hòa Phát, dư nợ khoảng 575 tỷ đồng; dự án trồng hoa của CTCP Công nghệ sinh học rừng hoa Đà Lạt, dư nợ 46 tỷ đồng.
Tương tự, BIDV cũng dành hàng nghìn tỷ đồng cho vay sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, như: dự án trồng cây ăn quả của CTCP Quốc tế nông nghiệp Hoàng Anh Gia Lai, dư nợ trên 721 tỷ đồng; dự án nuôi cấy, trồng lan và bán hoa lan của CTCP Agritech, dư nợ trên 11,3 tỷ đồng…
Giảm rủi ro cho vay theo chuỗi
Rõ ràng, cho vay theo chuỗi giá trị giúp các ngân hàng có thể hạn chế được rủi ro trong cho vay, nhờ kiểm soát được dòng tiền. Đồng thời, việc này vừa giúp Chính phủ thực hiện các chính sách đã đề ra nhằm hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp. Các nhà băng tham gia cho vay theo chuỗi giá trị nông nghiệp tuy có phát sinh nợ xấu nhưng tỷ lệ nợ xấu không đáng kể.
Hầu hết các ngân hàng đều đánh giá, cho vay theo chuỗi giá trị nông nghiệp là một mảng kinh doanh tiềm năng và có triển vọng. Đại diện VietinBank cho biết, với ngân hàng, cho vay theo chuỗi giá trị giúp kiểm soát dòng tiền trong chuỗi, tiết kiệm chi phí cho vay và bán chéo được sản phẩm.
TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho biết, phát triển nông nghiệp công nghệ cao là xu hướng tất yếu, đã và đang tạo ra động lực mới cho nền nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh biến đổi khí hậu, cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế sâu rộng... Nhiều cơ chế, chính sách đã được ban hành; việc cung ứng vốn và công nghệ cho lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn - nông dân đã đạt được nhiều kết quả rất tích cực, đáng ghi nhận”.
“Agribank luôn xác định cho vay nông nghiệp - nông thôn, trong đó có nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, là lĩnh vực ưu tiên và dành nhiều ưu đãi cho khách hàng thuộc lĩnh vực này. Do đó, Agribank đã giảm lãi suất cho vay từ 0,5-1,5%/năm cho khách hàng tham gia vào chuỗi sản xuất nông nghiệp sạch tùy từng trường hợp cụ thể”, ông Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng giám đốc Agribank khẳng định.
Trong đó, Agribank cam kết cung ứng đầy đủ các dịch vụ tài chính, ngân hàng cho hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, đảm bảo đủ điều kiện để triển khai các mô hình Hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; mô hình Hợp tác xã phát triển sản xuất gắn với chuỗi giá trị sản phẩm.
Để góp phần cung ứng vốn kịp thời, đầy đủ, khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đại diện Agribank cho rằng, Nhà nước sớm ban hành quy định đối với việc thực hiện hợp đồng liên kết theo chuỗi giá trị trong nông nghiệp, trong đó nêu rõ chế tài đối với các bên tham gia nhằm hạn chế những rủi ro và bảo đảm sự bền vững trong liên kết chuỗi giá trị nông sản.
Ví như đối với chuỗi lúa gạo và trái cây, cần có các giải pháp như: Tập trung cho vay doanh nghiệp đầu mối, HTX căn cứ trên hợp đồng liên kết rõ ràng, có lịch sử tín dụng và lịch sử tuân thủ hợp đồng hợp tác tốt; Phát triển các sản phẩm cho vay, dịch vụ ngân hàng: cho vay ngắn hạn, trung dài hạn, từng lần, hạn mức, bảo lãnh…
Bên cạnh đó là các quy định về bảo hiểm trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, nhằm hạn chế những tổn thất, rủi ro, có chính sách khuyến khích phát triển thị trường bảo hiểm nông nghiệp.
Để giải bài toán tiếp cận vốn, nhiều chuyên gia cũng cho rằng các Bộ, ban, ngành liên quan cần đưa ra hướng dẫn chi tiết hơn để chấp thuận các tài sản như nhà kính, nhà lưới, ao nuôi… trở thành tài sản đảm bảo vay nợ, tạo điều kiện cho người nông dân vay vốn ưu đãi.
Huyền Anh
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ. |