Ngân hàng chỉ huy động cầm chừng để giữ khách hàng và để dự trữ khi nền kinh tế bật dậy. |
Đánh giá về lãi suất cho vay từ nay đến cuối năm, TS. Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia tài chính – ngân hàng cho rằng, tăng trưởng tín dụng từ nay đến cuối năm khó “bứt tốc” do “sức khoẻ” doanh nghiệp vẫn còn yếu. Điều này dẫn đến lãi suất huy động sẽ tiếp tục hạ do nhu cầu sử dụng vốn thấp, cùng với đó lãi suất liên ngân hàng và lãi suất trái phiếu Chính phủ sẽ khó tăng.
Lãi suất giảm mạnh
Chia sẻ với PV Thời báo Kinh Doanh, ông Hiếu cho rằng, các ngân hàng đang tiếp tục đua nhau giảm lãi suất với hai lý do chính. Đầu tiên là để thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), thứ hai là có quá nhiều dư địa để giảm lãi suất.
Cụ thể, hiện nay ngân hàng không có nhu cầu huy động vốn nhiều vì tăng trưởng tín dụng đang thấp hơn nhiều so với huy động vốn. Theo thống kê mới đây của Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm 22/9/2020, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 7,7% (cùng thời điểm năm 2019 tăng 8,79%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 5,12% (cùng thời điểm năm 2019 tăng 8,51%).
"Ngân hàng chỉ huy động cầm chừng để giữ khách hàng và để dự trữ khi nền kinh tế bật dậy trong những tháng tới. Với điều kiện thanh khoản tốt, tiền dồi dào, ngân hàng không cho vay được nhiều thì giảm lãi suất là đương nhiên", ông Hiếu nói.
Thống kê cho thấy, hiện lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,1%-0,2%/ năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 3,7%-4,1%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,4%-6,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6%-7,1%/năm.
Ngoài ra, NHNN thực hiện nghiệp vụ mua ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối với ước tính đạt gần 10 tỷ USD, tương đương với bơm ra thị trường hơn 23.000 tỷ đồng cũng khiến cung tiền tăng mạnh.
Thanh khoản dư thừa đã khiến lãi suất liên ngân hàng và suất trái phiếu Chính phủ (TPCP) duy trì ở mức thấp từ tháng 5/2020. Trong đó, lãi suất liên ngân hàng áp dụng cho ngày 12/10 ở mức rất thấp, các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 1 tháng lần lượt là 0,1%/năm, 0,18%/năm và 0,76%/năm. Còn lãi suất trúng thầu trái phiếu Chính phủ trong tuần qua cũng có mức giảm lên tới 0,23% tới 0,3% so với lần trúng thầu gần nhất.
Theo ghi nhận của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), tỷ lệ trúng thầu trái phiếu Chính phủ liên tục được duy trì ở mức cao trong 6 tuần gần đây trong khi lãi suất trúng thầu tiếp tục có diễn biến giảm. Với việc thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn dồi dào và tín dụng tăng thấp (tính đến 30.9, tín dụng mới tăng 6,09%), lãi suất trúng thầu trái phiếu Chính phủ có thể sẽ tiếp tục được duy trì ở mức như hiện nay hoặc giảm nhẹ trong những tuần sắp tới.
Nhu cầu sử dụng vốn thấp
Đánh giá về việc lãi suất đồng loạt lao dốc, ông Hiếu cho rằng đây là xu hướng chung do nhu cầu sử dụng vốn đầu tư vào các ngành nghề thấp, khiến lãi suất cho vay sẽ giảm.
Ngay cả Chính phủ, nếu cần tiền sẽ phát hành trái phiếu với lãi suất cao, nhưng khi nhu cầu không lớn thì sẽ phát hành với lãi suất thấp. “Đây là ảnh hưởng chung của thị trường”, ông Hiếu nhận định.
Lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng có chiều hướng giảm kể từ tháng 6/2018 đến nay. |
Tuy nhiên, ông Hiếu cũng cho rằng, dù hiện nay Chính phủ đang dùng nguồn ngân sách lớn để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn bởi dịch Covid-19, nhưng hiện tại nhiều dự án đầu tư công chưa được triển khai nên nhu cầu vốn của Chính phủ xuống thấp. Vì vậy sẽ đẩy mặt bằng lãi suất đi xuống.
Dẫu vậy, vị chuyên gia này cũng khẳng định, nguồn tiền lưu thông đang dồi dào, nhưng không có nghĩa các thành phần kinh tế không cần, mà do nguồn tiền chưa tìm được đích đến. Đây chính là nguyên nhân khiến dòng tiền chuyển từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác. Sự luân chuyển này giúp cho thanh khoản cao tại hệ thống ngân hàng.
Chẳng hạn, nhiều doanh nghiệp chưa có nhu cầu sử dụng vốn, nhưng ngược lại vẫn có một số thành phần kinh tế rất cần tiền như Chính phủ cần tiền để thực hiện các dự án công, nhưng đó là nguồn vốn kỳ hạn dài. Vì vậy, hiện nay lãi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn dài không giảm, nhưng ở kỳ hạn ngắn lại giảm.
Ngoài ra, do thanh khoản các dồi dào nên các ngân hàng đã đẩy mạnh mua trái phiếu Chính phủ, điều này cũng khiến lãi suất giảm. Một chuyên gia cho rằng, mặc dù lãi suất trái phiếu Chính phủ thấp hơn nhiều so với trước đây, song các ngân hàng vẫn buộc phải mua trái phiếu Chính phủ. Sở dĩ như vậy là bởi, theo quy định hiện hành, các ngân hàng thương mại Nhà nước chỉ được cho vay tối đa 90% nguồn vốn huy động, còn với các ngân hàng thương mại cổ phần, tỷ lệ này chỉ là 80%.
Sau khi trừ đi khoản dự trữ bắt buộc, số vốn còn lại sẽ được các nhà băng kinh doanh trên thị trường liên ngân hàng hoặc mua trái phiếu Chính phủ để tối đa hóa lợi nhuận. Nhưng trong bối cảnh thanh khoản dư thừa, lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh, các nhà băng chỉ còn cách đầu tư vào trái phiếu Chính phủ.
“Mua trái phiếu Chính phủ cũng có cái lợi bởi các ngân hàng có thể cầm cố để vay vốn của NHNN mỗi khi thanh khoản gặp khó khăn. Trong khi lãi suất vay cầm cố trái phiếu vừa được cơ quan quản lý giảm về 4%. Đó cũng là một lý do khiến trái phiếu Chính phủ hút hàng và lãi suất trái phiếu Chính phủ giảm”, chuyên gia nói.
Thanh Hoa