Năm 2021, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 12% và sẽ được điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. (Ảnh minh hoạ: Int) |
So sánh mức tăng trưởng tín dụng và GDP của năm 2020 lần lượt là 12,13% và 2,91% với mức tăng trưởng của năm 2019 là 13,65% và 7,02%, khiến nhiều người đặt câu hỏi: tín dụng tăng có thực chất và dòng tiền đang chảy đi đâu?
Lo tín dụng tăng không thực chất
Dòng vốn rẻ đang hỗ trợ sản xuất, kinh doanh là điều không bàn cãi, nhưng cũng rất có lý khi nhiều người nghi ngờ rằng, thị trường không hấp thụ được hết do doanh nghiệp, người dân vẫn còn khó khăn chưa thể hoạt động bình thường trở lại.
Theo TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), mặc dù kinh tế Việt Nam đang ngày càng cần nhiều nguồn cung tiền hoặc tín dụng hơn để tạo ra một đồng GDP, tuy nhiêu hiệu quả tín dụng không thể tụt nhanh như những con số trên thể hiện.
“Tình trạng này chỉ có thể đến từ 3 nguyên nhân chính: tăng trưởng tín dụng là nhờ việc cơ cấu gia hạn/đảo nợ; một lượng tiền lớn đã được hấp thụ bởi trái phiếu chính phủ và có thể tín dụng không trực tiếp đi vào sản xuất mà chủ yếu đi vào các kênh tiêu dùng hàng nhập khẩu (ô tô) và giao dịch tài sản (bất động sản và chứng khoán)”, ông Thế Anh nhận định.
Hoàn toàn có lý khi nhiều người nghi ngờ tín dụng tăng một phần nhờ đảo nợ vì Covid -19 khiến 2,3 triệu tỷ đồng tín dụng bị ảnh hưởng, chiếm 27% tổng dư nợ nền kinh tế. Trong tình thế đó, các ngân hàng buộc phải thực hiện cơ cấu các khoản nợ gốc và lãi đến hạn với thời hạn phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp. Lãi chưa trả có thể phải nhập gốc làm dư nợ tăng lên theo tốc độ bằng lãi suất. (Ngân hàng Nhà nước cho biết đã có khoảng 355.000 tỷ đồng dư nợ được cơ cấu lại).
Về ý kiến cho rằng dòng vốn đang chảy vào chứng khoán bất động sản và những tài sản rủi ro khác, ông Thế Anh khẳng định thực tế chưa có dấu hiệu rõ ràng dòng tiền đang đổ vào kênh đầu tư này, nhưng nỗi lo như vậy không phải là không có cơ sở.
Theo số liệu của Trung tâm Lưu ký chứng khoán, đến hết năm 2020 có 393.659 tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trong nước được mở mới, trong đó nhà đầu tư cá nhân chiếm tới 392.527 tài khoản (99,7%), còn lại là nhà đầu tư tổ chức.
Đây cũng là số lượng tài khoản lớn nhất được nhà đầu tư cá nhân trong nước mở chỉ trong một năm, trong vòng 20 năm qua. Dòng tiền nóng từ nhà đầu tư mới đã khiến thị trường chứng khoán Việt Nam hồi phục mạnh sau cú sốc Covid-19, đạt hơn 1.100 điểm
Theo các chuyên gia chứng khoán, có hiện tượng một số nhà đầu tư cá nhân bán bất động sản, rút tiền tiết kiệm ngân hàng để chuyển sang đầu tư chứng khoán. Đây là điều đáng lo, bởi xu hướng thị trường trong ngắn hạn vẫn còn rất bất ổn.
Manh nha “bong bóng” tài sản?
Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định thanh khoản trên thị trường chứng khoán tiếp tục dồi dào trong năm 2021 nhờ dòng tiền của nhà đầu tư trong nước do nền lãi suất huy động đang ở mức thấp.
Tuy nhiên, VDSC cho rằng việc thị trường tăng nhanh sẽ kích thích việc sử dụng margin của nhà đầu tư cá nhân (hiện đang chiếm đông đảo trên thị trường) làm rủi ro thị trường lên cao.
Trong khi đó, TS. Phạm Thế Anh cũng lo ngại, mặc dù giá cả tiêu dùng khá ổn định nhưng "bong bóng" giá tài sản (bên cạnh nợ xấu) là một rủi ro đáng quan ngại khi chính sách tiền tệ được nới lỏng.
Trong bối cảnh đó, các chuyên gia cho rằng sự thận trọng của chính sách tiền tệ là cần thiết.
Không phải ngẫu nhiên mà ngay từ đầu năm 2021, bên cạnh chủ trương mở rộng tín dụng để hỗ trợ nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã khẳng định quan điểm không hạ chuẩn tín dụng, chỉ tập trung vốn vào lĩnh vực ưu tiên, tiếp tục kiểm soát tín dụng lĩnh vực rủi ro.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, dù có tình trạng rút tiền để đầu tư vào các kênh khác hiệu quả hơn, lợi nhuận cao hơn, nhưng không có chuyện người dân ồ ạt rút tiền gửi ngân hàng. Thanh khoản trên thị trường ngân hàng vẫn dồi dào, dòng vốn rẻ và dòng tiền nhàn rỗi vẫn được hấp dẫn vào các kênh đầu tư và sản xuất.
Ở góc nhìn của một nhà đầu tư, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam nhận xét, hầu hết các nhà đầu tư mới đều thua lỗ tại thị trường này và khuyến cáo nhà đầu tư nên thận trọng. Ngay bản thân ông Khánh cũng đang duy trì tỷ trọng tiền mặt nhất định tại ngân hàng, thay vì mang đi đầu tư gần hết như trước.
Ngoài chứng khoán, một số kênh đầu tư khác cũng chưa có nhiều điểm sáng. Cụ thể, thị trường bất động sản bớt khó khăn, nhất là bất động sản công nghiệp, bất động sản logistics, đất vùng ven, nhà ở phân khúc trung cấp với chủ đầu tư uy tín…, song nhìn chung thị trường đã qua giai đoạn tăng "nóng".
Trong bối cảnh này, nhiều chuyên gia cho rằng, nhà đầu tư nên đa dạng hóa danh mục đầu tư, chú ý giữ tiền mặt với tỷ trọng lớn để sẵn sàng đón cơ hội kinh tế phục hồi, thay vì nôn nóng rót vốn vào các kênh đầu tư rủi ro.
Huyền Anh