Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang phối hợp các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ cho 4 ngân hàng lớn nhất Việt Nam: VietinBank, Vietcombank, BIDV và Agribank.
Theo đó, NHNN chỉ đạo Vietcombank, VietinBank và BIDV xây dựng phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2021 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Với Vietcombank, NHNN đã trình Thủ tướng về phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại ngân hàng này thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phần từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019, 2020 sau khi chia cổ tức bằng tiền mặt. Bên cạnh đó, NHNN cũng trình Thủ tướng Chính phủ và dự thảo Tờ trình Quốc hội về phương án tăng vốn điều lệ của Agribank.
![]() |
Vốn điều lệ của 4 ngân hàng thương mại quốc doanh ở thời điểm hiện tại (đơn vị tính: tỷ đồng). |
Theo số liệu của NHNN, tính đến cuối tháng 1 năm nay, vốn điều lệ của 4 ngân hàng thương mại Nhà nước trên đạt 180.400 tỷ đồng. Tổng tài sản đạt hơn 7,3 triệu tỷ đồng.
Trong nhóm này, BIDV là ngân hàng có vốn lớn nhất, với vốn điều lệ hiện tại là 50.585 tỷ đồng. Trong đó, phần vốn nhà nước là 40.967 tỷ đồng, chiếm 80,99% vốn điều lệ. BIDV đang có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên hơn 61.557 tỷ đồng trong năm 2023 theo hai đợt phát hành.
Cụ thể, đợt 1, ngân hàng sẽ phát hành gần 642 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông, tỷ lệ 12,69% số cổ phiếu đang lưu hành tại thời điểm 31/12/2022; vốn điều lệ sẽ tăng thêm hơn 6.419 tỷ đồng. Đợt 2, BIDV phát hành riêng lẻ hoặc chào bán ra công chúng hơn 455 triệu cổ phiếu (dự kiến 9% vốn điều lệ tại ngày 31/12/2022), vốn điều lệ theo phương án này sẽ tăng thêm 4.552 tỷ đồng.
Ngân hàng này cũng dự kiến dùng 11.634 tỷ đồng lợi nhuận để lại năm 2022 để chi trả cổ tức bằng cổ phiếu, tương đương với tỷ lệ 23% so với vốn điều lệ tại ngày 31/12/2022.
Xếp sau BIDV là VietinBank với vốn điều lệ hiện tại 48.057 tỷ đồng, trong đó nhà nước nắm giữ 64,46%. Đại hội cổ đông VietinBank đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ từ hơn 48.000 tỷ đồng lên 53.700 tỷ đồng nhưng chưa được hoàn tất. Nguồn thực hiện từ lợi nhuận còn lại năm 2020.
Vietcombank với vốn điều lệ hiện tại 47.325 tỷ đồng, nhà nước nắm giữ 74,8% vốn điều lệ. Ngân hàng vừa được NHNN thông qua phương án tăng vốn điều lệ với mức tăng khoảng 27.000 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối. Nâng tổng số vốn lên khoảng 75.000 tỷ đồng.
Đối với Agribank, vốn điều lệ của ngân hàng đang là 34.446 tỷ đồng. Ngân hàng sẽ được bổ sung thêm 17.100 tỷ đồng vốn điều lệ giai đoạn 2021-2023. Vốn bổ sung cho ngân hàng này sẽ lấy từ dự toán chi ngân sách trung ương 2023 đã được Quốc hội phê duyệt, trên 6.750 tỷ đồng. Phần còn lại gần 10.350 tỷ đồng bố trí từ ngân sách Nhà nước và thực hiện chuyển cấp trong 2024.
Cùng với 4 ngân hàng trên, NHNN cũng có văn bản chấp thuận tăng vốn điều lệ đối với 21 ngân hàng thương mại cổ phần khác. Bao gồm: VPBank, HDBank, MB, SeABank, ACB, VIB, TPBank, LienVietPostBank, BacA Bank, VietA Bank, NamA Bank, VietBank, Techcombank, Eximbank, OCB, ABBank, SHB, VietCapital Bank, MSB, NCB, và KienLongBank.
Việc tăng vốn điều lệ của các ngân hàng này chủ yếu từ nguồn vốn chủ sở hữu của ngân hàng (lợi nhuận để lại và các quỹ dự trữ).
Như vậy, tổng cộng 25 ngân hàng đủ điều kiện tăng vốn điều lệ trong thời gian tới, với tổng vốn điều lệ tăng từ hơn 590.000 tỷ đồng lên đến hơn 743.000 tỷ đồng.
VPBank là ngân hàng có quy mô vốn điều lệ lớn nhất hệ thống (hơn 67.000 tỷ đồng). Ngay cả khi các ngân hàng cùng tăng vốn điều lệ, VPBank cũng sẽ vẫn dẫn đầu với vốn điều lệ mới là hơn 79.000 tỷ đồng.
VPBank ghi nhận điểm sáng quý đầu năm với tín dụng hợp nhất tăng trưởng gần 5% so với cuối năm 2022, nằm trong nhóm ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng tích cực trong khi tín dụng toàn ngành tăng trưởng chỉ 2,06%.
Kết thúc quý 1, 2023, dư nợ tín dụng hợp nhất của VPBank đạt hơn 503.000 tỷ đồng, trong đó ngân hàng riêng lẻ ghi nhận tăng trưởng 7,1% so với cuối năm 2022, đạt 428.490 tỷ đồng. Báo cáo của VPBank cho biết, động lực cho quy mô tăng trưởng của ngân hàng tới từ các phân khúc chiến lược khách hàng cá nhân (KHCN) và SME (doanh nghiệp vừa và nhỏ), hiện chiếm 60% tỷ trọng của danh mục tín dụng.
Trong năm 2023, ban lãnh đạo VPBank đặt ra các mục tiêu kinh doanh khá quyết liệt, tương phản với những chỉ tiêu có phần thận trọng của nhiều ngân hàng khác. Trong đó, tín dụng kỳ vọng tăng trưởng 33%, tương ứng 635.972 tỷ đồng, đồng thời huy động tiền gửi từ khách hàng tăng trưởng 41% và tổng tài sản tăng 39%.
Vừa qua, VPBank cũng đã công bố chiến lược phát triển 5 năm (2022-2026), qua đó đặt mục tiêu tăng trưởng dư nợ tín dụng trung bình hàng năm đạt 35%/năm, bên cạnh huy động đạt 36%, vốn chủ sở hữu 25% và lợi nhuận trước thuế 31%.
Hoa Vũ