Chỉ vài ngày trở lại đây, thị trường tài chính đón nhận những thông tin vô cùng tích cực về việc giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế và nâng cao nguồn lực của doanh nghiệp (DN).
Đặc biệt, đối tượng được hưởng những ưu đãi thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên; các DN khởi nghiệp, hoạt động trong lĩnh vực môi trường; DN có quan hệ tín dụng thường xuyên từ 3 năm trở lên và có năng lực tài chính, vốn tự có tham gia phương án sản xuất kinh doanh…
Thiết lập mặt bằng lãi suất mới
Động thái giảm lãi suất cho vay ở các ngân hàng lớn như Vietcombank, LienVietPostBank, BIDV được đánh giá rất mạnh (từ 1%-1,5%/năm so với trước đây), đây là con số hơn cả kỳ vọng của thị trường.
Dẫn đầu về mức giảm lãi suất, LienVietPostBank là NHTM đầu tiên cắt giảm lãi suất tới 1,5%/năm, tập trung cho các DNNVV, khách hàng thuộc khu vực nông nghiệp, nông thôn…
Tiếp đến là Vietcombank điều chỉnh giảm về mức lãi suất tối đa 6%/năm, mức điều chỉnh của “ông lớn” này giảm sâu 1%/năm so với mặt bằng hiện nay.
Theo sát Vietcombank, từ ngày 18/10, BIDV cũng áp dụng mức lãi suất tối đa 6%/năm đối với 5 lĩnh vực ưu tiên theo quy định của NHNN. BIDV còn áp dụng mức lãi suất cho vay ngắn hạn thấp ở mức tối đa 5,5%/năm đối với các DN, cá nhân, hộ gia đình chịu ảnh hưởng lũ lụt tại các tỉnh miền Trung.
Hưởng ứng chủ trương giảm lãi suất vay, hỗ trợ DN từ ngày 20/10/2016, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) sẽ triển khai gói 3.000 tỷ đồng hỗ trợ DN với lãi suất đặc biệt ưu đãi chỉ từ 6,8%/năm.
Lãnh đạo TPBank cho biết, trong bối cảnh cuối năm, các DN đang tăng tốc chạy về đích, gói ưu đãi sẽ “tiếp sức” cho DN có đà để hoàn thành các mục tiêu kinh doanh 2016, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chương trình được triển khai từ nay đến hết 31/12/2016.
Đợt giảm lãi suất lần này sẽ thiết lập mặt bằng lãi suất mới cho thị trường. Dù hiện nay, lãi suất giảm mới chỉ dừng lại ở các “ông lớn”, tuy nhiên, không thể đòi hỏi ngân hàng nào cũng phải thực hiện được việc giảm lãi suất mà từng TCTD đều phải phải liệu cơm gắp mắm.
![]() |
Đồng loạt giảm lãi suất cho vay
Thực tế, thanh khoản trên thị trường đang dồi dào nhưng các ngân hàng nhỏ vẫn đang đứng trước áp lực phải chuẩn bị nguồn vốn trung, dài hạn để đáp ứng các tiêu chuẩn mới của Thông tư 06. Hay những ngân hàng có nhiều nợ xấu bán cho VAMC mà tốc độ xử lý vẫn còn chậm thì rất khó giảm lãi suất…
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng động thái giảm lãi suất nằm trong chính sách tháo gỡ khó khăn để kích thích sản xuất. Đây là chủ trương được Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước thực hiện thống nhất từ đầu năm.
Giải mã lãi suất ngược dòng chạm đáy, Ts. Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT LienVietPostBank, cho biết có nhiều yếu tố để ngân hàng mạnh tay giảm lãi suất.
Thứ nhất, tại thời điểm này, thanh khoản dồi dào là động lực cho các ngân hàng có chiến lược thu hút khách hàng vào cuộc giảm lãi suất. Thứ hai, bám sát tín hiệu thị trường và thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc NHNN về việc góp phần kiềm chế lạm phát, tỷ giá thông qua công cụ lãi suất, đồng thời hỗ trợ sản xuất kinh doanh phát triển.
Sự phối hợp nhịp nhàng
Xét góc độ vĩ mô, khả năng lạm phát giữ ở mức ổn định có tác động tích cực đến mặt bằng lãi suất. Trong khi đó, NHNN cũng đang điều hành rất “nhịp nhàng” thông qua tạo mặt bằng lãi suất liên ngân hàng ở mức thấp.
Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng chú trọng mục tiêu nâng cao hiệu quả hệ thống quản trị điều hành, đảm bảo hoạt động kinh doanh cạnh tranh nhất trên thị trường đã tiết giảm chi phí hoạt động, tạo điều kiện để ngân hàng_giảm lãi suất đầu ra mà không cần phải hạ lãi suất đầu vào… Đánh giá mặt bằng lãi suất mới được thiết lập, các chuyên gia ngành ngân hàng tỏ ra lạc quan, cho rằng với nguồn vốn dồi dào, việc ngân hàng_duy trì mặt bằng lãi suất cho vay thấp ít nhất từ nay đến cuối năm là hoàn toàn khả thi.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng băn khoăn khi mức lãi suất cho vay mới giảm ở nhóm 5 lĩnh vực ưu tiên và các DN khởi nghiệp và việc giảm lãi suất cho vay mới chỉ diễn ra tại một số ngân hàng có thanh khoản tương đối mạnh, chưa thành xu hướng chung.
Về phía DN, việc ngân hàng giảm lãi suất cho vay dù nhiều dù ít vẫn là thông tin tốt cho DN. Chớp thời cơ, nhiều DN đã nhanh chóng điều chỉnh kế hoạch, mở rộng sản xuất để đón “mùa kinh doanh cuối năm”.
Ông Nguyễn Thanh An, Giám đốc công ty chuyên về may mặc chia sẻ: Lãi suất cho vay giảm là một tín hiệu rất mừng đối với những DN vừa và nhỏ, bởi gánh nặng lãi suất cao trong suốt thời gian qua có thể nhẹ bớt và DN mới dám nghĩ tới việc có vay tiếp hay không.
Trước đó, tại hội nghị đối thoại với DN, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo NHNN xem xét giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ DN, kích nền kinh tế phát triển. Sau đó gần 6 tháng, các ngân hàng mới có thể bắt đầu thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Thành Vinh