Dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có thông báo năm nay không in tiền lẻ mới mệnh giá nhỏ, nhưng hoạt động đổi tiền lẻ vẫn không giảm đi, mà đã chuyển sang hoạt động “bí mật” với nhiều hình thức hơn như: mua bán qua điện thoại, qua mạng và dịch vụ ship hàng tận nơi.
Nhà băng lắc đầu
Đã là khách hàng quen thuộc của TPBank chi nhánh đường Nguyễn Hữu Thọ (quận Hoàng Mai, Hà Nội), chị Thanh Huyền đến đổi tiền mới, nhưng nhân viên tại quầy giao dịch cho biết năm nay, ngân hàng không có tiền mới mệnh giá nhỏ để đổi cho khách hàng.
Trong vai người dân đến BIDV, Vietcombank, Maritimebank… để đổi tiền lẻ mệnh giá mới, phóng viên Thời báo Kinh Doanh cũng nhận được cái lắc đầu từ nhân viên các nhà băng này.
“Năm nay, các loại tiền mới 10.000 đồng, 20.000 đồng, 50.000 đồng nguyên sêri rất khan hiếm, hầu như không có. Ngược lại, tiền mới nguyên mệnh giá 100.000 đồng, 200.000 đồng và 500.000 đồng khá nhiều”, chị Lan, nhân viên Maritimebank nói.
Sở dĩ các ngân hàng khan hiếm tiền mới mệnh giá nhỏ để đổi cho khách hàng là do chủ trương hạn chế in tiền mới, tăng cường sử dụng các loại tiền đã qua lưu thông.
Tại cuộc họp về đảm bảo tiền mặt và an toàn, thông suốt hoạt động thanh toán trong dịp Tết Nguyên đán 2018, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định năm 2018, NHNN tiếp tục thực hiện chủ trương không đưa tiền mới in mệnh giá nhỏ ra lưu thông dịp Tết Nguyên đán. Việc này nhằm sử dụng tiền mệnh giá nhỏ một cách hợp lý, đúng mục đích, hạn chế những tiêu cực liên quan phát sinh; đồng thời gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, nâng cao nếp sống văn minh, bảo vệ hình ảnh đồng tiền Việt Nam và tiết kiệm chi phí xã hội.
Thậm chí, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã có công văn yêu cầu các tổ chức tín dụng “tuyệt đối không chi các loại tiền mới in còn nguyên sêri (nếu còn tồn kho) từ 5.000 đồng trở xuống vào lưu thông, chỉ chi các loại tiền đã qua lưu thông để đáp ứng nhu cầu thanh toán của người dân.
Trên thực tế, việc không in tiền mới mệnh giá nhỏ trong dịp Tết Nguyên đán vài năm gần đây đã giảm việc sử dụng tiền lẻ tại các đình, chùa trong dịp này, nhưng nhu cầu đổi tiền của người dân vẫn cao. Người dân sẽ khó đổi tiền ở ngân hàng, nhưng tại các “chợ đen” vẫn diễn ra rầm rộ.
![]() |
Trên một số trang website và facebook, nhan nhản những nội dung quảng cáo đổi tiền mới mệnh giá nhỏ, đặc biệt những dòng chữ khá ấn tượng “đổi bao nhiêu cũng đáp ứng hết”. Tuy nhiên, mức phí đổi rất cao, lên tới 40%.
Nhộn nhịp “chợ đen”
Trên một số trang website và facebook, nhan nhản những nội dung quảng cáo đổi tiền mới mệnh giá nhỏ, đặc biệt những dòng chữ khá ấn tượng “đổi bao nhiêu cũng đáp ứng hết”. Tuy nhiên, mức phí đổi rất cao, lên tới 40%.
Liên hệ với số điện thoại 0932506xxx trên trang web: muabantien.com, chủ số điện thoại này cho biết tiền mệnh giá 10.000 đồng, 20.000 đồng hay 50.000 đồng vẫn được hỏi đổi nhiều nhất. Sau đó mới đến loại tiền để đi lễ chùa đầu năm như 200 đồng, 500 đồng và 1.000 – 2.000 đồng.
Chủ số điện thoại này khuyến cáo: “Chị nên mua sớm, thời điểm này mua bao nhiêu cũng có, nhưng nếu để sát Tết quá, tiền mới sẽ khan hiếm, lúc đó chi phí có thể lên đến 45 – 50%”.
Người đổi tiền này cho biết chi phí đổi tiền có mệnh giá 1.000 đồng lên tới 20%, tương đương với mức phí 200.000 đồng cho 1 triệu đồng tiền 1.000 đồng. Các loại tiền khác có mệnh giá 2.000, 5.000, 10.000 đồng cùng mức đổi là 120.000 đồng cho 1 triệu đồng.
Theo các chuyên gia tài chính – ngân hàng, chính việc khan hiếm tiền mới mệnh giá nhỏ khiến “chợ đen” đua nhau chặt chém.
NHNN tuyên bố không in tiền mới mệnh giá nhỏ, nhưng tại thị trường “chợ đen” vẫn đáp ứng nhu cầu với số lượng lớn. Câu hỏi đặt ra là các trang web kia lấy đâu ra tiền mới.
Trưởng phòng tín dụng một ngân hàng TMCP cho biết: “Những trang rao vặt trên mạng sẽ không có tiền mới còn nguyên sêri, họ chỉ cung cấp tiền mới nhưng đã được lưu thông trên thị trường”.
Với việc bùng nổ dịch vụ đổi tiền mới, tiền lẻ “ăn” phí tại “chợ đen”, cổng chùa, trên các trang rao vặt hiện nay, có vẻ như mục tiêu xóa bỏ việc đổi tiền lẻ ăn chênh lệch khó thành hiện thực.
Trước đó, NHNN đã ban hành văn bản đề nghị Bộ Công Thương và Bộ Công an phối hợp kiểm tra, xử lý các cá nhân, tổ chức kinh doanh đổi tiền hưởng chênh lệch. Theo NHNN, nhu cầu tiền mới mệnh giá nhỏ tăng cao đã phát sinh hiện tượng kinh doanh dịch vụ đổi tiền hưởng chênh lệch nhằm trục lợi.
Huyền Anh