Tại Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên được tổ chức chiều ngày 4/10, đa số các doanh nghiệp cho rằng thời gian qua, ngành ngân hàng đã đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, giảm lãi suất... Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điểm nghẽn về cơ chế cho vay, thủ tục pháp lý rườm rà, lãi suất cao khiến DN khó tiếp cận vốn. Tình trạng này ở Thái Nguyên có lẽ cũng giống tại hầu hết các địa phương khác trên cả nước.
Còn khó ở thủ tục cho vay
Đại diện Hiệp hội DN nhỏ và vừa tỉnh Thái Nguyên đề xuất ngân hàng tháo gỡ kéo dài thời gian đáo hạn, vì hàng tồn nhiều trong kho, không có tiền. Trước khi DN đến thời điểm đáo hạn, ngân hàng nên tiếp cận với DN xem DN tăng vốn hay giảm vốn, có khả năng vay lại vốn hay không, nếu không vay lại được thì ngân hàng nên nói thẳng.
“Vừa rồi có nhiều DN trả tiền nợ, nhưng có thể ngân hàng hết room, có thể do xếp hạng tín nhiệm thay đổi nên thu luôn, không cho vay lại”, vị này cho hay.
Các doanh nghiệp đề xuất ngân hàng “nới” thủ tục cho vay để khơi thông nguồn vốn |
Dẫn chứng cụ thể, lãnh đạo một doanh nghiệp kể, DN muốn được áp dụng Thông tư 02 của NHNN về việc giãn nợ cho DN để đảm bảo tính thanh khoản và hiệu quả chi phí vốn, một chi nhánh ngân hàng hướng dẫn rằng để hiệu quả nhất thì DN nên thanh toán khoản nợ cũ, sau đó ngân hàng sẽ cho vay khoản mới để đảm bảo DN không vấp phải tình trạng giãn nợ. Nhưng khi DN thanh toán xong thì ngân hàng... từ chối cho vay mới!
Không chỉ khó khăn trong việc tiếp cận vốn, vấn đề thứ hai mà DN gặp phải là pháp lý. Theo ông Vũ Văn Biên, Giám đốc Công ty CaC03 Quang Sơn, khâu cải cách thủ tục hành chính hiện nay đang rất chậm so với yêu cầu phát triển của doanh nghiệp, nhiều bộ luật chồng chéo nhau gây khó khăn cho DN.
Ông Biên đề xuất NHNN cần có những chính sách tạo điều kiện cho các DN trong nước đầu tư, đặc biệt vào công nghiệp nặng ở những vùng kinh tế khó khăn do việc thu hồi vốn khó khăn hơn các vùng thuận lợi, được vay vốn với hạn mức cao hơn, thời gian trả nợ dài hơn, lãi suất ưu đãi hơn...
“Ví dụ chúng tôi xây dựng 8km đường ở vùng đặc biệt khó khăn, đã tính toán nhưng vẫn sẽ có những phát sinh từ thực tế. Lúc này, nếu ngân hàng không có sự linh động thì DN sẽ rất khó được ưu tiên, khó tiếp cận. Vì thực tế khi các thủ tục pháp lý đã được phê duyệt, khi có dự án, DN chúng tôi có nhiều ngân hàng đến để tìm cách tháo gỡ, nhưng có những vướng mắc chung nên không tiếp cận được, ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Đề nghị chính quyền có hướng dẫn, giải quyết để gỡ các thủ tục pháp lý’, vị đại diện DN này kiến nghị.
Bổ sung thêm, ông Bùi Sỹ Dân, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa tỉnh Thái Nguyên cho biết, DN vẫn có nguyện vọng được giảm lãi suất hơn nữa. “Trong thời gian này, DN quá khó khăn nên lãi suất vẫn ảnh hưởng rất nhiều tới lợi nhuận. Chưa kể lãi suất huy động giảm sâu nhưng lãi suất cho vay vẫn giảm rất chậm”, ông Dân nói.
Ngoài ra, DN đề nghị nới lỏng tín dụng, vấn đề cho vay tín chấp, mua bảo hiểm khi vay vốn, đảo nợ khoản vay… “Chúng tôi là đối tác, mong muốn được ngân hàng đồng hành hỗ trợ, tháo gỡ các vướng mắc để DN tiếp cận nguồn vốn”, ông Dân bày tỏ.
Cần có chính sách cho vay ổn định lâu dài
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Vinh, Chủ tịch Hội Doanh nhân nữ Thái Nguyên, Tổng giám đốc Công ty thương mại Thái Hưng, phản ánh trong bối cảnh hiện tại, ngân hàng là một trong các đơn vị đi đầu trong sự phát triển về công nghệ, quy trình, quản trị, phương pháp thanh toán… Nhưng với DN, nhất là DN nữ, có tới 98% là DN nhỏ và vừa, việc tiếp cận các quy trình hoàn hảo trong phương thức thanh toán là bài toán lớn. Vì vậy, giữa ngân hàng và DN còn có khoảng cách, cần ngân hàng hỗ trợ.
Chủ tịch Hội Doanh nhân nữ Thái Nguyên bày tỏ mong muốn có sự hỗ trợ từ ngân hàng trong dự báo chính sách, đặc biệt với tỷ giá, và hỗ trợ DN trong chuyển đổi công nghệ đáp ứng yêu cầu của ngân hàng để tiếp cận vốn.
Đồng thời, bà Vinh nhấn mạnh: “DN cần sự bình đẳng trong tiếp cận nguồn vốn giữa DN FDI và DN lớn, giữa DN lớn và DN nhỏ; đâu đó cần có sự ưu tiên với DN nhỏ. Cùng với đó là một chính sách ổn định, lâu dài, nhất là với chính sách hiện tại cần duy trì cho vay thời gian trung, dài hạn, còn sự diều chỉnh ngắn hạn không ổn định là DN rất sợ, nhất là với DN sản xuất”.
Liên quan đến kiến nghị gia hạn thời gian vay nợ, ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc NHNN chi nhánh Thái Nguyên cho biết, NHNN đã ban hành Thông tư 02về cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ, song không phải tất cả DN đều muốn sử dụng giải pháp này. Về thời hạn cho vay, DN cần thỏa thuận với ngân hàng cho phù hợp với chu chuyển vốn của mình.
Với vấn đề nới lỏng điều kiện vay, theo ông Khoa, Thống đốc NHNN đã khẳng định trước Quốc hội và Chính phủ là không thể nới lỏng, tuy nhiên, các tổ chức tín dụng (TCTD) có thể xem xét điều kiện cụ thể của từng DN vì hai bên có thời gian làm việc và hiểu nhau.
Về việc giảm tài sản đảm bảo dẫn tới giảm hạn mức vay, theo lãnh đạo NHNN chi nhánh Thái Nguyên, đây là khó khăn của năm 2023 vì trong thời kỳ giá bất động sản tăng, giá tài sản lên, ngân hàng cấp hạn mức theo số đó. Nay thị trường giảm, ngân hàng đánh giá lại, một số DN bị giảm hạn mức. Ông Bùi Văn Khoa cho rằng, về chủ trương, NNHN đã giao các TCTD chủ động, có thể cho vay bằng tài sản bảo đảm hoặc không có tài sản đảm bảo. “Ngân hàng cũng là DN nên vấn đề này là bình đẳng thương thảo”, ông Khoa nói.
Chia sẻ thêm, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà khẳng định, thời gian tới, ngành ngân hàng tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận tín dụng, chỉ đạo các TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí, tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và các giải pháp khác để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với cả khoản vay mới và dư nợ hiện hữu; Đồng thời, tiếp tục triển khai các chương trình hỗ trợ như gói hỗ trợ lãi suất 2%, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay mua nhà ở xã hội…
Huyền Anh