Các chuyên gia cho rằng thanh khoản ngân hàng vẫn dồi dào dù đang vào thời kỳ cao điểm về vốn. (Ảnh: Int) |
Nguyên nhân được cho là đợt bùng phát của dịch Covid-19 tại Việt Nam những ngày gần đây có thể khiến cầu tín dụng yếu đi, lãi suất sẽ vẫn duy trì ở vùng thấp hiện tại và có thể còn giảm thêm nếu dịch bệnh phức tạp hơn.
Theo số liệu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố, lãi suất tiết kiệm bằng VND phổ biến ở mức 0,1 - 0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; từ 1 tháng đến dưới 6 tháng ở mức 3,2 - 3,9%/năm; từ 6 tháng đến dưới 12 tháng ở mức 4,0 - 6,0%/năm; Kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 5,6 - 6,8%/năm.
Đáng lưu ý, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng những ngày qua biến động tăng nhẹ, nhưng so với cùng kỳ năm ngoái lãi suất hiện nay vẫn ở mức thấp. Cụ thể, lãi suất bình quân kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 1 tháng lần lượt là 0,1%/năm, 0,27%/năm và 0,47%/năm.
Theo đánh giá của các chuyên gia, thanh khoản hệ thống ngân hàng trong năm 2021 sẽ khó có khả năng dư thừa hơn năm 2020. Do đó, lãi suất liên ngân hàng có thể sẽ có sự hồi phục nhưng vẫn sẽ tiếp tục duy trì ở mặt bằng thấp và lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại cũng khó tăng.
Theo khảo sát của Thời báo Kinh Doanh, mặt bằng lãi suất huy động hiện nay vẫn được các ngân hàng duy trì ở mức thấp so với thời điểm đầu tháng 1.
Hiện, ngân hàng đang áp dụng lãi suất tiết kiệm cao nhất thuộc về Eximbank là 8,4%/năm. Điều kiện áp dụng là dành cho các khách hàng có số tiền gửi từ 500 tỷ đồng trở lên tại kỳ hạn 13 và 24 tháng.
Ở kỳ hạn 6 tháng hiện nay là VietCapitalBank với mức lãi suất là 6,4% và lĩnh lãi cuối kỳ.
Với kỳ hạn 3 tháng, VIB đang niêm yết lãi suất cao nhất hệ thống ngân hàng là 4%/năm.
Trong khi đó, lãi suất cao nhất kỳ hạn 1 tháng là 4% thuộc về VIB.
Đáng lưu ý, mới đây, Vietcombank vừa điều chỉnh biểu lãi suất. Theo đó, ngân hàng đã giảm lãi suất kỳ hạn 1 - 2 tháng về 2,9%/năm; 6 - 9 tháng còn 3,8%/năm; kỳ hạn dài 24 - 60 tháng giảm về 5,3%/năm… giảm 0,1 điểm % so với biểu lãi suất trước.
Với lần điều chỉnh trên, Vietcombank kéo mặt bằng lãi suất của ngân hàng này về mức thấp nhất trong 4 ngân hàng thương mại nhà nước gồm Vietinbank, Agribank, BIDV. Các ngân hàng thương mại nhà nước khác, mức lãi suất tiền gửi từ 12 - 36 tháng vẫn ở mức 5,6%/năm.
Với việc điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi ở các kỳ hạn thêm 0,1 điểm %, lãi suất của Vietcombank đang thấp hơn 3 ngân hàng khác Vietinbank, BIDV, Agribank từ 0,2 - 0,3 điểm % ở các kỳ hạn.
Công ty Chứng khoán SSI cho rằng: "Thanh khoản các ngân hàng thương mại vẫn dư thừa, lãi suất tiền gửi, lãi suất liên ngân hàng sẽ giữ ổn định ở vùng hiện tại và lãi suất cho vay được kỳ vọng có thể giảm nhẹ đối với các lĩnh vực ưu tiên trong quý I/2021".
Trước diễn biến xấu của dịch Covid-19 trong mấy ngày qua, nhiều chuyên gia lo ngại lãi suất ngân hàng khả năng còn giảm sâu hơn mặt bằng hiện tại.
Chuyên gia của KBSV dự báo mặt bằng lãi suất có thể sẽ chạm đáy vào nửa đầu năm 2021, khi Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành thêm 1 lần nữa và tăng nhẹ trở lại do 3 nguyên nhân đó là kênh bơm thanh khoản tiền đồng vào thị trường bị giới hạn do công cụ mua ngoại tệ bị hạn chế và có thể đẩy mặt bằng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tăng.
Cùng với đó là tốc độ tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng cuối năm thường sẽ hồi phục nhanh.
Lộ trình siết tỷ lệ huy động ngắn cho vay trung và dài hạn có hiệu lực vào tháng 10/2021 được các chuyên gia KBSV nhận định cũng là nguyên nhân đẩy mạnh mức độ cạnh tranh về tiền gửi và làm đảo chiều xu hướng lãi suất tiền gửi đang giảm.
Huyền Anh