Một trong những nội dung được nhiều cổ đông quan tâm đó là trong năm nay Techcombank chia cổ tức tiền mặt năm 2023 với tỷ lệ là 15%/cổ phiếu (01 cổ phiếu nhận 1.500 đồng). Thời gian dự kiến thực hiện trong quý II hoặc quý III/2024.
Với tỷ lệ cổ tức nói trên, ước tính Techcombank sẽ phải chi khoảng gần 5.284 tỷ đồng. Nguồn thực hiện chia cổ tức là lợi nhuận chưa phân phối của ngân hàng sau khi trích lập các quỹ tính đến thời điểm ngày 31/12/2023 theo Báo cáo tài chính kiểm toán riêng và hợp nhất năm 2023 đã được kiểm toán của Techcombank.
Lý giải về việc chi trả cổ tức tiền mặt trong năm nay, Techcombank cho biết chính sách cổ tức là cam kết của ngân hàng nhằm mang lại giá trị vượt trội và sự gắn kết cổ đông. Ngân hàng đã duy trì mức tăng trưởng lợi nhuận gần 40%/năm trong một thập kỷ, tổng lợi nhuận trước thuế trong ba năm gần nhất đạt trên 3 tỷ USD ngay cả khi nền kinh tế gặp nhiều khó khăn.
Ông Jens Lottner, Tổng giám đốc Techcombank báo cáo kết quả hoạt động năm 2023 và kế hoạch 2024. |
"Ngân hàng tin tưởng rằng việc duy trì chính sách trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận giữ lại trong khi vẫn tiếp tục đà tăng trưởng kinh doanh cao trên mức trung bình ngành và đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn cấp 1 là 14 - 15% là hoàn toàn khả thi", tài liệu đại hội cho hay.
Tuy nhiên, cổ đông cũng băn khoăn việc Techcombank chia cổ tức 1 lần với tỷ lệ rất cao 100%, điều này sẽ ảnh hưởng đến giá cổ phiếu như thế nào?
Ông Jens Lottner, Tổng giám đốc Techcombank, cho biết tăng vốn điều lệ, thưởng cổ phiếu, trả cổ phiếu cho cổ đông, không ảnh hưởng tới khả năng cho vay của đơn vị hay tới cơ chế quản lý rủi ro. Đây chỉ là chuyển dịch từ phần này sang phần kia, không ảnh hưởng gì. Có thể ảnh hưởng giá cổ phiếu bị pha loãng, giá cổ phiếu có thể giảm đôi chút nhưng đây cũng có thể là cơ hội cho nhà đầu tư khác mua vào cổ phiếu TCB với giá phù hợp. Nếu là ngân hàng tốt thì giá cổ phiếu sẽ tăng trưởng trở lại. Quan trọng là đánh giá về giá trị của doanh nghiệp.
Liên quan đến việc Techcombank có dự kiến nới thêm room ngoại hay tìm kiếm cổ đông chiến lược ngoại không? Chủ tịch Hồ Hùng Anh cho biết: Về vấn đề về room ngoại và cổ đông nước ngoài, hiện room ngoại của Techcombank là 22%, tỷ lệ này cho phép ngân hàng phát hành 10% cho cổ đông chiến lược.
Techcombank cũng đang xem xét việc phát hành cho cổ đông chiến lược. Thông thường phát hành cho cổ đông chiến lược thì giá cổ phiếu cao hơn, điều này mang lại lợi ích chung cho các cổ đông. “Tôi tin rằng khi thị trường khởi sắc việc tìm kiếm nhà đầu tư ngoại sẽ tốt hơn, mang lại lợi ích cho các cổ đông”, ông Hùng Anh kỳ vọng.
"Thay vì có 1 cổ đông chiến lược như hiện nay, chúng tôi có thể tìm thêm từ 10-15 cổ đông nước ngoài dài hạn. Tuy nhiên, hiện nay việc tiếp cận cổ phiếu tại thị trường Việt Nam đang hạn chế bởi tỷ lệ sở hữu theo quy định hiện nay", ông Jens Lottner chia sẻ thêm.
Bên cạnh đó, các cổ đông quan tâm đến vấn đề tăng trưởng tín dụng, lượng khách hàng mới còn hạn chế so với các đối thủ. Ông Jens Lottner cho biết, quy mô về tăng trưởng tín dụng sẽ theo quy định của Nhà nước Việt Nam. Điều này tùy thuộc vào sự phát triển của ngân hàng tương lai. Mỗi ngân hàng sẽ được cấp tăng trưởng tín dụng trên dưới 13%.
"Nhà băng không muốn tăng trưởng đột ngột bởi sẽ phải trả giá'", Tổng giám đốc Techcombank nói và cho biết sẽ không đánh đổi tăng trưởng với chất lượng tài sản. Đồng thời, ngân hàng cũng sẽ không tham gia mua lại một số ngân hàng yếu. Đây được coi là vấn đề từng ngân hàng tự phải quyết định. Tuy nhiên, hiện tại, Techcombank cũng giúp một số ngân hàng trong quá trình hoạt động kinh doanh.
Về kế hoạch tăng lượng khách hàng, Tổng giám đốc khẳng định, nhà băng không quan tâm tới số lượng khách hàng mà chú trọng tới tỷ lệ khách hàng hoạt động. Techcombank cần đảm bảo hệ thống phục vụ khách hàng có lợi nhuận nhất. Đơn vị quan trọng chất lượng khách hàng thay vì số lượng khách hàng cần thu hút.
"Quý vị có thể thấy nhận diện của Techcombank rất tốt, đó là do chất lượng của chúng tôi tốt và được đánh giá cao, dù quy mô khách hàng có thể không bằng", ông Jens Lottner cho hay.
Tại đại hội, HĐQT Techcombank cũng trình phương án tăng vốn điều lệ từ hơn 35.225 tỷ đồng lên trên 70.450 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu. Nguồn vốn chủ sở hữu dự kiến được sử dụng để tăng vốn điều lệ bao gồm: lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ và thặng dư vốn cổ phần căn cứ trên Báo cáo tài chính kiểm toán riêng và Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023 đã được kiểm toán của Techcombank. Tỷ lệ phát hành dự kiến là 100% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được hưởng quyền sẽ được nhận thêm 100 cổ phiếu mới).
Về kế hoạch kinh doanh trong năm nay, ông Jens Lottner chia sẻ Techcombank vẫn theo đuổi những chiến lược đúng của ngân hàng. 4 trụ cột chính trong chiến lược của Techcombank là CASA 55%, vốn hoá 20 tỷ USD, thu nhập phí chiếm 30% tổng thu nhập, ROE 20%.
Trong năm 2024, Techcombank đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 16,2% (theo phê duyệt của NHNN), lợi nhuận trước thuế đạt 27.100 tỷ đồng, tăng 18,4% so với năm trước. Đồng thời duy trì tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 1,5%. Ngân hàng kỳ vọng kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2024 với GDP ước tăng 6% so với năm trước.
“Hiện nay việc kinh doanh của Techcombank đang đúng kế hoạch, lợi nhuận rất tốt, đặc biệt lợi nhuận quý I sẽ vượt kế hoạch. Chúng tôi hoàn toàn tin sẽ vượt kế hoạch về lợi nhuận cả năm nay”, ông Hùng Anh cho hay.
Thanh Hoa