Trong báo cáo đánh giá thương hiệu ngân hàng khu vực châu Á – Thái Bình Dương năm 2017 vừa được công bố của Tổ chức đánh giá thương hiệu toàn cầu Brand Finance, ngân hàng Việt Nam không chỉ bắt đầu quản lý thương hiệu muộn mà còn không chắc chắn vào việc đầu tư thương hiệu theo cách có tổ chức và đo lường được.
Ông Samir Dixit, Giám đốc điều hành của Brand Finance châu Á – Thái Bình Dương, cho biết năm 2017 chứng kiến có 3 thương hiệu ngân hàng Việt Nam lọt top 500 trong bảng xếp hạng thương hiệu toàn cầu.
Tăng ít – giảm nhiều
Tuy nhiên, các thương hiệu ngân hàng Việt Nam chỉ tăng trưởng 8%, thấp hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng giá trị thương hiệu trung bình của ASEAN 25% nhưng gần với mức tăng trưởng thương hiệu trung bình toàn cầu 8,7%. Theo bảng xếp hạng toàn cầu, giá trị thương hiệu của ngân hàng BIDV tăng đáng kể với mức tăng 17% trong năm 2016, giúp ngân hàng này tăng 12 bậc.
Theo đánh giá của ông Samir Dixit, tuy vốn hóa thị trường giảm, nhưng BIDV có mức tăng trưởng thương hiệu cao và tích cực, xếp hạng 401 toàn cầu, đưa BIDV tới gần Top 400 thương hiệu ngân hàng toàn cầu, nâng giá trị thương hiệu của BIDV tăng thêm 37 triệu USD, giúp ngân hàng này cán mốc 250 triệu USD.
“Sự gia tăng giá trị thương hiệu bất chấp thị phần sụt giảm cho thấy tầm quan trọng của phần đóng góp thương hiệu vào sự thành công của ngân hàng BIDV”, ông Samir Dixit cho hay.
Trong khi đó, giá trị thương hiệu VietinBank đạt 252 triệu đô la Mỹ (tăng 1%) và Vietcombank đạt 201 triệu đô la Mỹ (tăng 6%). Theo bảng xếp hạng của Brand Finance, VietinBank đứng thứ 408.
Còn sức mạnh của thương hiệu VietcomBank dù đã được nâng lên mức AA-, nhưng phải đối mặt với cạnh tranh khốc liệt ở nhóm cuối, Vietcombank đã bị đẩy ra khỏi Top 450, giảm 5 bậc so với năm 2016. Hiện ngân hàng này đứng ở vị trí 461 trong bảng xếp hạng.
Theo đánh giá của Brand Finance, VietcomBank đang phải đối mặt với nguy cơ tụt thêm hạng trừ khi ngân hàng này có thể tận dụng sức mạnh thương hiệu cải thiện và có khả năng sử dụng thương hiệu hiệu quả để thúc đẩy thành công trong kinh doanh.
Giám đốc điều hành của Brand Finance khu vực châu Á – Thái Bình Dương cho biết, không chỉ xếp hạng thấp, giá trị đóng góp thương hiệu trong hoạt động kinh doanh của các ngân hàng Việt Nam cũng ở mức thấp nhất khu vực, chỉ vài phần trăm. Trong khi đó, tỷ lệ của các ngân hàng Singapore đạt trên 40%.
![]() |
Năm 2016, VietinBank có kết quả kinh doanh tăng cao
Xếp hạng thấp – Khó cạnh tranh
“Thương hiệu ngân hàng Việt Nam không chỉ bắt đầu quản lý thương hiệu muộn mà còn không chắc chắn vào việc đầu tư thương hiệu theo cách có tổ chức và có thể đo lường được”, ông Samir cho biết.
Ông Samir nói thêm: “Xếp hạng sức mạnh thương hiệu của các ngân hàng Việt Nam vẫn thuộc mức thấp nhất của khu vực, khiến họ không thể cạnh tranh ngay cả trong ASEAN, chưa tính đến phần còn lại của thế giới. Sức mạnh thương hiệu phải được quản lý một cách có tổ chức bằng cách sử dụng Chỉ số BSI (Chỉ số Sức mạnh Thương hiệu) tùy biến, nếu không họ sẽ bị đẩy ra khỏi Top 500 toàn cầu rất nhanh”.
Cũng theo vị giám đốc này, để nâng cao giá trị thương hiệu, cạnh tranh được với các thương hiệu khác trong khu vực, các ngân hàng Việt Nam hiện có nhiều nhiệm vụ khó khăn phía trước.Ngoài ra, nếu muốn duy trì và nâng cao vị trí của mình trong bảng xếp hạng “Top 500 Ngân hàng Toàn cầu”, các ngân hàng Việt Nam cũng có rất nhiều việc phải làm.
Đại diện Brand Finance phân tích, có ba yếu tố chính tác động đến giá trị thương hiệu, đó là Sức mạnh Thương hiệu, Hiệu quả kinh doanh và các khía cạnh bên ngoài. Trong đó, sức mạnh thương hiệu là yếu tố quan trọng nhất. Tỷ lệ vốn hóa thị trường cho thấy rõ thương hiệu đang thúc đẩy kinh doanh và tỷ lệ thấp hơn đồng nghĩa với thương hiệu không hỗ trợ sự thành công hay tăng trưởng kinh doanh của các ngân hàng.
Đại diện Brand Finance cho rằng thương hiệu sẽ thúc đẩy kinh doanh khi mọi tổ chức sở hữu thương hiệu góp phần tích cực tạo nên sức kéo, sự ủng hộ thương hiệu, đẩy lùi các đối thủ cạnh tranh, tạo ra sự trung thành và ưa thích thương hiệu, nhờ đó dẫn đến mức giá cao hơn, thị phần và lượng bán cao hơn.
Thanh Hoa