Chỉ còn 2 tuần nữa là kết thúc năm tài chính 2017, ngoài động thái một số ngân hàng tăng lãi suất huy động, không có bất kỳ sự điều chỉnh giảm lãi suất cho vay. Thậm chí, một số ngân hàng còn tăng nhẹ lãi suất cho vay ở một số kỳ hạn ngắn.
Lãi suất biến động nhẹ
Quyết tâm giảm thêm 0,5% lãi suất cho vay dường như khó đạt được. Theo báo cáo tình hình kinh tế – tài chính tháng 11 và 11 tháng đầu năm của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (NFSC), trong tháng 11, lãi suất huy động trên thị trường 1 tăng nhẹ so với tháng trước khi một số ngân hàng thương mại lớn có tỷ trọng tiền gửi lớn là Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) điều chỉnh tăng lãi suất ở các kỳ hạn ngắn.
Tính đến tháng 11, lãi suất huy động bình quân kỳ hạn 1 tháng ở mức 4,85%, 6 tháng ở mức 5,72%, 12 tháng ở mức 6,8%, 12 – 36 tháng ở mức 7,07% (tăng 0,04 – 0,15 điểm phần trăm).
Mặc dù lãi suất huy động có tăng nhẹ ở một số ngân hàng thương mại, song lãi suất cho vay khá ổn định so với tháng trước. Hiện tại, lãi suất cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên ở mức 6,5%, cá biệt có ngân hàng thương mại ở mức 6%, với lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường, lãi suất phổ biển ở mức 9,3 – 11% kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.
Theo các chuyên gia tài chính – ngân hàng, động thái tăng nhẹ lãi suất huy động ở một số kỳ hạn ngắn vào dịp cuối năm không có gì bất thường, bởi lẽ, đây là thời điểm nhu cầu vốn tăng cao nhất trong năm. Vì vậy, các ngân hàng phải đẩy mạnh huy động vốn dưới nhiều hình thức như khuyến mại, tăng lãi suất huy động, phát hành tín phiếu…
Những nỗ lực của các ngân hàng thương mại đang giúp thanh khoản của hệ thống ngân hàng ổn định. NFSC nhận định, thanh khoản hệ thống được hỗ trợ lớn từ việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua được lượng lớn ngoại tệ và cung ứng tiền ròng khoảng gần 124.000 tỷ đồng từ đầu năm đến nay. Tỷ lệ tín dụng/huy động (LDR) bình quân của hệ thống đạt khoảng 86,9%, tăng nhẹ so với mức 85,6% cuối năm 2016.
Trong khi đó, lãi suất liên ngân hàng các kỳ hạn tăng so với tháng trước. Tính đến ngày 22/11/2017, lãi suất O/N ở mức 1,6%, lãi suất 1 tuần là 1,8%, lãi suất 1 tháng là 1,8% (tăng so với tháng trước khoảng 0,7 – 0,8 điểm phần trăm các kỳ hạn).
![]() |
Các chuyên gia cho rằng, chỉ cần duy trì lãi suất ổn định như mặt bằng hiện nay là tốt rồi, còn giảm thêm thì rất khó.
Giữ được ổn định đã là tốt
Từ đầu năm đến nay, lãi suất cho vay đã được các ngân hàng giữ ổn định, thậm chí theo đánh giá của các chuyên gia, đợt điều chỉnh giảm nhẹ lãi suất cho vay hồi tháng 7 đã hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn.
Đến cuối tháng 11, tín dụng tăng 2,8% so với tháng trước, tăng 15,3% so với đầu năm (cùng kỳ năm 2016 tăng 15,6% so với đầu năm). Tín dụng đang được xem là một trong những công cụ chủ yếu để đẩy tăng trưởng GDP nhằm đạt mục tiêu năm nay ở mức 6,7%. Nhu cầu bắt buộc phải đẩy tiền ra, nhưng nợ xấu buộc các ngân hàng phải thận trọng, tính toán đầu ra sao cho có lợi nhất.
Thực tế, dù không chính thức công bố giảm lãi suất cho vay, nhưng đối với khách hàng tốt, một số ngân hàng vẫn cho vay chỉ từ 4 – 5%/năm – thấp hơn cả lãi suất huy động.
Do đó, giới chuyên gia nhận định, còn 2 tuần nữa sẽ kết thúc năm tài chính 2017, tuy có những yếu tố hỗ trợ để tiếp tục giảm lãi suất cho vay như: Nợ xấu đã được khơi thông, thanh khoản dồi dào, lạm phát được kiểm soát tốt, nhưng đến thời điểm này, có thể nói chắc chắn NHNN đã giữ ổn định không để lãi suất tăng. Ngoài ra, các ngân hàng sẽ không tăng lãi suất cho vay dù phải chịu áp lực huy động vốn.
Lý giải nguyên nhân, Ts. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính – ngân hàng, cho rằng năm nay, cung tiền ra thị trường đã khá lớn. Hơn nữa, gần đây giá điện, giá xăng cũng được điều chỉnh tăng tác động đến thị trường giá cả. Do đó, mặc dù lạm phát trong năm 2017 đã được kiểm soát khá tốt nhưng nếu không cẩn thận thì có thể tăng khá mạnh trong năm 2018.
Bên cạnh đó, nợ xấu đang được các ngân hàng ráo riết thu hồi. Tuy nhiên, việc xử lý vẫn còn nhiều vướng mắc, nhiều tài sản nợ xấu chưa đấu giá được. Số tiền thu từ nợ xấu còn chậm. Vì thế, chưa đủ nguồn lực có thể giảm lãi suất.
Cùng với đó, Thông tư 36 cũng yêu cầu giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, nên các ngân hàng phải cơ cấu lại nguồn vốn. Thậm chí có ngân hàng đã tăng cường huy động vốn bằng cách tăng lãi suất huy động.
Từ những phân tích trên, các chuyên gia cho rằng chỉ cần duy trì lãi suất ổn định như mặt bằng hiện nay là tốt rồi, còn giảm thêm thì hầu như là rất khó.
Huyền Anh