Thông tin trên được TS. Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và môi trường (Bộ Kế hoạch và đầu tư), phụ trách Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh và Kế hoạch hành động quốc gia về Tăng trưởng xanh tại Hội thảo Tiếp cận nguồn vốn xanh quốc tế - cơ hội cho Việt Nam diễn ra sáng 18/6 tại Hà Nội.
Theo TS. Mai, phát triển tín dụng xanh tại Việt Nam gặp không ít thách thức khi khuôn khổ pháp lý khuyến khích tín dụng xanh chưa hoàn thiện; các sản phẩm tín dụng xanh chưa đa dạng; năng lực và kỹ năng thẩm định các dự án xanh của ngân hàng; năng lực chuẩn bị đề xuất dự án xanh của DN còn hạn chế. Do đó, việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng xanh từ các tổ chức quốc tế chưa mang lại nhiều hiệu quả. Mặc dù Chính phủ đã có những nỗ lực để tranh thủ nguồn lực để tận dụng các kênh vốn khác nhau, song hiện mới chỉ có một vài nhà tài trợ và việc tiếp cận cũng chưa được rõ ràng và có hệ thống. Trong khi đó, có tới hơn 330 tỷ USD nguồn vốn từ các tổ chức quốc tế tài trợ cho các DN và quốc gia với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng xanh. Do đó, việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng xanh có thể mang lại nhiều lợi ích cho các DN, đặc biệt là khối tư nhân khi mức ưu đãi tối đa là 0,75% trong 10 năm và có tới 40 năm để trả nợ và cho vay ở mức cao.
![]() |
Có thể tiếp cận được 30 - 50% vốn cho dự án xanh từ các quỹ tín dụng xanh quốc tế
Quỹ khí hậu xanh do tổ chức Tài chính Khí hậu và Quỹ Khí hậu xanh (GCF) hiện đang cung cấp nguồn vốn cho Việt Nam và đây là cơ hội để các DN trong những lĩnh vực trên có thể tiếp cận nguồn vốn từ quỹ này. TS. Mai cho biết, hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang là cơ quan đầu mối thực hiện các thủ tục để các DN tiếp cận nguồn vốn từ quỹ này. Tuy nhiên, do quỹ này chỉ cung cấp hạn mức tín dụng đáp ứng khoảng 30 – 50% vốn cho dự án, nên để DN tiếp cận được nguồn vốn này, TS. Mai cho rằng cần xây dựng các danh mục dự án ưu tiên sử dụng nguồn lực, và những hướng dẫn chi tiết các lĩnh vực ưu tiên, hạn mức tín dụng, tỷ lệ đóng góp của DN và việc thẩm định đề án.
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, hệ thống ngân hàng có vai trò quyết định là nguồn cung ứng vốn xanh chủ yếu, có vai trò khuyến khích, định hướng đầu tư xanh và quản trị rủi ro tín dụng phục vụ mục tiêu tăng trưởng xanh. Do đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ thiết lập một loạt các yếu tố thiết yếu nhằm khuyến khích đầu tư xanh, như phối hợp chính sách tín dụng, tài khoá; phối hợp nguồn vốn; phối hợp các công cụ tài chính, tư vấn kỹ thuật, đào tạo, nâng cao năng lực; sử dụng nguồn vốn quốc tế và của Nhà nước để làm đòn bẩy, khuyến khích sự tham gia của vốn tín dụng thương mại và nguồn vốn tư nhân….
Đẩy mạnh tín dụng xanh là nhằm thực hiện theo Chỉ thị số 03 của Ngân hàng Nhà nước nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. Đây là sự cụ thể hoá việc thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 – 2020.
Cẩm An