Chiều 11/4, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2023 với nhiều vấn đề quan trọng được trình tới các cổ đông như vấn đề chi trả cổ tức, tín dụng bất động sản (BĐS) và chứng khoán đầu tư, bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài…
Tại Đại hội, thông tin về kết quả kinh doanh quý I/2023, Tổng Giám đốc Ngô Thu Hà cho biết, tính đến hết quý I/2023, tăng trưởng vốn trên 8%, tăng trưởng tín dụng khoảng 6%, lợi nhuận ước đạt 3.600 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022. Mức room tín dụng SHB được Ngân hàng Nhà nước cấp đầu năm là 7,9%, tới 31/3 tăng trưởng tín dụng đã đạt gần 6%.
Cuối năm 2022, nợ xấu của SHB (bao gồm nợ xấu ở CIC) tăng mạnh. Giải pháp của ngân hàng trong năm 2023 là đặt mục tiêu trọng tâm là xử lý thu hồi nợ. Đưa ra giải pháp cụ thể tới từng khách hàng, xử lý tài sản đảm bảo.
"Giá trị tài sản đảm bảo (TSĐB) của các khoản nợ xấu là rất lớn, tỷ lệ dư nợ xấu trên TSBĐ chiếm tỷ lệ 37% nên ngân hàng tự tin có thể thu hồi được cả gốc và lãi của các khoản vay", bà Hà cho hay.
Trong phần thảo luận, liên quan đến khoản mục chứng khoán đầu tư có quy mô lớn (32.000 tỷ giữ đến ngày đáo hạn), một số cổ đông lo ngại về rủi ro trong ngắn hạn và dài hạn cho ngân hàng.
Chủ tịch SHB Đỗ Quang Hiển cho biết trong năm nay, ngân hàng sẽ thay đổi chiến lược tìm kiếm cổ đông ngoại. |
Trả lời về vấn đề này, Tổng Giám đốc SHB cho biết, theo báo cáo tài chính kiểm toán, khoản mục đầu tư chứng khoán giữ đến ngày đáo hạn có 3 phần: trái phiếu chính phủ (chiếm gần 60%, 19.000 tỷ); trái phiếu của một số tổ chức tín dụng (1.120 tỷ, chiếm 3,5%) và trái phiếu của các tổ chức kinh tế khác (hơn 13.100 tỷ đồng).
Trong phần 13.000 tỷ đồng nói trên, 60% là trái phiếu thuộc mảng năng lượng tái tạo có kỳ hạn 3- 5 năm, trái phiếu còn lại 40% là mảng BĐS và xây dựng liên quan đến một số dự án đầu tư khu công nghiệp và nhà ở. Các dự án đều có thanh khoản tốt. SHB đầu tư cả sơ cấp và thứ cấp, hiện tại trái phiếu này vẫn đang thanh toán gốc lãi đầy đủ.
Chia sẻ thêm, Chủ tịch Đỗ Quang Hiển cho biết các dự án BĐS mà SHB đầu tư trái phiếu đều có có tài sản thế chấp, năng lực pháp lý đầy đủ. Nếu nói về TPDN thì SHB rất yên tâm về khoản mục đầu tư, mong cổ đông yên tâm về rủi ro trái phiếu.
Đối với tín dụng BĐS, Chủ tịch SHB cho rằng: Khi cho vay, ngân hàng có quan tâm đến pháp lý, thanh khoản dự án, nhu cầu và mục đích người sử dụng. “Ngân hàng sẵn sàng cho các dự án BĐS, kể cả các công ty xây dựng vay vốn nếu đáp ứng 4 yếu tố: Thanh khoản tốt, pháp lý tốt, vị trí tốt và nhu cầu người mua để ở, thì chúng ta hoàn toàn yên tâm cho vay”, ông Hiển nói. Đồng thời, ông khẳng định: “Hiện nay, tỷ lệ cho vay BĐS bao gồm cả xây dựng không cao, không lo ngại về rủi ro”.
Một vấn đề cũng được cổ đông quan tâm đó là SHB chưa tìm hiểu về việc tìm đối tác nước ngoài để tăng thêm năng lực tài chính?
Về vấn đề này, ông Hiển ví von: SHB như một cô gái đẹp và rất nhiều chàng trai quan tâm. Từ trước tới nay, ngân hàng luôn "chung thuỷ" với chiến lược tìm nhà đầu tư chiến lược dài hạn, có khả năng tài chính tốt để đồng hành cùng SHB, giúp ngân hàng quản trị, điều hành. "Tuy nhiên, chúng tôi đã và đang tiếp cận với một số nhà đầu tư nhưng với chiến lược từ 3 - 5 năm. Vì vậy, hiện nay, chúng tôi sẽ thay đổi chiến lược tìm kiếm cổ đông ngoại”, ông Hiển nói. Đồng thời cho biết "trong năm nay hoặc đầu năm sau, chúng ta sẽ có những "chàng rể" về trung hạn".
Liên quan đến tiến độ thực hiện thương vụ bán SHB Finance, Chủ tịch SHB cho biết, dự kiến trong tháng 4 sẽ thực hiện xong thủ tục, tháng 5 sẽ thực hiện giao tiền và đối tác sẽ đặt trước 50%; 3 năm sau sẽ trả nốt 50% còn lại và họ vào quản trị điều hành. Giá trị bán theo như thoả thuận thì chưa công bố được nhưng cao nhất trong số các thương vụ tài chính mà Việt Nam thoái vốn ra nước ngoài.
Tại đại hội, ban lãnh đạo ngân hàng trình cổ đông kế hoạch kinh doanh cho năm 2023 với 2 phương án tương ứng với 2 hai kịch bản hạn mức tăng trưởng tín dụng.
Cụ thể, phương án 1 với hạn mức tăng trưởng tín dụng 10%, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 6,15% lên 10.285 tỷ đồng. Tổng tài sản ước tăng 8,93% đạt 600.106 tỷ đồng. Nguồn vốn huy động thị trường 1 dự kiến tăng 12,05% đạt 456.180 tỷ đồng.
Phương án 2 với hạn mức tăng trưởng tín dụng 14%, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 9,67%, lên 10.626 tỷ đồng. Tổng tài sản ước tăng 10,09% đạt 606.500 tỷ đồng. Nguồn vốn huy động thị trường 1 dự kiến tăng 14,78% lên 467.291 tỷ đồng.
Với cả hai phương án này, SHB đều đặt mục tiêu lợi nhuận vượt 10.000 tỷ. Đồng thời, dự kiến vốn điều lệ tăng thêm 19,47% lên 36.645 tỷ đồng và tỷ lệ chia cổ tức dự kiến cho năm 2023 là 15%.
Bên cạnh đó, đại diện HĐQT SHB cũng báo cáo cổ đông phương án tăng vốn từ việc phát hành cổ phiếu dành cho nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.
Ngoài ra, HĐQT SHB cũng trình cổ đông phương án chuyển đổi mô hình hoạt động của Ngân hàng TNHH MTV Sài Gòn – Hà Nội Lào (SHB Lào) và Ngân hàng TNHH Đại chúng Sài Gòn – Hà Nội Campuchia (Ngân hàng TNHH MTV Sài Gòn – Hà Nội Campuchia/ SHB Campuchia). Trong năm 2022, đại diện SHB tại Lào, Campuchia cũng có các buổi làm việc với Chính phủ nước sở tại, được giới thiệu các nhà đầu tư tiềm năng. Hiện nay, SHB Lào và SHB Campuchia vẫn đang tiếp tục tìm kiếm, lựa chọn đối tác để phù hợp với định hướng chiến lược và đáp ứng quy định pháp luật hai bên.
Do vậy, HĐQT SHB trình ĐHĐCĐ thông qua việc SHB tiếp tục thực hiện chuyển đổi mô hình hoạt động của SHB Lào và SHB Campuchia theo Tờ trình số 07/TTr-HĐQT ngày 01/04/2021 tại ĐHĐCĐ 2021.
Thanh Hoa