Cổ phiếu EIB của Eximbank bị đưa vào diện cảnh báo là điều không thể chấp nhận cho một thương hiệu ngân hàng lớn. Đây có lẽ là ngân hàng đầu tiên bị rơi vào hoàn cảnh bi đát này. Nguyên nhân “đơn giản” là lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 2 năm liên tiếp 2014 và 2015 bị âm tương ứng 834 tỷ đồng và âm 817 tỷ đồng.
Nợ xấu cao như núi
Theo kết luận của Thanh tra Ngân hàng Nhà nước, thì nguyên nhân là do việc đầu tư, mua đi bán lại giữa Eximbank và Eximland khiến cho ngân hàng lúc thì ghi nhận khoản lợi nhuận nghìn tỷ, rồi sau đó lại là những khoản lỗ tương tự. Báo cáo của bà Văn Thái Bảo Nhi, Phó Tổng giám đốc cho biết, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước đã kiểm tra 20% tổng dư nợ cho vay của Eximbank tại thời điểm năm 2014.
Năm 2014, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước đã thanh tra trên 17.420 tỷ đồng từ Eximbank, trong đó, có các sai phạm về quy định cho vay như: giải ngân bằng tiền mặt chưa đúng quy định, chưa bổ sung chứng từ sử dụng vốn, kiểm tra sử dụng vốn vay chưa đầy đủ, chưa định giá lại tài sản thế chấp thường xuyên theo quy định. Thanh tra xác định nợ xấu của Exixmbank tại thời điểm 31/12/2014 là 4.365 tỷ đồng so với mức nợ xấu báo cáo của Eximbank báo cáo là 2.144 tỷ đồng. Nguyên nhân, Eximbank đã phân loại nợ sai. Do vậy, khoản mục trích lập dự phòng cũng không đủ.
Và mới đây, sự việc tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) lại làm dư luận nóng lên lên khi sự thật nợ xấu tại Eximbank đã bị phát hiện là trên 6.500 tỷ đồng, vượt ngưỡng 7,56% (theo Cục Thanh tra, Giám sát NHNN tại Tp.HCM (Cục II) phát hiện). Đây là một con số quá lớn vì số nợ xấu này đạt mức trên 50% vốn điều lệ 12.355 tỷ đồng của Eximbank.
Hiện, ngoài vấn đề nợ xấu, việc mâu thuẫn quyền lợi giữa các cổ đông lớn khiến ngân hàng này “tan tác” không thể tổ chức đại hội cổ đông. Trong thời gian qua, biến động cổ đông lớn muốn dòm ngó, thâu tóm ngân hàng Eximbank từ những người đến từ Ngân hàng NamABank, rồi các doanh nghiệp khác cũng gom mua để đưa người vào HĐQT nhưng bất thành.
Trước tình hình này, Ngân hàng Nhà nước đã nhóm họp HĐQT Eximbank với các nhóm cổ đông. HĐQT Eximbank cho biết họ có đủ sức điều hành, quản trị nên chưa cần thiết bầu thêm thành viên mới. HĐQT Eximbank hiện giờ phải thuê thêm 2 cố vấn là bà Ngô Thu Thúy, ông Đặng Phước Dừa? Chưa bao giờ, HĐQT của Eximbank lại biến động phức tạp đến thế. Các nhóm cổ đông khác có thể phản ứng, làm cho không khí đại hội căng thẳng, kéo dài thời gian như đại hội cổ đông khiến ngân hàng mất uy tín trên thị trường.
Chịu nhiều áp lực, liệu Eximbank có gục ngã?
Nội bộ tan tác
Theo hồ sơ của Eximbank, ngân hàng này hiện có 8 nhóm cổ đông đại diện 84,2% cổ phần, tương ứng với 8 người đại diện. Trong đó, đáng chú ý hơn cả là ông Ngô Thanh Tùng - thành viên HĐQT, đại diện 10,1% cổ phần cho nhóm cổ đông gồm 5 doanh nghiệp và 2 cá nhân. Riêng cố vấn HĐQT Eximbank - bà Ngô Thu Thúy - mua 4,3% cổ phần Eximbank từ 3 công ty liên quan đến bầu Kiên theo phương thức trả chậm. Tức là, bà Thúy chỉ đặt cọc 5% giá trị để 3 công ty này ủy quyền cho ông Ngô Thanh Tùng (em ruột bà Ngô Thu Thúy) làm đại diện nhằm đủ điều kiện vào HĐQT Eximbank.
Trong khi đó, 5 thành viên HĐQT Eximbank là các ông Lê Minh Quốc, Nguyễn Quang Thông, Đặng Anh Mai, Lê Văn Quyết, Hoàng Tuấn Khải gần như không có người nào nắm giữ cổ phần Eximbank. Một số lãnh đạo Eximbank cho biết hoạt động của ngân hàng này gần như bị chi phối bởi nhóm cổ đông nắm giữ 30% cổ phần, tương ứng với 3 thành viên HĐQT gồm các ông Naoki Nishizawa, Yasuhiro Saitoh (Nhật Bản), Ngô Thanh Tùng và bà cố vấn Ngô Thu Thúy, ông Lê Minh Quốc - thành viên độc lập (không nắm giữ cổ phần), chủ tịch HĐQT. Trong khi đó, ông Quốc là “người nhà” bà Thúy (ông Quốc là thành viên HĐQT công ty Âu Lạc, bà Thúy là Chủ tịch HĐQT công ty Âu Lạc). Như vậy, trong 9 thành viên HĐQT, chỉ có 3 người đại diện cổ phần nhưng lại điều hành toàn bộ hoạt động của Eximbank là không ổn.
Đây là nghịch lý khiến 4 nhóm cổ đông đại diện cho hơn 40% cổ phần không đồng hành với HĐQT Eximbank, dẫn đến đại hội cổ đông thường niên lần một năm 2016 bất thành. Các nhóm cổ đông cho biết họ đang vận động nhiều cổ đông khác phủ quyết mọi vấn đề ảnh hưởng đến quyền lợi mà HĐQT Eximbank trình đại hội cổ đông thường niên lần hai.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết các vấn đề liên quan đến HĐQT, cổ đông Eximbank đã phát lộ từ lâu. “Ngân hàng Nhà nước sẽ có cách xử lý”.
Vụ viện liên quan đến ngân hàng Eximbank đã tới mức nghiêm trọng, đáng báo động. Các phe cánh đấu đá, tố cáo lẫn nhau, tranh giành quyền lực có thể khiến cho ngân hàng này gục ngã. Nợ xấu cao hệ quả tiêu cực của một quá trình giám sát lỏng lẻo có thể dẫn đến hậu quả khó lường. Cho nên mọi người càng kỳ vọng tân Thống đốc NHNN cần quyết tâm giải quyết căn cơ vấn đề của Eximbank.
Vũ Hoàng