Quyết định vừa được Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam - Eximbank (mã: EIB) công bố hôm nay (8/2). Theo đó, Chủ tịch HĐQT Eximbank được giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện các thủ tục ký Thỏa thuận chấm dứt Thỏa thuận liên minh chiến lược ngày 27/11/2007 giữa hai bên.
Cuộc chiến vương quyền tại Eximbank sẽ chấm dứt sau sự ra đi của cổ đông lớn SMBC? |
SMBC trở thành cổ đông chiến lược tại Eximbank vào năm 2008 khi nắm giữ 15% cổ phần Eximbank trị giá 225 triệu USD. Khi đó, ngân hàng Nhật Bản đánh giá thị trường tài chính tại Việt Nam đang phát triển nhanh và việc hợp tác với Eximbank giúp SMBC nâng cao cơ hội kinh doanh tại Việt Nam.
Tuy nhiên, cuộc chiến vương quyền xảy ra giữa các nhóm cổ đông của Eximbank hơn một thập kỉ qua khiến SMBC bị sa lầy. Sau nhiều lần kiến nghị thanh lọc thành viên HĐQT Eximbank, tổ chức ĐHĐCĐ bất thường bất thành, SMBC đã quyết định rút vốn khỏi ngân hàng này.
Từ năm ngoái, trên thị trường rộ lên thông tin SMBC sẽ thoái sạch 15% vốn tại Eximbank để trở thành cổ đông chiến lược của VPBank. Năm ngoái, SMBC cũng đã rót gần 1,4 tỷ USD mua 49% vốn FE Credit - công ty tài chính trực thuộc VPBank. Theo luật định trong ngành ngân hàng Việt Nam, một tập đoàn tài chính nước ngoài không thể là cổ đông chiến lược lâu dài và quy mô (nắm giữ 15% vốn) cùng lúc tại hai tổ chức tín dụng. Điều đó có nghĩa nếu tham gia đầu tư vào VPBank, SMBC phải thoái vốn khỏi Eximbank. Mà công ty con của SMBC đã ký thỏa thuận đầu tư vào FE Credit.
Động thái rút hết vốn khỏi Eximbank được giới quan sát dự đoán với những lùm xùm kéo dài suốt nhiều năm qua khiến SMBC đánh giá đây không phải chỉ là chuyện lời lỗ của một khoản đầu tư trong 13 năm, nên nhóm cổ đông Nhật Bản này phải “tìm lối đi riêng” cho mình, mà còn là một trải nghiệm không “êm thấm” với một cái kết ít nhiều không mang lại niềm vui.
Vấn đề của Eximbank tới đây, trong trường hợp SMBC ra đi, nhóm nhà đầu tư nào sẽ nhận chuyển nhượng 15% cổ phần ngân hàng? Cũng có ý kiến cho rằng, khả năng nếu các nhóm cổ đông lớn hiệu hữu mua 15% cổ phần này sẽ là người chi phối và quyết định được tương lai của Eximbank.
Tính theo thị giá trên sàn, 15% cổ phần Eximbank mà SMBC sở hữu hiện có giá trị khoảng 6.696 tỉ đồng. Khi mua một tỷ lệ lớn cổ phiếu và có ý nghĩa chi phối ngân hàng như vậy, các giao dịch thỏa thuận thường diễn ra ngoài sàn, tức ngoài biên độ giao dịch quy định. Một cổ đông tổ chức của Eximbank nhận định giá chuyển nhượng có thể được SMBC chấp thuận sẽ cao hơn thị giá trên sàn.
Điều đáng quan tâm hơn cả là khi SMBC có thể rời khỏi Eximbank, room nước ngoài tại ngân hàng sẽ là một khoảng trống lớn, tạo sức hấp dẫn đáng kể cho cổ phiếu EIB.
Với các cổ đông của Eximbank thì điều mà họ mong chờ nhất đó là sự xuất hiện của những nhóm nhà đầu tư mới cả về lượng và chất để có thể bình ổn cuộc chiến vương quyền tại ngân hàng này và cải thiện bộ mặt kinh doanh đang gặp nhiều khó khăn thời gian qua.
Tuy nhiên, Eximbank vẫn chưa có dấu hiệu sóng yên bể lặng. Ngân hàng này dự kiến tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên 2021 lần thứ hai vào ngày 15/2 tới để tiến hành bầu thành viên HĐQT và Ban kiểm soát sau khi trình hồ sơ nhân sự được đề cử lên Ngân hàng Nhà nước vào ngày 24/1/2022. Trước đó, cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2021 lần thứ 1 của Eximbank được tổ chức hôm 27/4/2021 đã không thể diễn ra do không đủ số cổ đông tham dự.
Theo tài liệu của cuộc họp bất thường nói trên, một nhóm cổ đông dự định trình đại hội đề nghị miễn nhiệm 5 thành viên HĐQT Eximbank nhiệm kỳ 2015 - 2020 bao gồm: ông Yasuhiro Saitoh, ông Lê Minh Quốc, ông Cao Xuân Ninh, ông Lê Văn Quyết, ông Ngô Thanh Tùng.
Cuộc chiến nội bộ đã khiến kết quả kinh doanh của Eximbank bị ảnh hưởng nặng nề. Báo cáo tài chính quý IV/2021 cho thấy, năm 2021, ngân hàng này chỉ đạt 1.205 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm gần 10% so với năm 2020. Nguyên nhân là do tổng thu nhập hoạt động chỉ tăng 6%, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh chỉ tăng nhẹ trong khi trích lập dự phòng rủi ro tăng mạnh.
Thanh Hoa