Mặc dù Chính phủ đã giao cho Ngân hàng Nhà nước nhiệm vụ quan trọng là giảm lãi suất, nhưng kể từ tháng 4/2010, khi lãi suất cho vay lên đến 18%/năm cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Trong khi đó, với chủ trương điều hành chính sách tiền tệ trong năm 2011 theo định hướng tăng chất lượng tín dụng nên tăng trưởng chỉ ở mức 23%/năm để chỉ số lạm phát mục tiêu ở mức 7%, nhiều chuyên gia lo ngại lãi suất khó giảm.
Ngân hàng Nhà nước vừa cho biết trong tuần cuối cùng của năm 2010 (25 - 31/12), lãi suất huy động phổ biến ở mức 13,5 - 14%/năm và lãi suất cho vay ngắn hạn cao nhất ở mức từ 18 - 20%/năm. Còn doanh số giao dịch liên ngân hàng thì tăng đột biến. Cụ thể, tính đến ngày 29/12/2010, tổng doanh số giao dịch đạt xấp xỉ 218,825 tỷ đồng và gần 4,83 tỷ USD, bình quân đạt khoảng 36,367 tỷ đồng và 804 triệu USD/ngày.
Chạm "đỉnh" 20%
Trong tuần, các giao dịch VND chủ yếu phát sinh đối với các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần với tổng doanh số của các kỳ hạn này chiếm 82% so với tổng doanh số giao dịch cả tuần. Doanh số VND qua đêm đạt 60,204 tỷ đồng, chiếm 27% tổng doanh số cả tuần; doanh số giao dịch USD qua đêm đạt 3,074 tỷ USD, chiếm 64% tổng doanh số cả tuần.
Về lãi suất bình quân liên ngân hàng trong tuần đến ngày 29/12/2010 với các giao dịch bằng VND tăng ở hầu hết các kỳ hạn, với các mức tăng từ 0,06 - 0,39%. Riêng lãi suất không kỳ hạn giảm nhẹ 0,03%. Lãi suất bình quân qua đêm ở mức 10,50%/năm, tăng 0,08% so với tuần trước. Lãi suất bình quân các kỳ hạn còn lại đều dao động quanh mức 13% và 13,4%. Lãi suất bình quân cao nhất trong tuần là kỳ hạn 3 tháng và 12 tháng, hiện ở mức 13,41%. Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, lãi suất cho vay này vẫn đang được áp dụng trong những ngày đầu năm của 2011. Nhiều doanh nghiệp lo ngại sẽ không còn sức chịu đựng mức lãi vay cao, kéo dài trong năm 2011.
Theo Ts. Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Trường đại học Ngân hàng Tp.HCM, lãi suất có giảm được hay không là một vòng tròn. Lãi suất trong cấu phần của nó là có lạm phát. Chẳng hạn, lạm phát trong năm 2010 ở mức 12%, lãi suất 14%/năm thì người gửi tiền được lãi dương 2%. Do đó, nếu lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp trong thời gian tới thì chắc chắn lãi suất sẽ được điều chỉnh giảm theo. Trên thực tế, người ta hay nói rằng lạm phát là giá thành của lãi suất nhưng để lạm phát giảm, lúc đầu phải nâng lãi suất lên để hút bớt tiền trong lưu thông.
Như vậy, vòng tròn giữa lãi suất và lạm phát tiếp tục quay tròn, song, chỉ nâng lãi suất trong giai đoạn đầu. Đồng thời, Chính phủ sẽ dùng thêm các biện pháp khác như: giảm bội chi ngân sách, siết chặt hơn mục tiêu tăng trưởng tín dụng… Từ đó mới có thể kiểm soát được lạm phát, kéo lãi suất (cả huy động và cho vay) về mức phù hợp. "Với quyết tâm được Chính phủ đưa ra là kiểm soát lạm phát trong 6 tháng đầu năm 2011 chỉ ở mức 3,5% thì khả năng mặt bằng lãi suất sẽ sớm được điều chỉnh giảm", ông Dương nhận định.
Vẫn băn khoăn "thả" hay "siết"
Cùng vấn đề này, Ts. Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho rằng với mục tiêu của Chính phủ là cuối quý I/2011 sẽ giảm lãi suất cho vay và huy động, khả năng đến quý I/2011, mặt bằng lãi suất mới có thể được điều chỉnh giảm. Nhưng để giảm được lãi suất tiền đồng, trước hết cũng nên xem xét để điều chỉnh giảm lãi suất ngoại tệ. Bởi lãi suất ngoại tệ cũng là một nhân tố ảnh hưởng tiêu cực tới tiền đồng, vì khi lãi suất USD cao, giá trị đồng USD tăng lên. Do đó, các ngân hàng nâng lãi suất huy động ngoại tệ lên để hút vốn, khiến nhiều người chọn gửi ngoại tệ. Ở Mỹ, lãi suất USD chưa đến 1%, trong khi Việt Nam huy động trên 5%, nên cần giảm lãi suất ngoại tệ.
Diễn biến lãi suất trong năm 2010 khiến cả cơ quan quản lý lẫn chuyên gia đều lo ngại việc trả lãi suất cho thị trường, nên đã nhiều lần ra tay can thiệp. Thực tế, nhiều lần Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đã can thiệp việc hạ lãi suất bằng cách thỏa thuận giữa các ngân hàng với những ràng buộc pháp lý lỏng lẻo. Kể cả lần thỏa thuận lãi suất cuối cùng có sự "giám sát" của Ngân hàng Nhà nước nhằm thỏa hiệp một mức lãi suất huy động chung. Tuy nhiên, những thỏa hiệp này không đạt được kết quả như mong muốn, những ngân hàng thiếu vốn vẫn phải bằng cách này, cách kia kéo được nguồn vốn từ thị trường 1, khiến thị trường lãi suất vẫn trong tình trạng "sóng ngầm".
Với thực tế này, nhiều ý kiến trái chiều đã được đưa ra, người thì cho rằng cần phải thả nổi, người thì cho rằng vẫn nên áp dụng mức thỏa thuận. Lãnh đạo một ngân hàng thương mại đã đặt câu hỏi một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước rằng: "Làm sao để vừa đồng thuận lại vừa có được tình trạng lãi suất một giá?" nhưng chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng.
VNBA có quan điểm cho rằng dù các ngân hàng đề nghị và Luật Ngân hàng Nhà nước năm 2010 đã cho phép thì Ngân hàng Nhà nước cũng không nên ấn định lãi suất trần theo chủ quan của mình. Định kỳ, các thành viên VNBA cần thống nhất mức lãi suất huy động VND bao nhiêu thì hợp lý, sau đó VNBA đề nghị Ngân hàng Nhà nước giúp đỡ giám sát các thành viên thực hiện mức lãi suất này.
Thực tế lãi suất hai giá vẫn tồn tại như một minh chứng rằng biện pháp hành chính sẽ không thể là giải pháp hiệu quả. Hơn nữa, theo Điều 91 của Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) mới, các TCTD được quyền ấn định và phải niêm yết công khai mức lãi suất huy động vốn, mức phí cung ứng dịch vụ trong hoạt động kinh doanh của TCTD. TCTD và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của TCTD theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, cũng trong Điều 91 của Luật các TCTD mới này có quy định: "Trong trường hợp hoạt động ngân hàng có diễn biến bất thường, để bảo đảm an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước có quyền quy định cơ chế xác định phí, lãi suất trong hoạt động kinh doanh của TCTD".
Ông Nghĩa cho rằng nếu trong năm 2011, Ngân hàng Nhà nước vẫn dùng biện pháp hành chính để áp chế lãi suất thì sẽ không có hiệu quả. Cùng với nhiều giải pháp đồng bộ khác, Ngân hàng Nhà nước nên thiết kế các mức lãi suất và công bố theo hướng: lãi suất cơ bản chỉ còn có ý nghĩa là để xác định hành vi cho vay nặng lãi; lãi suất tái cấp vốn sẽ ở mức cao nhất để thực hiện đúng nguyên tắc Ngân hàng Nhà nước chỉ là người cho vay cuối cùng, hỗ trợ thanh khoản sau khi các ngân hàng đã hết cửa vay các nơi khác. Riêng đối với các ngân hàng nhỏ trong những trường hợp đặc biệt sẽ có cơ thế lãi suất tái cấp vốn riêng. Việc định hướng lãi suất như vậy sẽ phù hợp với thông lệ quốc tế và khắc phục "lỗ hổng" chính sách hiện nay đang gây ra dư luận về việc một số ngân hàng lợi dụng vốn vay lãi suất thấp từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước để kiếm lời một cách không minh bạch.
Minh Huệ
(KINH DOANH số 74, ra ngày 10/01/2010)