Trao đổi với VnBusiness, hầu hết các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh kinh tế số hiện nay, vấn đề không nằm ở quy mô mà ngân hàng nào "nhanh chân" trong cuộc đua số hoá sẽ có lợi thế lâu dài. Điển hình, những nhà băng đầu tư mạnh về ngân hàng số ghi nhận tiền gửi của khách hàng tăng như: Techcombank tăng 14%; HDBank tăng 11,3%; MB tăng 10,6%; Vietinbank tăng 8,3%...
Hưởng lợi nhờ số hoá
Rõ ràng số hóa là câu chuyện đang “trend” của các nhà băng trong 3 năm trở lại đây, xu hướng này không chỉ có lợi cho khách hàng bởi những tiện ích mà hơn hết ngân hàng cũng đang gặt hái “quả ngọt”.
![]() |
Tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) sẽ tỷ lệ thuận với tốc độ số hóa của mỗi ngân hàng. (Ảnh: Int) |
Các tác động của dịch COVID-19 cùng với việc lãi suất tiết kiệm liên tục giảm (trung bình chỉ còn 5,5%/năm vào cuối tháng 10) đã khiến cho tiền nhàn rỗi trong cư dân chảy vào các kênh có khả năng sinh lời cao hơn như bất động sản hay chứng khoán và giảm tiền gửi tại hệ thống ngân hàng.
Nhìn vào báo cáo tài chính quý III/2021 được các ngân hàng công bố cho thấy tăng trưởng tiền gửi của khách hàng tại ngân hàng tỷ lệ thuận với tốc độ số hoá. Ngân hàng nào càng có nhiều dịch vụ số tiện ích, hệ sinh thái càng đa dạng, thì số dư tiền gửi càng cải thiện tốt. Ngược lại, có những ngân hàng ghi nhận sụt giảm rất mạnh.
Bất chấp tác động của đại dịch COVID-19 số lượng khách hàng của Techcombank vẫn tiếp tục tăng trưởng trong 9 tháng đầu năm. Cụ thể, ngân hàng đã thu hút thêm khoảng 870 nghìn khách hàng mới, nâng tổng số khách hàng lên 9,2 triệu. Cùng với đó, tổng tiền gửi tại ngày 30/09/2021 là 316,4 nghìn tỷ đồng, tăng 25,3% so với cùng kỳ năm ngoái và 14,0% kể từ đầu năm.
Tương tự tại MB, so với thời điểm cuối năm 2020, số khách hàng sử dụng App MBBank tăng 120%, chiếm 75% tổng số khách hàng cá nhân của MBBank. Tổng giao dịch trên kênh số của MB chiếm đến 94% số lượng giao dịch. Điều này mang lại ưu thế cho ngân hàng khi lượng tiền gửi tính đến hết tháng 9/2021 đạt 343.949 tỷ đồng, tăng 10,6% so với đầu năm.
Đáng lưu ý, lượng tiền gửi không kỳ hạn trên tổng tiền gửi của khách hàng của các nhà băng này (CASA) vượt trên tỷ lệ 30%. CASA được xem là nguồn tiền có chi phí vốn rẻ, do đó tỷ lệ này càng cao thì khả năng bù đắp cho việc tăng chi phí từ huy động có kỳ hạn và phát hành trái phiếu càng lớn, tăng lợi thế cạnh tranh. Qua đó, giúp các ngân hàng có cơ hội mở rộng biên lợi nhuận.
Lợi thế này xuất phát từ sự “nhanh chân”của các nhà băng này từ nhiều năm trước đã hào phóng chi hàng trăm triệu USD để đầu tư công nghệ, xây dựng cơ sở dữ liệu hiện đại. Vì vậy, xu hướng chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng sẽ còn diễn ra mạnh mẽ.
Ngân hàng nào dẫn đầu số hoá?
Ông Phùng Quang Hưng, Giám đốc điều hành Techcombank khẳng định: “Trong giai đoạn 2021-2025, Techcombank sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng năng lực “Big Data” gồm các kho dữ liệu lớn và năng lực phân tích dữ liệu, máy học tiên tiến, cũng như đầu tư các nền tảng ngân hàng số mới cho khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân, để mang lại những trải nghiệm hoàn toàn mới cho khách hàng”.
Trên thực tế, MB và Techcombank chỉ là những ví dụ điển hình trong cuộc đua số hoá đang diễn ra ngày càng gay cấn hơn tại ngành ngân hàng. Theo Ngân hàng Nhà nước, Việt Nam được đánh giá có mức độ ứng dụng ngân hàng số với tốc độ nhanh nhất trong khu vực. Cho đến nay, hầu hết các thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0 đã được ứng dụng mạnh mẽ và rộng rãi vào các dịch vụ ngân hàng cốt lõi như thanh toán, tín dụng, tiết kiệm…
Nhận định về cuộc đua số hóa của các nhà băng trong thời gian qua, chuyên gia kinh tế - tài chính TS. Cấn Văn Lực cho hay: Đó là xu thế tất yếu. Bởi ngân hàng không chỉ chuyển đổi số vì nhu cầu của khách hàng đã thay đổi, mà còn là lợi ích của nhà băng. “Đầu tư công nghệ rất tốn kém ở giai đoạn đầu, nhưng hiệu quả mang lại rất lớn”, ông nhấn mạnh và dẫn ví dụ, phần đầu tư công nghệ của ngân hàng giả sử làm tăng chi phí hoạt động khoảng 10% thì doanh thu đem về cho ngân hàng sẽ lớn gấp đôi, khoảng 20%.
Vậy ngân hàng nào đang dẫn đầu chuyển đổi số tại Việt Nam? Theo báo cáo xếp hạng về chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin hàng năm (Vietnam ICT Index) của Bộ Thông tin và Truyền thông công bố gần đây nhất cho thấy, đang có sự phân hóa mạnh về tiến độ chuyển đổi số giữa các ngân hàng.
Chẳng hạn, xếp hạng ứng dụng CNTT nội bộ (gồm Core banking, ứng dụng, thanh toán điện tử), các ngân hàng dẫn đầu là BIDV, VIB, SCB, NamAbank, TPBank. Tuy nhiên, xét về hạ tầng nhân lực (cán bộ chuyên trách CNTT, ATTT) lại có sự xáo trộn lần lượt là: TPBank, Techcombank, NamABank, VietABank, MB. Trong khi đó, xếp hạng dịch vụ trực tuyến vị trí dẫn đầu tiếp tục thay đổi, lần lượt là BIDV, VPBank, Vietcombank, VietinBank, Techcombank.
Trao đổi với VnBusiness, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, sự xáo trộn này không có gì bất ngờ, bởi các ngân hàng vẫn tiếp tục đầu tư tiền tài, nhân lực cho số hoá. Tuy nhiên, mỗi ngân hàng có chiến lược, mục tiêu số hoá khác nhau và năng lực đầu tư khác nhau. "Vì vậy, cuộc cạnh tranh này sẽ còn nhiều thay đổi trong thời gian tới. Quan trọng là ngân hàng số hóa nhanh hơn sẽ chiếm lĩnh thị phần", TS Hiếu nói.
Thanh Hoa