Sau quyết định hạ trần lãi suất huy động và cho vay của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vào ngày 18/11, hàng loạt nhà băng đã giảm lãi suất huy động, trong khi lãi cho vay tiền đồng dường như điều chỉnh chậm hơn, hiện chỉ có một số ít ngân hàng quyết định giảm lãi suất cho vay.
Xu hướng giảm lãi suất
Theo khảo sát của Thời báo Kinh Doanh, khác với các đợt điều chỉnh mang tính cục bộ trước đây, động thái giảm lãi suất lần này đang diễn ra trên diện rộng, bao gồm cả các ngân hàng TMCP gốc quốc doanh như VietinBank, Vietcombank và các ngân hàng TMCP có quy mô vốn vừa và nhỏ. Mức độ giảm trong đợt điều chỉnh lãi suất huy động đang diễn ra phổ biến 0,2-0,4%.
Sáng 18/11, hàng loạt ngân hàng đã điều chỉnh biểu lãi suất huy động tiền gửi, trong đó lãi suất giảm mạnh ở nhiều kỳ hạn.
Chẳng hạn, tại VietinBank, lãi suất cao nhất hiện nay chỉ còn 6,8%/năm, giảm 0,2 điểm phần trăm so với trước đó. Mức lãi suất này áp dụng cho các kỳ hạn từ 24 tháng đến trên 36 tháng.
TPBank cũng điều chỉnh giảm từ 0,1-0,2 điểm phần trăm lãi suất ở nhiều kỳ hạn, theo đó mức lãi suất cao nhất khi gửi tại quầy giảm từ 8,6%/năm xuống còn 7,6%/năm.
Thực tế, xu hướng giảm lãi suất huy động đã xảy ra ở nhiều ngân hàng ngay từ tuần trước. VPBank cũng đã công bố biểu lãi suất mới, giảm mạnh ở hàng loạt kỳ hạn. Mức lãi suất cao nhất khi gửi tại quầy của nhà băng này chỉ còn 7,6%/ năm, giảm 0,4 điểm phần trăm so với trước đó. Mức lãi suất cao nhất này áp dụng cho kỳ hạn 18 tháng, 36 tháng, khi gửi từ 5 tỷ đồng trở lên.
Tại kỳ hạn 12 tháng, lãi suất giảm 0,2 điểm phần trăm xuống mức 6,95-7,15%/năm. Lãi suất huy động kỳ hạn 9 tháng giảm 0,3 điểm phần trăm xuống còn 7,1%/năm.
Tại VietCapitalBank, sau khi giảm 0,1 điểm phần trăm hồi đầu tháng 11, lãi suất huy động tiếp tục giảm mạnh tới 0,4 điểm phần trăm. Lãi suất tiền gửi cao nhất tại VietCapitalBank hiện chỉ còn 8,1%/năm, thay vì mức 8,6%/năm trước đó.
Trong khi đó, việc giảm lãi suất cho vay chỉ thực sự diễn ra khi quyết định của NHNN được ban hành. Khảo sát cho thấy, Vietcombank là ngân hàng hưởng ứng đầu tiên khi công bố giảm 0,5% lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp (DN) ngay trong chiều ngày 18/11.
Tiếp theo đó, đầu giờ chiều ngày 19/11, VietinBank công bố điều chỉnh giảm lãi suất cho vay VND ngắn hạn tối đa từ 6,5%/năm xuống 6,0%/năm đối các lĩnh vực ưu tiên.
Cuối năm, hàng loạt ngân hàng giảm lãi suất huy động |
Hỗ trợ đầu ra
Còn MSB dành riêng gói tín dụng lên tới 2.000 tỷ đồng cho các DN có nhu cầu vay ngắn hạn, trung dài hạn để bổ sung vốn kinh doanh, đầu tư mua trang thiết bị, nhà xưởng, kho hàng, phương tiện vận chuyển, với lãi suất ưu đãi lên tới 2% cho các khách hàng mới và 1% cho các khách hàng hiện hữu đáp ứng điều kiện.
Theo giới phân tích, động thái giảm lãi suất đầu vào đồng loạt ở thời điểm này gây khá nhiều bất ngờ cho khách hàng, nhà đầu tư, bởi thông thường những tháng cuối năm là giai đoạn mà các nhà băng cần huy động vốn nhiều nhất cho mùa kinh doanh cuối năm và đầu năm mới.
Nhìn rộng ra toàn hệ thống, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng việc các ngân hàng đồng loạt hạ lãi suất huy động trong thời điểm này được hỗ trợ rất lớn bởi yếu tố thanh khoản dồi dào. Lãi suất liên ngân hàng duy trì ở mặt bằng thấp (1,8-2,2%/năm) trong 4 tuần gần đây cho thấy các nhà băng không còn quá căng thẳng về thanh khoản.
Ngoài ra, động thái giảm lãi suất của các ngân hàng cũng nhằm ủng hộ định hướng của Chính phủ là giảm lãi suất cho vay thêm khoảng 0,5% trong năm 2020.
Tuy nhiên, lộ trình thực hiện Thông tư 41 đang đến gần (đầu năm 2020) có thể khiến các ngân hàng chưa đáp ứng được hệ số CAR (hơn 20 ngân hàng) khó có khả năng cắt giảm mạnh lãi suất huy động, đặc biệt tại các kỳ hạn trung và dài hạn.
Trong khi đó, đối với việc giảm lãi suất cho vay kể từ đầu năm đến nay, các ngân hàng có vốn nhà nước đã giảm 2 lần, nhưng việc giảm lãi suất chỉ áp dụng cho các khách hàng thuộc lĩnh vực ưu tiên, song ở lần này, một số nhà băng đã mở rộng đối tượng hưởng lợi bao gồm tất cả các DN.
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc giảm lãi suất cho vay vào thời điểm cuối năm là nỗ lực rất lớn của ngành ngân hàng trong việc tiết giảm chi phí đầu vào để hướng tới giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ DN theo chỉ đạo của Chính phủ.
Đại diện Vietcombank cho biết việc giảm lãi suất này sẽ có tác động trực tiếp tới khoản dư nợ 320.000 tỷ đồng mà ngân hàng đang cho DN vay (tương đương với gần 50% tổng dư nợ cho vay của Vietcombank vào thời điểm cuối quý III/2019). Cũng theo Vietcombank, riêng đợt giảm lãi suất công bố chiều 18/11 sẽ làm giảm lợi nhuận của ngân hàng này khoảng 260 tỷ đồng.
Theo đánh giá của BVSC, việc sụt giảm nguồn thu từ lãi sau khi giảm 0,5% lãi suất cho vay sẽ có ảnh hưởng nhất định nhưng không quá nhiều đến mục tiêu lợi nhuận 1 tỷ USD trong năm nay của Vietcombank.
Ts. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, nhận định quyết định giảm lãi vay sẽ góp phần hỗ trợ DN tiếp cận vốn rẻ hơn, qua đó đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.
Ở khía cạnh người gửi tiền, việc giảm lãi suất kỳ hạn ngắn sẽ có tác động kích thích dịch chuyển nguồn tiền gửi sang các kỳ hạn dài hơn, hỗ trợ các ngân hàng cân đối nguồn và cho vay trung dài hạn hỗ trợ nền kinh tế.
Thanh Hoa