Tại Hội thảo "Nâng cao tính lành mạnh và hiệu quả của cho vay tiêu dùng và quy định thực tiễn thu hồi nợ" vừa được tổ chức, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cho biết nợ xấu tại các công ty tài chính hiện khoảng 14,63%, ở mức đáng báo động. Nhiều công ty tài chính rất khó khăn, thậm chí thua lỗ do trích dự phòng rủi ro tăng cao...
Theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, tính đến cuối năm 2023, dư nợ cho vay phục vụ nhu cầu đời sống đạt khoảng 2,8-2,9 triệu tỷ, chiếm khoảng 21% dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế.
Tính đến cuối tháng 2/2024, tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế không đạt kỳ vọng, trong đó dư nợ tín dụng cho vay phục vụ nhu cầu đời sống giảm trên 28%, chỉ đạt 2.890 nghìn tỷ, chiếm 17,3% tổng dư nợ nền kinh tế.
Tỷ lệ nợ xấu trong tín dụng tiêu dùng có xu hướng gia tăng, đến cuối tháng 2/2024 vào khoảng 4,1%. |
Trong đó, 15/16 công ty tài chính được cấp phép tại Việt Nam đang hoạt động và dư nợ cho vay tiêu dùng khoảng 138,8 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ lệ khoảng 5% tổng dư nợ cho vay phục vụ nhu cầu đời sống.
Theo ông Hùng, tính đến hết tháng 2/2024, tốc độ tăng trưởng tín dụng tiêu dùng âm (giảm 2,5% so với ngày 31/12/2023). Nguyên nhân khiến dư nợ cho vay tiêu dùng giảm là do kinh tế khó khăn, người dân hạn chế vay tiêu dùng. Thậm chí, việc trả nợ vay của khách hàng cũng bị ảnh hưởng khiến nợ xấu tại các công ty tài chính tiêu dùng và ngân hàng tăng cao.
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu trong tín dụng tiêu dùng có xu hướng gia tăng, đến cuối tháng 2/2024 vào khoảng 4,1%, trong khi từ năm 2018 - 2023 chỉ khoảng trên 3%. Xét riêng về nợ xấu trong dư nợ cho vay đời sống tiêu dùng vào khoảng 3,7%, trong khi năm 2022 khoảng 2%.
Đối với nợ xấu tại các công ty tài chính dù giảm nhẹ từ mức 15% cuối năm 2023 đến nay chỉ còn khoảng 14,63% nhưng vẫn ở mức đáng báo động.
"Hiệp hội đề xuất chấm điểm tín dụng người dân, tích hợp dữ liệu dân cư, để nhiều người vay vốn thấy hậu quả của việc "bùng nợ" khiến công việc làm ăn khác khó khăn và phải trả nợ ngân hàng".
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam
“Nhiều công ty tài chính lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí thua lỗ do phải trích dự phòng rủi ro nợ xấu tăng cao. Khả năng thu hồi nợ cũng rất khó khăn. Thời gian qua xuất hiện nhiều nhóm bùng nợ, một số công ty đã phải thu hẹp hoạt động. Đây là thực trạng hết sức nguy hiểm. Nên các công ty tài chính, ngân hàng phải rà soát và giám sát chặt chẽ hơn khi cho vay vốn”, ông Hùng nêu rõ thực tế.
Trong bối cảnh đó, các chuyên gia đặt vấn đề: Hiện nay chưa có hành lang pháp lý đối với các khoản nợ chưa có tài sản đảm bảo. Đồng thời, không có hành lang pháp lý mua bán nợ, dẫn đến hiện tượng “rủ nhau bùng nợ” và dùng "xã hội đen" để đòi nợ một cách manh động.
"Tôi cho rằng điều này không phù hợp với pháp luật hiện nay, do đó cần hành lang pháp lý để các đơn vị thu hồi nợ thuận lợi hơn", ông Hùng bày tỏ.
Đồng tình, ông Darryl Dong, Đại diện cấp cao Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) Việt Nam, cho rằng trong bối cảnh môi trường kinh tế chính trị ngày càng thách thức, hơn lúc nào hết, các cơ quan chức năng có vai trò giải quyết nợ xấu cần nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng một khuôn khổ thể chế chặt chẽ, mạnh mẽ và thiết thực, dựa trên các nguyên tắc thị trường.
"Việc phát triển các công ty mua bán, xử lý nợ xấu chuyên nghiệp, hình thành một thị trường mua bán nợ xấu năng động và chuyên nghiệp đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong xử lý nợ xấu tiêu dùng hiệu quả", đại diện IFC Việt Nam nhấn mạnh.
Theo ông Lê Quốc Ninh, Tổng giám đốc Công ty Tài chính Mcredit, hiện nay, thị trường Việt Nam vẫn thiếu dịch vụ xử lý nợ thuê chuyên nghiệp, trong khi đây là kĩnh vực phổ biến tại nhiều quốc gia phát triển. Do đó, ông cho rằng cần sớm hoàn thiện khung pháp lý đảm bảo phù hợp thực tiễn hoạt động thu hồi nợ tiêu dùng, trong đó cho phép và kiểm soát hoạt động cung cấp dịch vụ xử lý nợ chuyên nghiệp.
“Cho phép hoạt động đòi nợ thuê được quy hoạch vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện, quy định rõ ràng và minh bạch về điều kiện thành lập, hoạt động, cơ chế kiểm soát rõ ràng thay vì bị cấm như hiện nay”, ông Ninh kiến nghị.
Ngoài ra, Tổng giám đốc Mcredit cho rằng cần cho phép các công ty tài chính tiêu dùng tiếp cận cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đồng thời, các tổ chức tín dụng chia sẻ dữ liêụ blacklist về các đối tượng có dấu hiệu, hoặc có hành vi gian lận, qua đó các công ty tài chính nâng cao việc cấp tín dụng hoặc dịch vụ tài chính, giảm thiểu nợ xấu phát sinh.
Ở góc độ ngân hàng, ông Nguyễn Hồng Quân, Phó tổng Giám đốc TPBank cho rằng ngoài việc nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm người đi vay, cần phải xây dựng hệ thông chấm điểm tín nhiệm công dân.
Đồng thời, ông Quân nhấn mạnh đến việc cần minh bạch hoạt động cho vay tiêu dùng. Trong đó, các ngân hàng, công ty tài chính tiêu dùng cần thống nhất hiệp thương để đưa ra các tuyên bố chung về chế tài với việc cố tình, chây ỳ trả nợ. Ví dụ, nếu người vay bị đánh giá lẩn tránh, chây ỳ trả nợ tại một ngân hàng hay công ty tài chính sẽ không được cấp tín dụng tại các tổ chức khác, nhất là cấp thẻ tín dụng, vay mua ô tô…
Thanh Hoa